Đáng gờm sát thủ diệt tàu đổ bộ của Việt Nam

(Kiến Thức) - Trong cuộc diễn tập mới đây, bộ đội Hải quân Việt Nam đã bắn thử thành công tên lửa chống hạm P-21 mang đầu đạn nặng tới gần nửa tấn.

Trong cuộc diễn tập mới đây của Quân chủng Hải quân, lực lượng tên lửa bờ biển đã tiến hành bắn thử thành công các tổ hợp tên lửa chống hạm đất đối hải 4K51 Rubezh và 4K44 Redut. Trong ảnh, đạn tên lửa P-21 của tổ hợp bảo vệ bờ biển 4K51 Rubezh rời bệ phóng. Cuộc bắn cho thấy tên lửa vẫn đảm bảo tốt yêu cầu tác chiến dù đã trải qua nhiều năm sử dụng. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

4K51 Rubezh là tổ hợp tên lửa bờ biển có tầm bắn ngắn nhất trong hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển của Hải quân Việt Nam. Tất nhiên tầm bắn ngắn có nhiệm vụ của nó, không phải cứ bắn xa nhất có thể là tốt. Với tầm bắn ngắn, Rubezh có thể tiêu diệt các mục tiêu lọt qua phạm vi tác chiến tối thiểu của 4K44 Redut và K-300P Bastion-P.

Mặc dù ra đời những năm 1970, thế nhưng 4K51 Rubezh trông rất gọn nhẹ, gọn hơn cả tổ hợp Bastion hiện đại. Biên chế một khẩu đội tên lửa 4K51 Rubezh gồm có 4 xe phóng đạn 3P51, 4 xe nạp đạn và 16 quả đạn tên lửa hành trình chống tàu P-21 (phiên bản xuất khẩu của đạn P-15M Termit). Trong ảnh là xe phóng đạn 3P51.

Đáng chú ý, xe phóng đạn 3P51 tích hợp luôn cả cabin điều khiển, đài radar trinh sát – dẫn bắn Harpoon và bệ phóng tên lửa KT-161. Trong ảnh, anten parabol của đài Harpoon trên xe phóng 3P51 trong trạng thái nghỉ ngơi. Đài này có tầm trinh sát 40-100km, cung cấp lệnh dẫn đường cho các tên lửa. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

Bên trong cabin điều khiển tên lửa 4K51 Rubezh. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

Toàn bộ khí tài tích hợp trên khung bệ cơ sở xe việt dã hạng nặng bánh lốp MAZ-543M. Xe này có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 60km/h, dự trữ hành trình 650km. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

Tổ hợp 4K51 Rubezh được trang bị đạn tên lửa hành trình chống tàu P-21 – phiên bản xuất khẩu của mẫu P-15M. Nó có chiều dài khoảng 6,56m, sải cánh 2,5m, đường kính thân (lớn nhất) 0,78m, trọng lượng phóng 2,5 tấn, lắp đầu đạn nổ phá uy lực mạnh 513kg (có một số nguồn thì cho là 454kg). Trên thân tên lửa, có 3 cánh đuôi tam giác gắn liền thân và 2 cánh lớn ở giữa thân được gấp gọn trong trạng thái hành quân. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

Trong ảnh là hình vẽ cấu tạo đạn tên lửa P-21 – đầu mũi là nơi lắp đài radar chủ động, tiếp đó tới phần chiến đấu (chứa nửa tấn thuốc nổ cùng ngòi nổ), động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng, dưới bụng lắp một động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

Trong ảnh là đầu tự dẫn radar chủ động của P-21, kích hoạt khi cách mục tiêu 10-20km.

Tầm bắn của tên lửa đạt 8-80km, trần bay của tên lửa 25-50-250m được nạp vào máy tính trước khi phóng, tốc độ hành trình cận âm 1.100km/h (Mach 0,9). Trong ảnh, động cơ khởi tốc của tên lửa đưa đạn rời bệ phóng, ở độ cao ổn định động cơ chính turbojet sẽ kích hoạt đưa đạn tới mục tiêu. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

Dù có tầm bắn ngắn hơn P-35B 4K44 Redut hay P-800 Bastion-P, tuy nhiên đó lại là lợi thế của P-21 khi có thể tấn công các tàu lọt qua phạm vi tác chiến tối thiểu của hai tổ hợp trên. Ngoài ra, dù bị coi là tên lửa lạc hậu, chậm chạp, radar dễ bị gây nhiễu, thế nhưng P-21 được coi là rất hữu dụng chống lại các loại tàu đổ bộ lớn vốn trang bị vũ khí phòng thủ hạn chế. Với một cuộc tấn công quy mô bằng nhiều quả tên lửa phóng loạt cùng lúc, chỉ cần một quả P-21 cũng đủ “tiễn” tàu đổ bộ lớn 10-20.000 tấn xuống đáy biển hoặc mất khả năng chiến đấu. Nguồn ảnh: Kênh QPVN

An Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/dang-gom-sat-thu-diet-tau-do-bo-cua-viet-nam-890453.html