Dân 'cắm chốt' ăn ngủ dưới chân núi để phản đối xây dựng khu xử lý rác thải

“Chúng tôi chịu khổ từ bãi rác nhiều lắm rồi, thiệt hại về vật chất còn lấy lại được nhưng sức khỏe của dân chúng tôi làm sao lấy lại được. Riêng phân Hội Cựu chiến binh tôi phụ trách trong 3 năm trở lại đây 8 đồng chí mắc bệnh ung thư. Chiến trường bom đạn khốc liệt như thế chúng tôi không chết, về sống giữa quê hương yên bình nhưng lại chết dần, chết mòn vì những bệnh tật mà đáng lý ra mình có thể phòng được”.

Người dân căng lều ngăn cản xe chở rác vào chân núi

Đó là những lời bức xúc, cùng sự tuyệt vọng, của người dân thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) khi hàng ngày phải sống chung với bãi rác thải ô nhiễm tại khu vực núi Thoong.

Cả xã bị ngập trong nước thải

Theo người dân, khoảng 10 năm về trước, năm 2007 họ đã chịu nỗi ám ảnh về tình trạng đổ rác thải gây ô nhiễm cả vùng rộng lớn. Nguồn gốc của lô đất làm bãi rác thuộc đất dự án 327 với chính sách phủ xanh đất trống đồi trọc, giao lô đất cho một số hộ dân thầu làm dự án.

Trong khi giao thầu có bốn cán bộ chủ chốt của địa phương lúc bấy giờ cùng thầu lô đất khoảng hơn 2ha, vành đai bên ngoài giao cho một số hộ dân khác thầu.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện năm 2006, lô đất của bốn cán bộ này lại được chuyển giao cho Công ty đô thị môi trường Xuân Mai trong khi dân không hề hay biết. Đến năm 2007 Công ty này cho máy vào đào hố chôn hàng nghìn tấn rác xuống chân núi Thoong.

Nhưng chỉ sau một năm triển khai dự án (năm 2008) đã xảy ra sự cố bục đáy hố chôn rác số 2 . Sự cố này khiến chất độc từ mấy chục nghìn tấn rác bắt đầu được giải phóng ra môi trường.

Hệ lụy là, xã Tân Tiến và các vùng lân cận khiến nguồn nước ô nhiễm tràn vào khu vực dân cư ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng ruộng và nguồn nước sinh hoạt. Khắp trong thôn, ngoài xóm đâu đâu cũng bốc mùi hôi thối khó chịu, nước đen sì rò rỉ chảy ra mương máng tưới tiêu của người dân.

Cùng thời điểm đó, người dân đấu tranh, kiến nghị lên cơ quan chức năng, sau đó Ủy ban nhân dân huyện chương Mỹ về họp và cho quyết định tạm ngừng tiếp nhận rác để khắc phục sự cố.

Công ty môi trường đô thị Xuân Mai đã họp dân cùng các ban ngành chức năng, đơn vị này hứa sẽ khắc phục sự cố nhưng kết quả là… càng sửa càng hỏng. Minh chứng rõ nhất là mức độ ô nhiễm càng nặng thêm.

Khi nỗi ám ảnh cũ chưa được giải quyết tận gốc thì ngày 3/8 công ty này bất ngờ cho người quay trở lại đóng cọc, căng dây thép, tự ý treo biển cấm, khoanh mốc khu đất 10ha để thi công dự án. Một người dân cho biết:

“Cách đây nửa tháng, chúng tôi nhận được thông tin Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ tiếp tục cho triển khai dự án xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt núi Thoong do Công ty môi trường Đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư công suất hoạt động 240 tấn/ ngày đêm. Sự việc này khiến dân vô cùng hoang mang”.

Để không tái diễn “vết xe đổ”, mỗi ngày có hàng chục người, có thời điểm lên tới cả trăm người dân, từ già đến trẻ đã bỏ việc đồng áng, buôn bán… tất cả đồng loạt luân phiên nhau mang theo xoong nồi, xô chậu, bếp ăn lên núi “cắm chốt”, căng lều ăn ngủ cả ngày lẫn đêm.

Tại vị trí lối đi dẫn lên núi, bà con còn mang đá tảng chắn ở giữa đường, ngăn không cho xe chở vật liệu xây dựng vào. Các cụ già được huy động ngồi canh, chỉ cần nghe tiếng xe rác vào lập tức sẽ gõ kẻng hoặc gọi điện cho người dân trong thôn kéo vào phản đối.

Bà Nguyễn Thị Dinh (66 tuổi, thôn Tiến Tiên) cho biết: “thực tế năm 2008 chúng tôi đã thấm thía muôn nỗi khổ vì bãi rác gần nhà nhưng vì tin lời hứa sẽ khắc phục sự cố từ phía công ty. Nhiều lần công ty hứa nhưng không thực hiện, giờ dân chúng tôi mất hết niềm tin rồi.

Vị trí chôn lấp rác nằm ở đầu nguồn mạch nước ngầm, nước thải từ bãi rác chảy xuống ảnh hưởng đến cả xã lân cận. Cây cối hoa màu chết hết, chẳng nuôi được con gì nữa. Ghẻ lở, bệnh tật gia tăng chóng mặt, đặc biệt là những người chết vì ung thư cũng tăng cao”.

Túc trực xuyên đêm dù bị “xã hội đen” tấn công

Theo người dân phản ánh, khi người dân Tân Tiến ra chân núi ngăn cản xe chở rác, không biết từ đâu đã có khoảng 70 người xăm trổ ngồi trên 2 chiếc xe 45 chỗ cùng nhiều taxi vào tận chân núi chửi thề, lớn tiếng đuổi mọi người. Dù không xảy ra đánh đập, xô xát nhưng rất nhiều người già bị xua đuổi, ngã xuống mương nước.

Suốt những ngày gần đây, tại chân núi Thoong, người dân đã dựng 2 chiếc lều bạt. Những đồ dùng thiết yếu như chăn màn, bếp ga, máy phát điện, gạo nước, nhu yếu phẩm đều được bà con chuẩn bị khá đầy đủ. Điều đáng nói những người ăn nằm tại đây chủ yếu là những người già, phụ nữ. Có những người nông dân chân tay dù bị băng bó vẫn cố ra lán trại để ngăn rác.

Để dẫn chứng cho sự nguy hại từ việc quy hoạch rác bất hợp lý, nhiều người dân đã vác cuốc lao lên ngọn đồi rác đào bới để chứng minh cho chúng tôi tận mắt thấy dưới lớp đất dày là vô vàn những thứ độc hại mà mỗi ngày ngấm vào mạch nước. Những ni lông, chai lọ, xi lanh,...các thứ lần lượt lộ ra theo từng nhát cuốc.

Bà Nguyễn Thị Vẻ (82 tuổi), gạt những giọt nước mưa trên mặt bức xúc: “Có nằm ở đây 1 năm, 2 năm thậm chí nằm cho đến chết tôi cũng nằm. Mưa thế này chứ mưa nữa chúng tôi cũng chịu được. Đêm hôm qua mưa lớn lắm, gió giật đùng đùng, mỗi người chúng tôi giữ một góc bạt cho khỏi bay. Như thế có đáng kể gì, miễn là họ không về đây xây dựng nhà máy, con cháu tôi không phải khổ là được”.

Từ năm 2008 cho đến bây giờ dù đã nhiều năm trôi qua nhưng sự cố rác thải năm nào vẫn gây ám ảnh cho bà con nơi đây. Họ không biết có phải do ảnh hưởng của việc ô nhiễm nguồn nước không nhưng từ sau năm đó, người dân trong thôn chết vì ung thư tăng đột biến.

“Ngay thôn của tôi đã có hàng chục người chết cả già lẫn trẻ. Bản thân gia đình tôi cũng có 2 người con trai chết vì ung thư phổi. Hiện tại, bản thân bà cũng thường xuyên cảm thấy khó thở, tức ngực”, bà Vẻ nói thêm.

“Về mặt địa lý, vị trí, địa chất hoàn toàn không phù hợp để đặt hố chôn rác, đó là điểm cao của chân núi, dưới chân núi là khe suối cung cấp toàn bộ nước sinh hoạt, canh tác của bà con trong xã, vị trí bãi rác được đặt đúng đầu nguồn nước.

Thêm nữa, địa hình núi đá vôi, độ thẩm thấu đến hệ nước ngầm là cực kỳ nguy hiểm bởi vậy chúng tôi không thể chấp nhận được. Hơn nữa, năm 2014 có nhiều cuộc họp lấy ý kiến dân về việc xây dựng nhà máy xử lý rác, 99,9% người dân không đồng ý, còn lại chỉ một người đồng ý nếu xây dựng ở khu đất khác hợp lý hơn.

Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nghiên cứu thật kỹ và có phương án di dời nhà máy để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây”, ông Nguyễn Đình Lưu, chi Hội phó hội cựu chiến binh thôn Tiến Tiên bức xúc phân tích.

Theo điều tra của chúng tôi xung quanh câu chuyện của bãi rác núi Thoong còn vô vàn “góc khuất” từ trình tự công tác đầu tư cho đến cách xử lý sự cố về môi trường tại đây. Cái căn cứ mà Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai dựa vào đó để bảo vệ nguồn nước ngầm của địa phương chỉ là những tấm bạt được trải dưới đáy những hố rác.

Ông Nguyễn Hữu Định (Phó chủ tịch xã Tân Tiến - Chương Mỹ - Hà Nội) cho hay: dự án xây dựng khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt núi Thoong do Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư đã được UBND Huyện Chương Mỹ phê duyệt vào năm 2007, chúng tôi là đơn vị cấp xã nên cũng chỉ biết thực hiện theo chỉ đạo.

Thiết nghĩ, một dự án đúng từ chủ trương, đúng từ cách làm và vì người dân vậy tại sao những chủ thể ấy lại kịch liệt phản đối? Đã tới lúc, chính quyền sở tại và các đơn vị liên quan nên xem xét lại sự hợp lý của dự án. Và cũng đã đến lúc người dân Tân Tiến cần các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm đang từng ngày hủy hoại môi trường sống nơi đây.

Nguyễn Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/dan-cam-chot-an-ngu-duoi-chan-nui-de-phan-doi-xay-dung-khu-xu-ly-rac-thai-291595.html