Dân Indonesia không dám đi bộ vì xe gắn máy chạy trên lề đường

Tại thành phố Jakarta, tình trạng người đi xe gắn máy hung hăng chạy lên lề để thoát kẹt xe hoặc đậu xe là một trong những lý do dân thủ đô Indonesia không dám đi bộ.

Xe gắn máy chạy trên lề đường Jakarta-Ảnh: New York Times

Xe gắn máy chạy trên lề đường Jakarta-Ảnh: New York Times

Các lý do khác: người đi bộ sợ té xuống ống cống không có nắp đậy, dây điện lòng thòng, thời tiết nóng ẩm, nạn móc túi cùng những kẻ có hành vi mờ ám.

Dita Wahyunita, 24 tuổi, một nhà phân tích thị trường cho một công ty có trụ sở ở trung tâm Jakarta, nói: “Tôi không cảm thấy an toàn nếu đi bộ. Ở các nước khác có lề đường rộng chỉ dành cho người đi bộ nên không sao”.

Người Indonesia lười đi bộ

Dita là một trong nhiều người Indonesia không thích đi bộ. Thăm dò mới đây của các nhà nghiên cứu thuộc đại học Stanford (Mỹ) xếp Indonesia hạng chót trong 46 quốc gia và lãnh thổ có số bước chân đi bộ thấp nhất.

Theo đó, một người dân Indonesia chỉ đi bộ 3.513 bước/ngày.

Để so sánh, Hồng Kông xếp hạng đầu với 6.880 bước/ngày. Trung Quốc hạng nhì với 6.819 bước/ngày. Ukraine, Nhật Bản, Nga nằm trong Top 5.

Nghiên cứu được thực hiện với 717.000 người ở 111 quốc gia và lãnh thổ. Họ tình nguyện được giám sát trong tổng cộng 68 triệu ngày hoạt động, sử dụng một ứng dụng do các nhà nghiên cứu của trường đại học Stanford thiết kế, và tải lên điện thoại thông minh hoặc đồng hồ đeo tay của người đồng ý tham gia cuộc thăm dò.

Các nhà nghiên cứu cho biết: đây là cuộc thăm dò lớn nhất về bước đi bộ. Mỗi nước phải có ít nhất 1.000 người tham gia để được xếp hạng trong báo cáo.

Jakarta có khoảng 10 triệu dân, nhưng chỉ 7% trên 4.500 dặm đường của thủ đô Indonesia có lề đường, theo dữ liệu của chính quyền địa phương.

Tim Altoff, trưởng nhóm nghiên cứu, nói: “Lề đường bể nát, xuống cấp, xe gắn máy chạy trên lề đường thì không thể có thêm người đi bộ. Việc người dân không đi bộ nhiều không là điều ngạc nhiên”.

Ông cũng lưu ý chất lượng không khí kém của Jakarta làm khách bộ hành tránh ra đường càng nhiều càng tốt. Ở một vài khu vực, mức độ ô nhiễm môi trường thường là “không tốt cho sức khỏe”, vượt quá chỉ số ô nhiễm môi trường của Ủy ban bảo vệ môi trường Mỹ.

Ông Altoff nói: “Tới lúc nào thì người dân sẽ không ra đường nữa vì chất lượng không khí tồi?”.

Cầu vượt dành cho người đi bộ ở Jakarta

"Chạy xe trên lề đường là hành xử ẩu"

Theo các nhà phân tích, thay vì đi bộ, người Jakarta và các vùng đô thị khác (là nơi mà hơn một nửa tổng số dân 250 triệu người sống) dùng xe con, xe buýt, taxi và xe gắn máy để di chuyển cả ở khoảng cách 200 m.

Liên minh người đi bộ là một nhóm hoạt động ở Jakarta, thường lập “hàng rào sống” trên lề đường, để chặn xe gắn máy chạy lên lề đường.

Lấy cảm hứng từ việc con gái nhỏ của ông Alfred Sitorus phàn nàn lề đường quá nguy hiểm, một số thành viên Liên minh trương bảng kêu gọi lái xe hãy chạy dưới đường và không dừng xe con trên đường dành cho người đi bộ.

Ông Sitorus là chủ tịch Liên minh người đi bộ, nói với báo New York Times: “Chúng tôi lười biếng. Lúc nhỏ, chúng tôi được dạy ở trường rằng lề đường dành cho người đi bộ, nhưng người ta chấp nhận người đi xe gắn máy chạy lên lề đường. Điều khiến chúng tôi lười biếng cũng chính vì hành xử ẩu”.

Jeferson Butar, làm ở một công ty viễn thông, nói: “ Rất khó để thay đổi những thói quen văn hóa”, trong việc chạy xe gắn máy trên lề đường hoặc dùng thang máy chỉ lên-xuống một tầng lầu. Nhưng đây cũng là một vấn đề của chính quyền. Có thể cảnh sát làm được nhiều việc hơn, như phạt người chạy trên lề đường”.

Fransino Tirta, giám đốc một liên đoàn võ thuật Indonesia, nói người dân Indonesia không thể kỳ vọng chính quyền Jakarta sẽ xây thêm hàng ngàn dặm lề đường. Ông nói đồng bào của ông cần tìm những hoạt động có lợi cho sức khỏe, khi họ không thể đi bộ”.

Công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè Jakarta

Lên-xuống 1 tầng lầu cũng dùng thang máy

Người nước ngoài sống lâu ở Jakarta, cùng nhiều người Indonesia đã quen đứng xếp hàng thật lâu chờ thang máy, dù chỉ lên hoặc xuống 1 tầng trong một tòa nhà, thay vì đi cầu thang bộ.

Ở các trung tâm mua sắm hiện đại tại Jakarta, người Indonesia không theo nếp văn hóa quốc tế là “đứng một bên, bước ở bên kia”.

Tại sân bay quốc tế Jakarta, nhiều người nước ngoài tránh dùng hành lang di động, vì nhiều người Indonesia “đứng ì” cho máy cuốn thay vì họ bước theo hành lang cuốn.

Ở sân bay quốc tế ở Singapore, cũng dễ nhận biết người Indonesia vì họ tiếp tục đứng yên thay vì bước theo hành lang cuốn.

Bích Ngọc (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dan-indonesia-khong-dam-di-bo-vi-xe-gan-may-chay-tren-le-duong-69888.html