Dân Campuchia đắng lòng vì thủy điện TQ xây: Việt Nam lo?

Hãy hợp tác trao đổi với Campuchia, cái lợi cho VN là Campuchia sẽ không tận dụng nước ở Biển Hồ gây nguy hại cho VN.

Nguy cơ động đến Biển Hồ

Ngày 26/9, báo Phnom Penh Post, dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi tại London (Anh) về dự án đập Kamchay ở tỉnh Kampot (Campuchia) do Công ty Trung Quốc Sinohydro xây dựng.

Trong đó, báo cáo nghiên cứu ghi nhận các ngành du lịch, khai thác tre nứa bị thiệt hại nặng nề, nên người dân đã lên tiếng phản đối kịch liệt.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 13/10, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: "Quy hoạch của thủy điện tức là quy hoạch sử dụng nguồn nước sông của toàn xã hội, cho nên nó phải đảm bảo để nguồn nước dùng cho tất cả nhu cầu của người dân ở quanh lưu vực. Ví dụ, nước cho sinh hoạt, nước trồng trọt, còn nước để làm điện chỉ xếp thứ ba, sau đó đến nước cho hệ sinh thái.

Nhưng thông thường các chủ đầu tư chỉ tính đến làm sao có lượng nước để phát điện. Người dân Campuchia kêu việc mất tre nứa, vì nước ngập hết hoàn toàn đúng. Bao giờ làm thủy điện chủ đầu tư cũng tham, nên cho nước nhiều để phát được nhiều điện, trong khi tre nứa có thể ngập, nhưng không được ngập quá nhiều.

Đập thủy điện Kamchay ở tỉnh Kampot

Cùng với đó, khi làm thủy điện họ ít quan tâm đến an toàn hạ du khi xả lũ, nếu muốn đảm bảo thì không được tích nhiều, chỉ được tích ở một mức độ nhất định.

Nhưng thực tế quy trình điều tiết thủy điện là một quy trình hoàn toàn bất lợi cho tất cả người dân dùng nước. Hiện chỉ có duy nhất thủy điện như Hòa Bình, Sơn La mới có dung tích hồ chứa lớn, có dung tích phòng lũ, nên có thể điều tiết theo mùa. Còn thủy điện nhỏ và vừa thì điều tiết theo ngày, thông thường 1 ngày chỉ mở 4-5h, còn đâu đóng không cho nước xuống hạ du theo yêu cầu".

Bên cạnh đó, theo ông Hồng, khi thiếu nguồn nước, Campuchia sẽ chuyển nước từ Biển Hồ để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, đó là việc nguy hiểm nhất. Bởi vì, tất cả lượng nước từ Mê Kông về VN phải đi qua Biển Hồ. Nếu người dân Campuchia kêu nhiều, tức là chiến lược thủy điện của Campuchia có vấn đề, họ sẽ thay đổi chiến lược này.

Vì khi đó, họ sẽ dùng Biển Hồ, ngăn nước để phục vụ cho dân, đó là việc nguy hiểm nhất. Bởi vì, tất cả lượng nước từ Mê Kông về VN phải đi qua Biển Hồ. Nếu người dân Campuchia kêu nhiều, tức là chiến lược thủy điện của Campuchia có vấn đề, họ sẽ thay đổi chiến lược này.

Khi đó, họ phải xem xét lại, thực hiện như VN, xét duyệt lại các dự án, dự án nào nhỏ không đóng góp nhiều cho thủy điện, những dự án nào nằm ở dòng sông cản nước, dự án nào nằm ở vị trí kỹ thuật không cho phép, dễ đổ vỡ thì phải xóa bỏ dự án.

Tuy nhiên, ở Campuchia, phía người dân và chính quyền có sự lắng nghe ý kiến của nhau, nên việc điều chỉnh chiến lược dễ dàng.

''VN nên học hỏi Campuchia, hiện nay, bảo vệ môi trường sinh thái, chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, an ninh nguồn nước là 1 trong 3 an ninh quan trọng nhất bên cạnh an ninh lương thực và an ninh năng lượng, cần có sự lắng nghe nhau, để có phương án tốt nhất'' - vị chuyên gia lưu ý.

Nên trao đổi kinh nghiệm với Campuchia

Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, khi Campuchia đã lên tiếng, đã lo lắng những tác động đến môi trường do các dự án thủy điện gây ra, VN nên phối hợp trao đổi kinh nghiệm với Campuchia để làm sao có một quy hoạch tốt.

Hiện tại, Chính phủ VN đã xóa bỏ 400 dự án, từ đây, các nhà về quy hoạch chi tiết thủy điện nên phối hợp với Campuchia, để làm sao trao đổi với họ, quy hoạch thủy điện sao cho tốt, cho phù hợp, mang tính tổng hợp chứ không chi tiết, vị trí nào nhạy cảm thì xóa bỏ ngay.

Lũ về miền Tây - vùng Đồng Tháp Mười

Như vừa qua, đối với các thủy điện bậc thang miền Trung, tỉnh Quảng Nam đã thấy đó là bài học xương máu, khi ký 40 dự án tại tỉnh này. Thủy điện với dung tích quá nhỏ nằm trong sông dốc thì khi xả lũ sẽ ảnh hưởng đến hạ du.

"Hãy hợp tác trao đổi với Campuchia, để cùng lên tiếng, cái lợi cho VN là họ không tận dụng nước ở Biển Hồ gây nguy hại cho chúng ta.

Theo tôi, nếu như VN với Campuchia phối hợp, tiếng nói sẽ không chỉ tác động cho 2 nước, mà nó còn tác động lên Liên hiệp quốc, các nước trên thế giới. Đặc biệt, Campuchia có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, việc lên tiếng cũng được Trung Quốc ủng hộ, nó hoàn toàn có lợi cho cả hai.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/dan-campuchia-dang-long-vi-thuy-dien-tq-xay-viet-nam-lo-3320780/