Dân khát nước sạch bên công trình nước sạch

Hiện nay tỉnh Hòa Bình có 83% người dân được dùng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Với một tỉnh miền núi thì đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân ở một số thôn bản và cả ở thị trấn vẫn đang phải chịu cảnh khát nước sạch bên những công trình nước sạch.

Nhà máy nước 7 tỷ "chết yểu". Ảnh: HB

Xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu thuộc vùng hồ sông Đà, là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Năm 1999, từ nguồn vốn Dự án Phát triển kinh tế, ổn định dân cư vùng hồ sông Đà (Dự án 747), xã Phúc Sạn được đầu tư xây dựng 26 công trình bể chứa nước sinh hoạt cộng đồng tại 8 xóm và 1 tổ dân cư Bãi Sang. Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, 512 hộ dân với trên 2.000 người dân xã Phúc Sạn đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Những cái mó nước tồn tại bao đời nay bên khe suối, bờ ruộng bị lấp bỏ.

Tuy nhiên, nguồn nước sạch về với người dân xã Phúc Sạn chỉ được một thời gian thì "trục trặc". Ông Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn cho biết: Bể nước xây xa khu dân cư, việc quản lý gần như bị buông lỏng, nhất là mùa mưa, bãi dâng nước đầu nguồn luôn bị đất đá vùi lấp, vỡ nhưng không được các xóm quan tâm sửa chữa, cộng với ý thức của người dân trong công tác bảo vệ công trình còn chưa cao. Vì vậy công trình bị hư hỏng, xuống cấp, một số công trình bị vỡ, tắc đường ống dẫn nước. Năm 2007, cơn bão số 5 đã phá hủy gần như tất cả các bể lọc, bể chứa nước và hệ thống đường ống dẫn nước. Xã muốn sửa chữa lại công trình nhưng không có kinh phí.

Như vậy, gần 10 năm nay, người dân xã Phúc Sạn phải trở lại với cái mó nước bên khe suối, bờ ruộng. Nhà nào có điều kiện thì mua ống nhựa, kéo lên núi, gặp đâu có khe nước thì đào mó, đặt ống dẫn nước về dùng.

Công trình nước sạch ở xã Phúc Sạn bỏ hoang. Ảnh: HB

Ông Đinh Công Tiến, xóm Gò Mu than thở: Biết dùng nước mó, nước khe suối là mất vệ sinh, nhưng không dùng thì lấy nước sạch ở đâu mà dùng. Mùa mưa còn có nước, mùa khô thì tiết kiệm từng gáo nước để sinh hoạt.

Đi đến các xóm Gò Mu, Gò Lào, So Lo, Sộp, nhìn những công trình nước tan hoang, cỏ mọc um tùm. Liền cạnh bể nước công cộng là những cái ống nhựa chằng chịt bám vào vách núi, vươn lên các khe suối nhỏ đón nước về "đổ vào" những cái chum, cái chậu đặt dưới chân núi. Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn Đinh Công Hanh nói có lý: “Dân Phúc Sạn khát nước sạch bên công trình nước sạch”. Nghe mà xót xa!

Huyện vùng cao Đà Bắc có 20 xã, thị trấn, là huyện được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhưng nhiều năm nay, phần lớn công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng không còn hiệu quả, trong khi người dân phải dùng nước sinh hoạt từ các khe suối, mó nước, không hợp vệ sinh. Điển hình như xã Mường Chiềng, Toàn Sơn, Tân Minh, Tân Pheo, Đồng Chum, Đồng Ruộng, Trung Thành, Đoàn Kết... mỗi xã có hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt "đắp chiếu" từ hơn chục năm nay. Nguyên nhân các công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh bị xuống cấp, bỏ hoang là do không có nước nguồn, hệ thống bãi dâng, bể lọc, bể chứa bị hư hỏng, hệ thống đường ống dẫn nước bị vỡ, đất đá vùi lấp... không ít công trình cấp nước trở thành "chuồng" nuôi gà, lợn.

Nước sinh hoạt hàng ngày của người dân khu Bãi Sang, xã Phúc Sạn có hợp vệ sinh? Ảnh: HB

Sẽ khó tin khi nói rằng, đã gần 10 năm nay, hơn 5.500 người dân của trên 1.300 hộ thị trấn Đà Bắc lại khốn khổ vì không có nước sạch để sử dụng. Nhưng đây là chuyện có thật. Bà Đinh Thị Huyền, tiểu khu Bờ cho biết: Cách đây gần 10 năm người dân thị trấn đã được dùng nước sạch, nhưng chỉ được dùng hơn 2 tháng. Dùng thử để biết thế nào là nước sạch, bây giờ thì quên cái từ nước sạch rồi. Bà Huyền chỉ xuống giếng nước bên bờ ao, nói: Đấy anh xem, nước giếng như thế có sạch không. Ao cá thì thiếu thứ gì ném xuống. Biết là nước bẩn nhưng vẫn phải dùng.

Ông Đinh Văn Tình, tiểu khu Liên Phương than vãn: Thời gian đầu dân chúng tôi nghĩ rằng nhà máy cấp nước hỏng thì sẽ sửa lại nên chủ quan không khoan giếng, xây bể để lấy nước mưa. Bây giờ thì nhà nào cũng phải tự lo lấy, cả tiểu khu chỉ có duy nhất một mó nước trên khe núi. Cái mó bằng cái nong, không đầy 3m 3 nước mà có tới chục cái máy bơm đặt xung quang. Mùa khô, ở thị trấn Đà Bắc có nước sạch dùng là quý lắm.

Được biết, cách đây 10 năm, Đà Bắc được đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng nhà máy nước. Đây là nhà máy nước có quy mô xây dựng khá hiện đại, cấp nước sạch cho trên 5.000 dân và các cơ quan hành chính, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Đà Bắc. So với thị trấn các huyện trong tỉnh Hòa Bình, thị trấn Đà Bắc là địa bàn khan hiếm nước sinh hoạt nhất, và nước bị nhiễm lượng đá vôi lớn nhất. Vì vậy khi nhà máy nước khởi công xây dựng người dân ở đây rất phấn khởi, mong đợi từng ngày nhà máy hoàn thành để được dùng nước sạch.

Người dân thị trấn Đà Bắc phải dùng nước giếng bên ao tù. Ảnh: HB

Tiếc rằng, nhà máy nước chỉ hoạt động được hơn 2 tháng thì "chết yểu". Nguyên nhân do giếng khoan bị sụt, không thể hút được nước lên bể.

Một thời gian sau khi đã "chết", nhà máy nước Đà Bắc được bàn giao cho Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình quản lý, vận hành. Do không có kinh phí để tu sửa lại giếng khoan nên toàn bộ hệ thống công trình nhà máy nước thị trấn Đà Bắc phải "đắp chiếu" gần 10 năm nay. Còn hơn 5.500 người dân thị trấn Đà Bắc thì phải cam chịu cảnh "khát nước sạch bên công trình nước sạch đắp chiếu".

Từ thực tế cho thấy, trong những năm qua tỉnh Hòa Bình đã đầu tư kinh phí và nguồn vốn từ các chương trình, dự án xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhưng do thời gian xây dựng đã lâu và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến nhiều công trình cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh bị xuống cấp nghiêm trọng, kém hiệu quả. Thậm chí không còn hiệu quả sử dụng. Như vậy, không ít người dân ở một số địa phương có tên trong diện được sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng thực chất đã nhiều năm nay không được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh, nghĩa là "có tiếng nhưng không có miếng".

Hồng Bài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/dan-khat-nuoc-sach-ben-cong-trinh-nuoc-sach_t114c1143n111113