Dân 'lãnh đủ' khi sống bên cơ sở giết mổ gia súc gây ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân về 2 cơ sở giết mổ gia súc ở xã Thạch Châu và An Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh, chúng tôi đã “đột nhập” để tìm hiểu rõ thực hư.

Cơ sở của ông Phan Huy Hùng thuộc thôn Thanh Tân (Thạch Châu), bên ngoài được xây dựng quy mô, nhưng bên trong lại khá nhếch nhác. Được biết, lò mổ có diện tích khoảng 700 m 2 , với công suất từ 30-70 con gia súc/ngày.

Nước thải lò mổ ông Hùng ô nhiễm khiến toàn bộ cây lục bình trong ao chứa không sống nổi

Điều dễ nhận thấy là nguồn nước sử dụng cho lò mổ rất bẩn, các thùng đựng nước vàng úa, mốc meo bám dày đặc. Các vật dụng dùng cho việc giết mổ cũng rất bẩn. Đặc biệt, số nước thải được chủ cơ sở xả thẳng ra môi trường, một màu đen kịt lẫn với phân, nội tạng gia súc vứt bừa bãi, ruồi nhặng vây quanh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Chất thải rắn được lò mổ ông Hùng thu gom một cách cẩu thả

Theo quy trình, các chất thải tại lò mổ tập trung đều phải qua quá trình xử lý gồm các bể lắng và hồ chứa. Ở đây, do chủ cơ sở xây dựng 2 bể lắng quá nhỏ so với khối lượng nước thải rất lớn hàng ngày ở lò mổ, khiến toàn bộ chất thải chưa qua xử lý trào ra bể chứa rồi chảy ra môi trường. Nước thải ô nhiễm khiến toàn bộ cây lục bình trong ao chứa cũng không thể sống nổi dù loại cây này sống được trong môi trường bẩn.

Cùng chung thực trạng trên, lò mổ của ông Nguyễn Duy Phượng (thôn Thống Nhất, xã An Lộc) đang gây biết bao phiền toái cho những hộ dân sống xung quanh. Đặc biệt, lò mổ này còn nằm cạnh khu di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh - mộ, đền thờ Thượng thư - Quận công Nguyễn Quang Nhã.

Về mùa mưa, nước thải ở lò mổ của ông Phượng tràn ra ngoài làm ành hưởng môi trường của một số hộ sống xung quanh.

Với diện tích ước chừng 3.000 m 2 , được đầu tư 1,3 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2015, công suất từ 20-30 con gia súc/ngày (lúc cao điểm lên đến 120 con/ngày), gần 2 năm hoạt động, lò mổ này cũng đã bộc lộ những bất cập về vấn đề môi trường, môi sinh. Lò mổ này chưa có hệ thống phân loại chất thải rắn và lỏng, nên khi giết mổ xong, cả 2 loại chất thải này được đổ thẳng xuống ao chứa. Lâu ngày tích tụ hàng trăm m 3 , lại không được xử lý gây nên mùi hôi thối rất khó chịu. Đã nhiều lần người dân có ý kiến và gửi đơn lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay, tình trạng này không những không được giải quyết mà ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn.

Nội tạng và mỡ lợn được ông Phượng cho đổ xuống cùng nước thải

Ông Đặng Hồng Thuẩn - Chủ tịch UBND xã An Lộc cho biết: “Tình trạng ô nhiễm ở cơ sở giết mổ gia súc này đã diễn ra trong thời gian khá dài, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương. Chúng tôi đã mời chủ cơ sở lên làm việc, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Mùa nắng, mùi hôi thối nồng nặc; mùa mưa, nước thải tràn ra ngoài, rất mất vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ xung quanh. Hiện chúng tôi đang chờ hướng xử lý của UBND huyện Lộc Hà rồi sẽ có phương án cụ thể với chủ cơ sở”.

Mới đây, trong cuộc giao ban tháng 8, UBND huyện Lộc Hà đã giao các chủ cơ sở phải xử lý được mùi hôi thối trước ngày 30/9. Thế nhưng, đến nay, chủ các cơ sở này vẫn chưa có động thái nào. Hàng chục hộ dân nơi đây mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với 2 cơ sở này.

Anh Tấn

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/ban-doc-viet/dan-lanh-du-khi-song-ben-co-so-giet-mo-gia-suc-gay-o-nhiem/121857.htm