Dân xây miếu thờ ở Văn Miếu: Thắp hương đã 10 năm

Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám khẳng định việc người dân thờ cúng ở gò Kim Châu chỉ là tự phát và mang tính tâm linh là chủ yếu.

Thờ cúng diễn ra từ lâu

Tình trạng người dân địa phương xâm lấn di tích, lén lút xây miếu thờ tại gò Kim Châu trong hồ Văn, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám thời gian qua khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Chiều 23/9, theo ghi nhận của phóng viên Đất Việt, cổng vào khu miếu thờ đã bị khóa chặt. Bên ngoài có dán thông báo tạm đóng cửa khu vực hồ Văn từ ngày 14/9. Ngoài ra một chiếc thuyền sắt cũng đã được kéo lên bờ để người dân không tự ý sử dụng di chuyển ra gò Kim Châu.

Trao đổi với Đất Việt, bà T.N, một người dân sống gần khu vực hồ Văn cho biết, việc người dân thắp hương tại khu vực gò Kim Châu đã diễn ra được hơn 10 năm. Nhiều người dân địa phương ngày rằm, mùng một cũng hay ra khu vực đó để thắp hương, mong muốn điều bình an.

Cổng vào hồ Văn đã bị đóng chặt từ ngày 14/9. Ảnh: Hoàng Nam

Cổng vào hồ Văn đã bị đóng chặt từ ngày 14/9. Ảnh: Hoàng Nam

“Khu vực này trước kia rất hoang vu. Nhưng từ khi cải tạo lại hồ, phát hiện được tấm bia cổ nên người dân tin đó là tâm linh nên xin Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám thắp hương. Mới cả trước kia khu vực này cũng hay xảy ra chết đuối. Năm nào cũng có vài ba người. Sau khi người dân cúng thì mọi thứ bình an, không xảy ra sự cố gì nữa. Có một bà cụ hàng ngày quét dọn tại gò Kim Châu. Hàng ngày cũng có nhiều người dân qua lại thắp hương. Để ra được miếu thắp hương thì người dân phải sử dụng một chiếc thuyền sắt, dùng dây di chuyển”, bà N. nói.

Theo bà N., người dân chỉ thắp hương đơn thuần chứ không có hiện tượng cúng bài triền miên, thuê thầy này thầy kia về làm lễ cả.

“Tất cả chỉ xuất phát từ cái tâm của người dân thôi. Mọi người thấy may mắn, bình an nên tin. Rác khu vực đó cũng thường xuyện được dọn dẹp sạch sẽ, không có tình trạng ô nhiễm hay bẩn gì cả”, bà N. nói.

Thông báo chi tiết của Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoàng Nam

Trong khi đó, ông T.K (57 tuổi) cho biết sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng sau khi bà cụ thường ngày nhang khói cho người chết tại hồ Văn qua đời.

“Do khu nhà bát giác có một vài thanh ngang bị rơi xuống, hư hỏng nên con cái, người thân của bà cụ đã mang vật liệu vào để sửa lại, xây cao thêm tầm khoảng 50 phân so với ban đầu. Ban quản lý Văn Miếu không đồng ý và khi phát hiện đã tạm dừng ngay rồi đóng cổng, niêm phong lại”, ông K. cho hay.

Chỉ là tự phát

Chiều 23/9, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Quốc Thành – Phó giám đốc Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã xác nhận thông tin trên.

Theo ông Thành, ngày 13/9 một số người dân lén lút chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu, hồ Văn để xây dựng không phép điện thờ. Sau khi phát hiện, trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã quyết đinh đình chỉ đồng thời họp liên ngành với UBND quận Đống Đa, phường Quốc Tử Giám, phòng văn hóa, thanh tra, xây dựng quận, an ninh quận và người dân để tìm cách xử lý, giải quyết vấn đề.

Ông Thành cho biết, ngày trước gò Kim Châu chỉ là cái đảo, có nhà bát giác. Năm 2002, khi nạo vét hồ thì vớt được 2 tấm bia có niên đại. Người dân sống xung quanh thấy thế nên xin thắp hương.

Chiếc thuyền trong khuôn viên hồ Văn đã được đưa lên bờ. Ảnh: Hoàng Nam

“Người dân xin với Trung Tâm được thắp hương tại đó, khi nào đơn vị cần dùng vào việc bảo tồn, sửa sang thì sẽ dừng lại. Ban đầu ở đó chỉ có bát hương thôi nhưng về sau người dân cứ dựng dần lên có hương, có tượng. Hơn nữa khu vực hồ năm nào cũng có người chết nên người dân xin được thắp hương. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở bà con việc này nhưng đây là khu vực vừa công viên, vừa di tích nên cũng khó khăn, phức tạp hơn.

Vừa rồi người ta cơi nới, nâng cao lên rồi hạ tượng xuống để xây kệ lại thì cơ quan phát hiện đã đình chỉ lại để xin ý kiến”, ông Thành khẳng định.

Vị phó giám đốc cho biết việc xây dựng này đã vi phạm Điều 32, 33 của Luật Di sản Văn hóa, đặc biệt với di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám thì lại càng nghiêm trọng hơn.

“Chúng tôi đang quản lý di tích lịch sử quốc gia. Dựng lên đã khó rồi mà bỏ đi cũng không phải dễ. Nói thật cái gì cũng có linh hồn, huống chi người dân vào đây nhang khói đã lâu. Chúng tôi có thể hoàn toàn làm theo luật nhưng như thế không có tình. Giờ phải làm sao để vừa được lòng dân vừa đảm bảo nguyên gốc di tích, không bị xậm phạm. Dân ủng hộ thì sau này việc bảo tồn, giữ gìn di tích cũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Thành nói.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dan-xay-mieu-tho-o-van-mieu-thap-huong-da-10-nam-3319377/