Đẳng cấp 'xảo ngôn'

Những ngày này, phần lớn người dân Việt đều đang đau đầu suy nghĩ xem nên mua nước mắm gì, mua ở đâu. Chuyện nhỏ như bát nước chấm, bỗng hóa to, khi một số phương tiện truyền thông công bố thành phần của "nước mắm công nghiệp" với gần 20 loại hóa chất khác nhau. Không lo không được, khi nước mắm là gia vị hằng ngày của phần lớn người Việt.

Thực ra, thành phần "nước mắm công nghiệp" không phải là chuyện mới, chuyện lạ. Thành phần vẫn được ghi trên bao bì. Nhưng vì sao đến bây giờ người dân mới giật mình nhận ra vấn đề? Những chương trình quảng cáo của các hãng làm "nước mắm" từ hóa chất cứ ra rả suốt ngày trên truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo điện tử. Thời lượng quảng cáo truyền hình càng tăng nhằm khi bữa tối các gia đình diễn ra. "Được ủ trong thùng gỗ", "chắt từ tinh túy cá cơm nguyên chất", "truyền thống trăm năm"... Đó là những mỹ từ mà mọi người nghe thấy. "Niềm tin" dần hình thành từ những thông tin như thế.

"Dung dịch mặn, có vị ngọt đậm, rút từ cá muối ra, dùng để chấm hoặc nêm thức ăn". Đấy là định nghĩa về "nước mắm" ghi trong Từ điển tiếng Việt, do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2000). Hẳn là khi xem lại định nghĩa này, mọi người sẽ thấy một số loại dung dịch mà mình đang chấm trong bữa ăn hằng ngày không thể gọi là "nước mắm" được. Chính xác, thị trường có hai loại: Nước mắm và nước chấm có mùi vị gần giống nước mắm.

Song, cái tài của các nhà sản xuất nước chấm giống nước mắm, chính là nghệ thuật biến "không thành có" khi sử dụng cụm từ "nước mắm" cho sản phẩm của mình như nghiễm nhiên nó phải thế.

Nhưng trong câu chuyện nước mắm và nước chấm gần giống nước mắm, nghệ thuật "xảo ngôn" không chỉ xuất hiện một lần. Sau khi thông tin về nước chấm gần giống nước mắm làm bất lợi cho một số nhà sản xuất, lập tức lại có thông tin thậm chí còn "sốc" hơn thế: 101/150 mẫu nước mắm đóng chai nhiễm thạch tín. Nước mắm độ đạm càng cao thì càng nhiễm asen nặng. Thông tin này nếu có vẻ đầy tính thuyết phục. Nó được công bố bởi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) ngày 17-10.

Tuy không nói trắng ra là nước mắm truyền thống nhiễm asen, nhưng với cách nói "độ đạm càng cao thì càng nhiễm asen nặng", thì ai cũng hiểu đói tượng được nhắm đến là nước mắm cổ truyền. Đẳng cấp "xảo ngôn" không chỉ có thế. Người ta nói asen một cách chung chung mà không nói rõ asen trong nước mắm độ đạm cao là vô cơ, hay hữu cơ. Với cách nói "một nửa sự thật" trong câu chuyện nước mắm, người ta đã đem đến sự hỗn loạn thông tin, gieo rắc nỗi lo trong từng gia đình. Và hẳn nhiên, những nhà sản xuất nước mắm cổ truyền lãnh đủ. Bởi với người Việt Nam, ngay cả những người ít hiểu biết nhất ở vùng thôn quê, hai từ thạch tín luôn gắn với nỗi sợ hãi. Chưa cần nói đến những thông tin chính thức từ phía các nhà khoa học, hay qua báo chí, chỉ riêng những bộ phim trên truyền hình, đã không biết bao nhiêu bộ phim nói về những âm mưu đầu độc giết người bằng thạch tín.

Trong khi thông tin "nước mắm nhiễm asen" chưa được làm rõ thì một công ty sản xuất "nước chấm giống nước mắm" đã nhanh chân "kinh doanh nỗi sợ hãi" của người dân bằng quảng bá sản phẩm của mình là nước mắm "An toàn thạch tín".

Hiện vẫn còn phải chờ cơ quan chức năng phân định rõ đúng sai của chuyện "nước mắm nhiễm asen", chuyện "nước chấm gần giống nước mắm", nhưng sự "xảo ngôn" trong câu chuyện này đã bị vạch trần, khi nhiều nhà khoa học đã lên tiếng khẳng định: Asen hữu cơ tồn tại trong cá biển, qua quá trình sản xuất còn tồn tại trong nước mắm truyền thống là chuyện bình thường, không độc hại với cơ thể.

Thông tin này làm người tiêu dùng tạm yên tâm. Nhưng câu hỏi vẫn còn nguyên: Vì sao người ta có thể sử dụng chiêu bài "xảo ngôn" hết lần này đến lần khác? Không khó để nhận ra là sự lỏng lẻo của việc quản lý, dễ dãi trong truyền thông, trong quản lý hoạt động quảng cáo, thậm chí dư luận nghi ngờ có cả sự lợi dụng hay tiếp tay lẫn nhau để tung các chiêu trò.

Trên thực tế, nước mắm truyền thống cũng không ít hạn chế. Chẳng hạn như nó nặng mùi, hễ dây một chút là khó rửa. Vị nước mắm truyền thống thì khá mặn. Trừ một số nhà sản xuất lớn, việc sản xuất nhỏ lẻ ở cấp hộ gia đình chưa được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xã hội trăm người, mười ý. Có người thích nước mắm truyền thống thì cũng có người ưa nước chấm gần giống nước mắm của các tập đoàn hóa chất, tập đoàn sản xuất thực phẩm. Mỗi người đều có lý do riêng. Nước chấm gần giống nước mắm, cũng có nhiều ưu điểm: Sự tham gia của nhiều chất điều vị khiến nó "chiều" vị giác của người tiêu dùng hơn so với nước mắm cổ truyền. Khi đi ăn tiệc, chẳng may bị dây ra cũng không mấy phiền hà...

Nhưng vấn đề là phải phân biệt rõ ràng. Để tránh chiêu bài "xảo ngôn", nhầm lẫn, lập lờ giữa các chủng loại, phải bắt đầu từ định nghĩa gốc. Và từ căn cứ này, có lẽ, cơ quan chức năng nên sớm yêu cầu các hãng đăng ký một dòng sản phẩm mới: Nước chấm giống nước mắm, hoặc nước chấm có mùi nước mắm. Hẳn như thế, các hãng sản xuất nước chấm từ các loại hợp chất hóa học sẽ cảm thấy đỡ bất công, mỗi khi bị so sánh với nước mắm truyền thống về độ đạm hoặc bị mang tiếng là "nước mắm công nghiệp".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/antuong/item/31051702-dang-cap-xao-ngon.html