Dân có cường thì quốc mới thịnh

“Góp phần chăm lo sức khỏe cho mỗi người dân là đích đến cuối cùng của một nền thể thao. Phải làm sao cho mỗi người dân đều khỏe, đều thấy yêu thích việc tập luyện TDTT”, đó là mong muốn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trong việc đẩy mạnh phong trào thể thao cho mọi người, góp phần cải thiện sức khỏe, xây dựng nhân cách, lối sống lành mạnh, đẩy lùi bệnh tật, tệ nạn xã hội.

“Nền chắc, móng khỏe” mới có sự phát triển bền vững

Những con số đáng báo động từ Hội Tim mạch Việt Nam, từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, từ Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đều cho thấy một trong những nguyên nhân của các căn bệnh tim mạch, béo phì, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, đều là do thiếu vận động, ít tập luyện thể dục thể thao. Thực tế cấp bách ấy đòi hỏi phải có những biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao cho mọi người.

Từ những con số đáng báo động...

Một con số đáng báo động từ Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 5.2015, cả nước có khoảng 1,4 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Mỗi năm, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong do bệnh tại Việt Nam. Hội Tim mạch Việt Nam cảnh báo, đến năm 2017, cả nước sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp.

Một con số cũng đáng báo động khác từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, theo các điều tra trong năm 2013, tỉ lệ thừa cân béo phì trên toàn quốc ở trẻ dưới 5 tuổi là 4% (khoảng 300.000 trẻ). Tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ này là 6%, với tổng số 86.000 trẻ. Đặc biệt, thừa cân béo phì ở một số thành phố đã cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển. Như tại TP HCM, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đã lên tới 9,6% (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Đặc biệt, tại các khu vực trung tâm thành phố, tỉ lệ trẻ béo phì đã vượt ngưỡng 12%. Đây là một con số rất đáng báo động.

Chưa hết, hằng năm các vụ đuối nước thương tâm là nỗi đau của nhiều gia đình và xã hội. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, con số này còn cao hơn nhiều, mỗi năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối. Việt Nam cũng là quốc gia có số trẻ em bị chết đuối nhiều thứ hai trên thế giới. Liên minh Trẻ em An toàn, có trụ sở ở châu Á cũng cho biết, tỷ lệ chết đuối của trẻ ở các nước đang phát triển cao gấp 10 đến 20 lần hơn so với các quốc gia công nghiệp hóa. Theo kết quả các cuộc thăm dò của Liên minh này, Bangladesh được ghi nhận là nơi có tỷ lệ và số trẻ em bị chết đuối cao nhất - gần 17.000 trẻ mỗi năm; tiếp theo là Việt Nam - với mức trên 11.500 trẻ bị chết đuối. Cũng là quốc gia châu Á và có nhiều sông ngòi nhưng tại Thái Lan, chỉ có khoảng 2.600 em chết đuối mỗi năm.

Ngoài ra, về tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4cm (thấp hơn 13cm so với chuẩn), trung bình chiều cao nữ Việt Nam là 153,4cm (thấp hơn 10cm so với chuẩn). So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thanh niên Việt Nam kém hơn. Chiều cao của thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là 5 - 6cm. Tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.

Những con số ấy quả là đáng báo động và sẽ trở thành mối nguy nếu ngay ngày hôm nay, ngay bây giờ, mỗi người không thay đổi thói quen ít vận động, tập luyện thể thao, trẻ em ít được trang bị kỹ năng chống đuối nước...

... Đến việc vì sức khỏe của mỗi người dân

Trăn trở trước thực trạng ấy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện từng đưa ra yêu cầu với những người có trách nhiệm của thể thao Việt Nam, phải làm sao để xây dựng ý thức từ tự phát thành tự giác tập luyện cho mỗi người dân, phải làm sao cho phong trào tập luyện thể dục thể thao thấm vào mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tạo thành phong trào từ tổ dân phố, khu dân cư tới toàn xã hội.

Bộ trưởng Thiện cũng băn khoăn rằng làm sao xây dựng được phong trào tập luyện thể thao để mỗi buổi chiều, thay vì vào các quán bia, nhiều người sẽ đến các địa điểm tập luyện. Khi việc tập luyện thể thao trở thành thói quen cùng với lối sống lành mạnh hằng ngày sẽ góp phần giúp người dân nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật và các tệ nạn xã hội. Và từ phong trào thể thao quần chúng ấy cũng sẽ góp phần giúp cho thể thao Việt Nam phát hiện, đào tạo nhân tài cho thể thao thành tích cao. Chỉ khi có được nền chắc, móng khỏe, thể thao Việt Nam mới có bước phát triển bền vững.

Cũng đồng quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1 Ủy ban TDTT trước đây cho rằng với bất kỳ một nền thể thao nào bao giờ cũng có hai bộ phận tồn tại song song, có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ cho nhau là thể thao cho mọi người (hay còn gọi là thể thao quần chúng) và thể thao thành tích cao. Trong đó thể thao quần chúng chú trọng đến việc chăm lo sức khỏe cho mọi người, còn thể thao thành tích cao là tuyển chọn VĐV, nâng cao thành tích, thi đấu mang vinh quang, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Ông Minh cũng thống kê rằng từ trước tới nay, trong các văn kiện của Đảng và từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gốc rễ của nền thể thao cách mạng là phải chăm lo sức khỏe cho giống nòi, cải thiện thể lực và tầm vóc cho người Việt Nam. Và ở thời kỳ nào thì thể thao quần chúng cũng được quan tâm. Thể thao quần chúng là công việc diễn ra hằng ngày, không phải là bề nổi, không đòi hỏi đầu tư tốn kém nhưng lại phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, trình độ dân trí, tức là đời sống văn hóa, trình độ dân trí, kinh tế được mở mang, người ta sẽ nghĩ đến vấn đề tập luyện và giải trí, và khi ấy tự nhiên sẽ hình thành nhu cầu. Vị chuyên gia đầu ngành về thể thao này cũng cho rằng nếu Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT có chủ trương, chính sách kích thích sự phát triển ấy thì phong trào thể thao quần chúng chắc chắn sẽ khởi sắc.

Trong nhiều năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, phong trào thể thao quần chúng ở nước ta đã có bước phát triển. Tuy nhiên để trở thành một phong trào thực chất, rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi tham gia thì chỉ riêng sự nỗ lực của Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT là chưa đủ. Rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và đặc biệt là sự tham gia của mỗi người dân vì mục tiêu sức khỏe cho bạn, cho tôi, cho mỗi người và cho toàn xã hội.

“Tôi mong muốn bên cạnh việc nâng cao, cải thiện thể lực, tầm vóc, thể thao sẽ góp phần rèn luyện được nhân cách, đạo đức, lối sống, tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, ý thức tập thể cũng như bản lĩnh vững vàng cho mỗi người dân”, mong ước của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng là ước nguyện chính đáng của những người đang tràn quyết tâm cho gốc rễ của một nền thể thao lấy việc cải thiện sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

(Theo báo Văn Hóa)

Thu Sâm

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-thao/dan-co-cuong-thi-quoc-moi-thinh-214580.html