Đàn ông “buôn thúng bán bưng”...

Vì miếng cơm manh áo của gia đình, mặc người ta chê cười việc bán cá, bán rau… là của phụ nữ, nhiều người đàn ông đã chọn và trụ với nghề “buôn thúng bán bưng”

“Mua mực đi chị!”. Lời mời này được người đàn ông không ngớt lặp lại ở một góc chợ Bình Thới, Q.11-TPHCM. Một vài người dừng lại trước mâm mực tươi của anh rồi đưa tay ấn mấy con mực. Có chị vui vẻ mua ngay, có người bĩu môi chê: “Mực nhỏ, không tươi mà mắc quá!”.

Nỗi niềm anh bán mực

Gặp những khách hàng khó tính, hay chê hàng, anh Tư chỉ nhẹ nhàng giải thích: “Vì không cho muối hoặc tẩm hóa chất nên nó vậy, chị à”. Bán hàng ở chợ là phải quen với cảnh trả giá của những bà nội trợ, anh Tư luôn giữ nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, chẳng nặng lời với người mặc cả bao giờ. Anh cười bảo: “Từ khách hàng đến bạn hàng đều là phụ nữ nên ai nói gì, tôi chỉ cười trừ. Nếu gặp người chê bai nặng lời, cứ nghĩ đến vợ con, tôi cố gắng cho qua hết”.

Anh Tư cần mẫn với công việc bán cá ở chợ

Với hơn 3 năm bán mực, anh Tư bộc bạch: “Ngày nào cũng vậy, từ 1 giờ sáng, tôi ra chợ đầu mối Bình Điền lấy mực về bán. Thường tôi đi lấy hàng một mình vì ban ngày vợ tôi cũng vất vả lắm nên để cô ấy ngủ thêm. Tôi bán ở chợ này, vợ tôi bán ở chợ Phú Lâm. Mỗi người một chợ để bán được nhiều hơn. Ngày mới ra bán ngại lắm, không dám rao lớn. Hồi nhỏ ở quê, học lõm bõm, bữa đực bữa cái, đâu có nghề nghiệp gì, phải ráng thôi. Dần rồi quen, lại mua bán đàng hoàng, cớ chi mà mắc cỡ. Thỉnh thoảng mới bị ế, bình thường, tiền lời một ngày mua bán cũng khá hơn đi làm công”.

Buổi chiều, anh Tư sang bán ở chợ Sơn Kỳ, Q.Tân Phú. Trước khi đến với nghề bán mực, ở quê nhà Quảng Ngãi, anh từng xuôi ngược theo những chuyến ghe đánh cá xa bờ. Mưa bão, ghe vỡ…, anh lên TPHCM bán tỏi dạo nhưng bán rất “chậm”, thu nhập ít, cuối cùng anh Tư trụ lại với nghề bán mực. Nhắc đến con, gương mặt anh Tư rạng rỡ: “Cháu lớn học lớp 6 rồi, cháu nhỏ mới vào mẫu giáo. Vợ chồng tôi buôn bán xa nên phải gửi con cho ông bà nội. Hằng tháng, gom góp tiền gửi ông bà lo cho các cháu”.

Gánh rau, gánh cả gia đình

Khoảng 18 giờ, trên bãi đất trống (ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi-TPHCM) tấp nập những người đàn ông đến mua bán rau muống. Đặt gánh rau muống nặng trĩu xuống đất, anh Hùng (quê Thái Nguyên) nhanh tay nhặt những chiếc lá vàng. Khi “mối” mua rau vừa đến, anh xếp vội những bó rau lên xe.

Từ quê, anh Hùng đưa vợ con vào TPHCM mưu sinh bằng nghề trồng rau muống. Mỗi khi cắt xong rau, vì việc gồng gánh vất vả nên anh Hùng thường “tranh” luôn việc gánh rau ra chợ bán. Anh Hùng nói: “Nhiều hôm hàng gấp, vợ chồng thức cả đêm cắt rau giao cho mối. Một đêm cũng phải gánh 3 chuyến rau ra chợ. Vợ tôi ốm yếu, đâu có nỡ để cô ấy gánh nặng”.

Khi gánh rau của chồng đã đi khuất, chị Thuận, vợ anh, mới cất lời bảo: “Anh ấy siêng lắm, việc gì cũng làm phụ tôi hoặc giành lấy mà làm. Nhiều người nói đàn ông ai lại ra chợ buôn bán nhưng anh ấy nói ai nghĩ gì kệ họ. Mỗi lần gánh hàng ra chợ, tải cả trăm ký, tôi sợ anh cố sức quá sẽ cụp xương sống. Có hôm thấy anh ấy về nhà, mặt buồn rười rượi, hỏi ra mới biết bị thương lái ép giá. Đàn ông nên sao tránh khỏi chuyện này!”. Mỗi bó rau muống nặng khoảng 3 kg, giá 7.000 đồng. Bình quân mỗi tối, anh Hùng bán được hơn 100 bó. Tiền bán được, anh đưa hết cho vợ cất, vì khả năng “tay hòm chìa khóa” của chị là nhất, vén khéo chi tiêu và có dư không ít.

Không riêng gì anh Tư, anh Hùng, dạo quanh các con đường, các khu chợ ở TP, hằng ngày có rất nhiều người đàn ông không nề hà việc mua bán lặt vặt. Với họ, niềm hạnh phúc lớn lao là sau một ngày vất vả, kiếm được xấp tiền kha khá đưa cho vợ chăm lo cho gia đình.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111102095517914p0c1030/dan-ong-buon-thung-ban-bung.htm