Dần dần rồi sẽ ổn

Ở cấp tiểu học sách giáo khoa đang được sửa chữa. Cách đánh giá hoặc cho điểm đang được điều chỉnh. Phụ huynh, giáo viên và các cấp quản lý GDĐT đối thoại, trao đổi, phản biện không còn quá gay gắt, cay đắng, phẫn nộ hoặc tuyệt vọng như mấy năm trước nữa.

Một lớp học theo mô hình VNEN.

Trên cơ sở đồng thuận về định hướng và chấp nhận những phương cách gỡ rối khác nhau không khí đóng góp và tiếp nhận cải cách đã thiết thực hơn, các bên cầu thị hơn không chỉ đổ tội, lên án lẫn nhau nữa. Phụ huynh chấp nhận tham gia có trách nhiệm hơn vào việc giáo dục quản lý con em mình và hợp tác với nhà trường tích cực hơn. Giáo viên tìm mọi cách khác nhau để cho điểm, nhận xét, đánh giá và thông báo khiến học sinh và phụ huynh yên tâm hơn. Các phương án sách giáo khoa, phương pháp học khác nhau được áp dụng tùy nơi tùy lúc sao cho thích hợp với các bên nhất, linh hoạt không cứng nhắc, hành chính hóa quá đáng như trước. Ví dụ mô hình VNEN lớp học mới quây bàn chia nhóm thảo luận và tự học không bắt buộc phải triển khai đại trà hoặc đồng loạt bãi bỏ. Nơi nào thấy hay, làm được thì làm, nơi nào không thích thì cứ quay lại xếp bàn ghế trên dưới như trước. Sự đồng thuận về hướng chung là giảm tải, bỏ nhồi nhét kiến thức, lấy dạy làm người (tất nhiên bao gồm cả khối lượng kiến thức, sinh hoạt học đường, không bó hẹp trong môn giáo dục công dân khô khan) với học sinh là trung tâm đã dẫn tới những chuyển biến tích cực. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông - cũng có thể thấy nhiều vấn đề đang được cải tiến dư luận tranh cãi không còn quá đao to búa lớn trên truyền thông như mấy năm qua. Giống như cái bao đựng các hạt ngô, hạt thóc đã được xóc lên dộng xuống cật lực thì rồi dần dần cũng sẽ gọn lại chặt lại và có hình thù rõ rệt, thể tích hợp lý, không còn duy ý chí hòng sắp xếp máy móc từng hạt, từng hạt với nhau nữa. Đáng hoan nghênh.

Việc cấm tiệt dạy thêm (đồng nghĩa với học thêm hay không thì chưa chắc) bằng mệnh lệnh hành chính quyết liệt đã thất bại nhanh chóng. Chuyện này là một phần của hệ thống giáo dục không phải một khối u mà cắt đi là xong. Và lượng kiến thức còn nhồi quá lớn. Luôn có một số học sinh giỏi cần học thêm để phát triển. Luôn có một số ít (hoặc nhiều, tùy lượng kiến thức được yêu cầu) học sinh kém cần phụ đạo. Và lãnh đạo thành phố tôi rất năng động, điều chỉnh ngay cái quyết định hành chính “cấm tiệt” kia để thay vào đó những dạng dạy thêm - học thêm phù hợp với thực tế.

Mấy trăm ngàn cử nhân tiến sĩ thất nghiệp là thực tế đau đớn. Không thể cứu vãn nếu Bộ cứ ôm quyền chủ quản. Có vẻ như Bộ Giáo dục - Đào tạo và Chính phủ và sinh viên đều nhận ra rằng, bộ máy hành chính nhà nước không thể gỡ mối rối này. Bỏ chế độ chủ quản dần dần (không phải là bỏ tài trợ tài chính của Nhà nước). Tăng cường tự chủ của các trường dần dần dường như đã tỏ ra là hướng đi đúng. Nhiều trường đã có thể nâng lương giảng viên từ 10 triệu đồng lên 40 - 60 triệu đồng/tháng và thu hút được người giỏi. Đào tạo gắn với nghiên cứu khiến các công bố quốc tế tăng, thu nhập nhờ nghiên cứu cũng tăng. Khoảng ngăn cách giữa đại học và nhu cầu của doanh nghiệp dần thu hẹp. Cũng do tăng quyền và trách nhiệm tự chủ, tự chọn nên việc Bộ thay đổi cách thi phổ thông - đại học năm nay không gây ra những căng thẳng vô bổ như những lần trước. Để tồn tại lần đầu tiên Bộ và các trường công khai tuyên bố từ bỏ chạy theo số lượng, chú trọng vào chất lượng. Chất lượng tiến sĩ, thạc sĩ lần đầu tiên bị công khai xác nhận là quá kém. Nhất là chất lượng sau đại học của các môn xã hội - nhân văn bị chê hết cỡ. Việc chê bai chất lượng sau đại học quá kém của nhiều ngành xã hội nhân văn trước đây gần như là một cấm kỵ ngầm nay không còn là cấm kỵ nữa. Lãnh đạo, quản lý đã công khai nói tới việc siết chặt tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sau đại học của các ngành mà không còn tự hào viện dẫn tỉ lệ hàm vị khoa học/ dân số như trước đây!

Những thay đổi tích cực trong GDĐT chỉ là lác đác, là bước đầu với “nghịch lý” khá hợp lý: Chúng chính là thành quả của những thất bại, những gay cấn và phản biện tuyệt vọng trong nhiệm kỳ trước! Hơn mọi ngành khác GDĐT không dễ nhảy vọt, đi tắt đón đầu mà nó cần một sự quyết liệt dai dẳng mang tính kế thừa. Từ ngày nhà giáo năm ngoái đến 20.11 năm nay không đủ thời gian cho tôi chuyển từ một người bi quan thành một người lạc quan. Song có nhẽ nếu kiên quyết, kiên định hướng đi đúng thì dần dần “mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi!”.

NGUYỄN BỈNH QUÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dan-dan-roi-se-on-612321.bld