Đảng của Tổng thống Ê.Ma-crông và đồng minh chiến thắng vang dội

Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Ê.Ma-crông (Emmanuel Macron) và đồng minh là đảng trung hữu Phong trào Dân chủ (MoDem) đã giành chiến thắng vang dội trong vòng 2, vòng cuối cùng của cuộc bầu cử Hạ viện Pháp diễn ra ngày 18-6.

AP dẫn kết quả cuối cùng do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 19-6 cho thấy, LREM và MoDem đã giành được 350 ghế, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế) trên tổng số 577 ghế tại Hạ viện. Theo sau là Đảng Những người Cộng hòa (LR) và liên minh giành được 137 ghế, duy trì là đảng đối lập chủ chốt của Pháp. Đảng Xã hội (PS) chỉ giành được 29 ghế. Trong khi đó, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Ma-rin Lơ Pen (Marine Le Pen) chỉ giành được tổng cộng 8 ghế. Kết quả này đã giáng mạnh vào hy vọng của bà Ma-rin Lơ Pen muốn FN trở thành đảng đối lập chủ chốt tại Pháp.

Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông bắt tay với cử tri bên ngoài một điểm bỏ phiếu hôm 18-6. Ảnh: Reuters

Trước thắng lợi vang dội của LREM và MoDem, Thủ tướng Pháp Ê.Phi-líp (Edouard Philippe) chia sẻ: "Đây là một cơ hội cho nước Pháp. Một năm trước, không ai hình dung nổi là sẽ có một sự đổi mới chính trị như thế này". Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông X.Xai-bơ (Steffen Seibert), người phát ngôn của Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) gửi lời chúc mừng của nhà lãnh đạo Đức, trong đó bày tỏ bà A.Méc-ken mong muốn "hợp tác tốt đẹp và sâu rộng hơn nữa vì nước Đức, Pháp và châu Âu". Ngoại trưởng Đức X.Ga-bri-en (Sigmar Gabriel) cũng hoan nghênh thắng lợi của LREM và MoDem trong cuộc bầu cử này. Ngoại trưởng Đức X.Ga-bri-en cho rằng, thắng lợi trên đã "mở ra con đường cải cách ở Pháp và châu Âu".

Sau khi LREM và MoDem giành chiến thắng vang dội trong vòng 2 cuộc bầu cử Hạ viện Pháp, hãng tin AFP nhận định, Tổng thống Ê.Ma-crông sẽ tập trung vào 3 cải cách chính mà ông muốn Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua để thực hiện các cam kết khi tranh cử. Một là nới lỏng luật lao động. Tổng thống Ê.Ma-crông tin rằng, chìa khóa để giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức 10% tại Pháp là tạo ra sự linh hoạt trong quy định về lao động của đất nước. Chính phủ muốn trao cho doanh nghiệp nhiều quyền hơn trong việc đàm phán điều kiện làm việc với người lao động cũng như muốn hạn chế số tiền trợ cấp thôi việc. Hai là làm trong sạch bộ máy chính trị. Trong chiến dịch tranh cử, ông Ê.Ma-crông cam kết khôi phục lòng tin vào các quan chức được bầu chọn bằng cách đưa ra một dự luật làm trong sạch chính trị sau nhiều vụ tham nhũng và bê bối trốn thuế. Theo đó, các nghị sĩ bị cấm thuê người thân làm việc cho mình. Bộ trưởng Tư pháp Ph.Bây-râu (Francois Bayrou) cho biết, dự luật sẽ được trình lên Quốc hội thảo luận vào tháng 7 tới. Ba là các biện pháp chống khủng bố. Chính phủ của Tổng thống Ê.Ma-crông có kế hoạch xây dựng luật chống khủng bố mới nhằm thay thế tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt kể từ sau các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Pa-ri hồi tháng 11-2015.

Chiến thắng của Đảng LREM là điều rất ít người có thể hình dung được ở thời điểm cách đây hơn một năm. Đảng LREM được thành lập vào tháng 4-2016 đã đánh bại hai đảng truyền thống là Đảng PS cánh tả và Đảng LR cánh hữu vốn thay nhau nắm quyền lãnh đạo nước Pháp trong hơn 60 năm qua. Theo các nhà phân tích, chính chương trình tranh cử, tác phong và những cam kết đã được cụ thể hóa trong hơn một tháng cầm quyền của ông Ê.Ma-crông đã thuyết phục được cử tri.

Tổng thống Ê.Ma-crông đã thành lập một chính phủ tập hợp các gương mặt của cả cánh tả và cánh hữu, với đội ngũ ứng cử viên tranh cử đúng như cam kết. Người dân Pháp bắt đầu tin tưởng ở vị tổng thống trẻ Ê.Ma-crông và trao trọn vẹn các đòn bẩy quyền lực cần thiết vào tay ông. Với chiến thắng vang dội của LREM và MoDem, Tổng thống Ê.Ma-crông sẽ có một nền tảng vững chắc để từ đó thực hiện những cam kết ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Tổng thống Ê.Ma-crông và Chính phủ Pháp cũng phải đối mặt với thách thức do tham vọng cải tổ mà ông đặt ra rất lớn trong khi theo kết quả thăm dò dư luận, cuộc bầu cử Hạ viện vòng 2 có tỷ lệ cử tri vắng mặt cao kỷ lục. Khoảng 58% cử tri đã không đi bỏ phiếu, cao hơn tỷ lệ 51,3% vắng mặt tại cuộc bỏ phiếu vòng 1 ngày 11-6. Tỷ lệ đi bầu thấp cho thấy tâm lý thờ ơ của cử tri, quay lưng lại với các cuộc bầu cử.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dang-cua-tong-thong-e-ma-crong-va-dong-minh-chien-thang-vang-doi-510374