Dần loại bỏ kháng sinh kích thích tăng trưởng

Với chủ đề “Cơ hội, thách thức và giải pháp cho vấn đề kháng sinh kích thích tăng trưởng” tại Việt Nam...

Hạn chế AGP trong chăn nuôi sẽ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam

Với chủ đề “Cơ hội, thách thức và giải pháp cho vấn đề kháng sinh kích thích tăng trưởng” tại Việt Nam, buổi tọa đàm quốc tế (diễn ra ngày 1/12 tại TP.HCM) đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho vấn đề nóng này.

Tác hại thế nào?

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm đều chung quan điểm: Việc sử dụng thường xuyên AGP (kháng sinh kích thích tăng tưởng) trên động vật sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo lý giải của Tiến sĩ Alexander Peron (đến từ công ty Provimi chuyên về dinh dưỡng vật nuôi), việc thường xuyên sử dụng AGP sẽ dẫn đến sự đối kháng giữa các mầm bệnh. Vì nhiều thuốc kháng sinh sử dụng trên động vật, giống hoặc tương tự thuốc kháng sinh sử dụng trên dược phẩm của con người.

Cụ thể, theo một báo cáo về sự kháng thuốc được đặt hàng bởi Thủ tướng Anh năm 2015, có tới 72% tìm thấy sự liên kết giữa tiêu thụ thuốc kháng sinh trên động vật và sự đối kháng trên con người. Mối bận tâm bắt đầu xuất hiện tại Châu Âu vào cuối thập niên 60 khi một nghiên cứu độc lập chỉ rõ mối liên kết tiềm ẩn giữa thuốc kháng sinh cho thức ăn vật nuôi và sự tăng kháng thuốc trên con người.

Những cuộc quan sát tương tự được thực hiện tại Mỹ bởi lực lượng FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) năm 1972. Kháng thuốc là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ vì đe dọa khả năng chữa trị cho động vật cũng như con người, mà còn vì nó phát triển rất nhanh.

Một nghiên cứu nêu tại tọa đàm cũng cảnh báo rằng, nếu tình trạng sử dụng tràn lan AGP trong chăn nuôi không được kiểm soát, đến năm 2020, sự nhiễm trùng do kháng thuốc có thể giết chết 10 triệu người trên toàn cầu. Đặc biệt, những siêu vi trùng kháng thuốc gây chết người nhiều hơn cả ung thư vào những năm 2050.

Phát hiện trên đã dẫn đến nhu cầu sử dụng AGP đúng đắn hơn để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Sự thay đổi này được đề xướng ở các quốc gia Bắc Âu, ngay từ cuối thập niên 80, và kết quả cuối cùng là cấm hoàn toàn chất hoạt hóa tăng trưởng kháng sinh khắp Châu Âu năm 2006. Các vùng khác của thế giới bây giờ cũng đang theo bước chân của Châu Âu để cùng thực hiện việc làm đúng đắn này.

Thế giới và Việt Nam hiện ra sao?

Theo PGS.TS Chế Minh Tùng (đại học Nông Lâm TP.HCM), hiện đã có hơn 30 nước trên thế giới cấm sử dụng AGP trong chăn nuôi.

Cụ thể, các nước thuộc liên minh châu Âu cấm hoàn toàn sử dụng AGP từ tháng 1/2006. Tại châu Mỹ, Mexico đã cấm AGP từ năm 2010; Mỹ đang cho phép sử dụng 45 loại kháng sinh, hóa dược trong TĂCN để kích thích sinh trưởng, phòng bệnh, trị bệnh vật nuôi và sẽ cấm AGP từ tháng 01/2017. Tại châu Á, Hàn Quốc cấm AGP từ năm 2010; Thái Lan đã ban hành văn bản ngày 08/07/2015 cấm AGP; Philipppin đang trong lộ trình hạn chế để cấm AGP…

Riêng tại Việt Nam, ông Chu Đình Khu - Trưởng phòng TĂCN (Cục Chăn nuôi), cho biết: Việt Nam vẫn sử dụng kháng sinh trong TĂCN nhằm 3 mục đích: kích thích sinh trưởng, phòng bệnh và trị bệnh. Nhu cầu sử dụng kháng sinh trong TĂCN của Việt Nam hiện nay rất lớn, dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, an toàn thực phẩm và có nguy cơ cao gây nên sự kháng thuốc trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở người và vật nuôi.

Để hạn chế việc này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT (ngày 31/5/2016) quy định danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN với mục đích kích thích tăng trưởng. Cục Chăn nuôi cũng đang phối hợp với Cục Thú y xây dựng những quy định cụ thể hơn về quản lý TĂCN có chứa kháng sinh phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm.

Cách nào thay thế AGP?

Theo PGS.TS Chế Minh Tùng, muốn loại bỏ việc sử dụng AGP trong chăn nuôi, phải cùng lúc kết hợp nhiều giải pháp thay thế đồng bộ, như: chương trình vắc xin hiệu quả, an toàn sinh học nghiêm ngặt, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, dinh dưỡng (thức ăn, nước uống, phụ gia TĂCN, khẩu phần ăn) đảm bảo chất lượng…

Trong đó, nhiều nước đã sử dụng hiệu quả các loại chất chiết xuất và tinh dầu thảo dược (quế, đinh hương, kinh giới, hồi, tỏi, nghệ, ớt chuông). Các chất này có tác dụng sinh học như kháng khuẩn, kháng viêm, chống ôxi hóa, kháng nấm, kháng virus, kháng kí sinh trùng, chống độc.

Hiện ở Việt Nam có khá nhiều sản phẩm phụ gia TĂCN làm từ chất chiết xuất và tinh dầu thảo dược, trong đó có sản phẩm Cinergy. Cinergy được biết đến là một trong những sản phẩm của dòng phụ gia Promote được công ty Provimi sản xuất và phân phối rộng rãi tại Việt Nam cũng như trên thế giới, bởi đã được chứng minh giúp hỗ trợ phát triển sức khỏe đường ruột của vật nuôi.

PGS.TS Chế Minh Tùng đã trình bày hai nghiên cứu về hiệu quả của Cinergy sau khi áp dụng thực tế trong một số trại heo thương mại tại Việt Nam. Kết quả cuối cùng cho thấy, khi kết hợp hoặc thay thế kháng sinh, Cinergy đã mang lại lợi ích thông qua việc tăng hiệu quả sử dụng TĂCN (tăng trọng và hệ số chuyển hóa thức ăn tốt), giảm tỷ lệ chết, giảm tiêu chảy, qua đó giảm chi phí điều trị cho vật nuôi.

Vì vậy, ngành chăn nuôi nếu quản lý trang trại tốt, cung cấp gói dinh dưỡng đúng và kết hợp hiệu quả các phụ gia chiết xuất tự nhiên trong TĂCN, thì hoàn toàn giảm thiểu AGP mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Phản ứng của người tiêu dùng ra sao?

Một nghiên cứu nêu tại tọa đàm cho thấy, có tới 86% người tiêu dùng Mỹ muốn mua “thịt không kháng sinh” và trên 60% khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm này. Vì thế, ngay từ năm 2012, dù “thịt không kháng sinh” chỉ chiếm 5% thị trường Mỹ nhưng có tốc độ tăng trưởng tới 25%/năm. Vào năm 2013, hệ thống siêu thị lớn thứ 2 toàn cầu Carrefour đã “sốc” vì bán được sản lượng gà không kháng sinh lớn gấp 4 lần mục tiêu của công ty, mặc dù giá bán cao hơn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dan-loai-bo-khang-sinh-kich-thich-tang-truong-post181784.html