Đẳng cấp quốc gia là bề dày văn hóa

Đó là chia sẻ của họa sĩ Trần Thanh Tùng, nhà thiết kế chính của Triển lãm 'Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới' với Báo NNVN.

Ông có thể chia sẻ tiêu chí để lựa chọn những tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”?

Thứ nhất, chúng tôi lựa chọn những loại hình nghệ thuật tiêu biểu của các triều đại thời Lê, thời Mạc, thời Nguyễn. Bởi trong những thời kỳ này các bậc tiền nhân có để lại những kiệt tác nghệ thuật đặc sắc.

Một số sản phẩm tại Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”

Một số sản phẩm tại Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”

Thứ hai, đúng với tên gọi “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”, di sản là thuộc về quá khứ, chúng tôi rất muốn quá khứ ấy được nhìn nhận ở đời sống đương đại, ở một góc độ mới.

Việc đưa mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm mỹ thuật công nghiệp chắc chắn không dễ dàng?

Rõ ràng, chúng ta phải nhìn nhận là chúng ta có một bề dày văn hóa, chúng ta có cả một kho tàng đồ sộ từ kho tàng văn hóa cung đình cho đến văn hóa dân gian. Người nước ngoài đến Việt Nam chính là đến để nhìn nhận và tìm hiểu. Thế thì chẳng có lý do gì chúng ta lại không biết cách khai thác những yếu tố đó vào trong sản phẩm mỹ thuật công nghiệp.

Hơn nữa, vai trò của mỹ thuật công nghiệp còn giúp chúng ta trả lời câu hỏi: “Làm sao ra được những sản phẩm phục vụ đời sống?”. Không có một sự quảng bá văn hóa nào tốt bằng việc mình dùng ngay chính vốn văn hóa của cha ông mình để trở thành sản phẩm văn hóa.

Những nghệ thuật kiến trúc điêu khắc này thường xuất hiện ở cung đình, chùa chiền. Vậy khi đưa vào các sản phẩm sinh hoạt như: bát đũa, quần áo,… thì liệu tính thiêng liêng ấy có bị mất đi hay không?

Đấy là câu hỏi chúng tôi luôn đặt ra trước khi bắt tay vào phục dựng, làm một sản phẩm. Trước khi làm, chúng tôi luôn tham vấn những nhà nghiên cứu, cơ quan có nghiên cứu như: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội quán Di sản...

Một số sản phẩm tại Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”

Chúng tôi đưa ra 3 cái tiêu chí sau: Những sản phẩm mang tính chất trừu tượng thì không thể thay đổi; có những sản phẩm được đơn giản hóa để sử dụng được; và có những sản phẩm trở thành quà tặng…

Ví dụ như đầu rồng thời Lý được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà lưu niệm tặng người đứng đầu Nhà Trắng. Từ đó mà hình ảnh Việt Nam đã được nhiều người biết tới, và trong bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có nói: “Nhờ món quà của ngài mà tôi hiểu hơn về văn hóa Việt”.

Thế thì rõ ràng ở đây, lịch sử thuộc về quá khứ. Vấn đề ở đây là chúng tôi muốn đưa lịch sử vào trong đời sống đương đại thông qua những sản phẩm này và nhờ đó chúng ta mới đưa được ra thế giới.

Hay như pho tượng Phật A-di-đà - bảo vật quốc gia, có tính lịch sử, có tính hàn lâm. Thế nhưng, chẳng lẽ, bây giờ 90 triệu dân muốn chiêm ngưỡng phải đến chùa Phật Tích (Bắc Ninh) chăng? Hay phải vào trong bảo tàng để xem?

Chính sự hạn chế ấy dẫn đến nhiều năm nay những bức tượng ngoại lao ồ ạt vào nước ta, và người dân sử dụng nó một cách hoàn toàn vô thức. Trong khi những pho tượng tổ tiên chúng ta để lại, có giá trị thì không sử dụng. Chúng tôi cho rằng đó là sự nhìn nhận sai lầm. Việc mà chúng tôi làm chính là góp phần trong việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa.

Một số sản phẩm tại Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”

Tôi rất thích một câu nói rất hay, đó là “Đẳng cấp của một quốc gia là bề dày văn hóa”, và tôi dám khẳng định là Việt Nam mình được các nước khác tôn trọng. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có một nền văn hóa độc lập, mà rõ ràng cả ngàn năm Bắc thuộc cũng không bị đồng hóa, và trải qua hàng nghìn năm nó vẫn trường tồn. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào cho những “Góc nhìn mới” ấy được phát quang.

Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố Cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) từ ngày 3 đến 13/11/2016 nhằm giới thiệu những sản phẩm được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Ngọc - Trường Hùng (thực hiện)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dang-cap-quoc-gia-la-be-day-van-hoa-post179855.html