Đảng Cộng sản ra đời, bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam cuối những năm 20 của thế kỷ trước đòi hỏi phải có một Đảng Cộng sản đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng thay cho Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 3-1929, những người tích cực nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 17-6-1929. Tổng bộ thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ cũng cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8-1929. Ngày 1-1-1930, những đại biểu Tân Việt cách mạng Đảng đã ra "Tuyên đạt" chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương yêu cầu các tổ chức cộng sản hợp nhất thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Đông Dương. Đầu năm 1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Hội nghị họp tại Hương Cảng gồm đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh) và An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc, về đòi hỏi của sự đoàn kết nhất trí của những người cộng sản Việt Nam. Các đại biểu đã nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng đã nêu những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam, là lời tuyên bố về sự lựa chọn con đường phát triển cách mạng Việt Nam, của Đảng ta khi mới ra đời. Cương lĩnh xác định chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc 'tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản' (1). Cương lĩnh đã xác định rõ sự lựa chọn con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo và là cuộc cách mạng không ngừng. Luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ngày 24-2-1930, Đông Dương Đảng Cộng sản liên đoàn đề nghị ban chấp hành lâm thời kết hợp tổ chức này vào Đảng, việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản đã được hoàn thành trên thực tế. Sự kiện thành lập Đảng là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước ở Việt Nam hàng thế kỷ. Từ đây cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ phát triển mới. -------------------------------------- (1) Văn kiện Đảng - Toàn tập. NXB CTQG - Hà Nội 1999 - tập 2 - tr2 Lịch sử ĐCSVN (1930 - 2005), tr19 - 22.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/chinh-tr/chinh-tr-tin-chung/ng-c-ng-s-n-ra-i-b-c-ngo-t-v-i-c-a-cach-m-ng-vi-t-nam-1.280023