Đàn bầu là của Việt Nam hay Trung Quốc?

LTS: Vừa qua công luận và giới âm nhạc dân tộc nóng lên với việc Trung Quốc tuyên bố đàn bầu là nhạc cụ dân tộc của nước này. Để hiểu thêm về vấn đề này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu đến độc giả trích đăng bài viết của chuyên gia âm nhạc GS -TS Trần Quang Hải.

Tài liệu từ sách vở

Tìm hiểu trong thư tịch và hiện vật khảo cổ học cũng như lịch sử chữ viết có một số sách sử quan trọng có đề cập đến đàn bầu . Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên, Tân Đường thư, Cựu Đường Thư… cây đàn bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây, Trung Quốc.

Theo Hoàng Yến, tác giả bài viết La Musique à Huế: Đàn Nguyệt et Đàn Tranh (Âm nhạc Huế: Đàn Nguyệt và Đàn Tranh) in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế (Bản tin của bạn bè Huế cũ) năm 1919, năm 1892 đàn bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để ca khúc đệm đàn cho một số bộ phận vương quan tiến bộ yêu thích thanh âm trong trẻo, nỉ non đó.

GS Trần Quang Hải

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Vua Thành Thái, một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc, là người yêu tiếng đàn bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam. Lúc đó đàn bâùmới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh - tỳ - nhị - nguyệt và bầu.

Đàn bầu có mặt trong dàn đờn tài tử nam bộ từ năm 1930 do những người miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang vào cuối thế kỷ 19. Đàn bầu được gọi là “đờn một dây” hay “đờn độc huyền”.

Cố GS Trần Văn Khê (đã miêu tả “đàn độc huyền” – không dùng từ “đàn bầu” trong quyển luận án bảo vệ tại Paris năm 1958 (2), và trong quyển VIETNAM /traditions musicales (Việt Nam/âm nhạc truyền thống), do nhà sách Buchet/Chastel xuất bản tại Paris năm 1967.

Tôi có viết bài miêu tả đàn độc huyền – không dùng từ đàn bầu trong quyển MUSIC OF THE WORLD (Âm nhạc thế giới), do nhà xuất bản J.M.FUZEAU, Courlay, Pháp, phát hành vào năm 1994.

Gần đây nữ nhạc sĩ Quỳnh Hạnh (trong nhóm Hoa Sim được thành lập ở Sài Gòn từ thập niên 1960) bảo vệ luận án tiến sĩ về đàn bâùthành công tại trường đại học Sorbonne Paris 4 cách đây 7 năm. Ngoài phần miêu tả nhạc cụ và dân tộc nhạc học, còn có phần viết về việc sử dụng đàn bầu trong cách chữa bệnh tâm thần (musicothérapie).

Hình ảnh đàn bầu thân thuộc đối với mỗi người Việt Nam

Đàn bầu ở Trung Quốc là của người Kinh Việt Nam

Từ vài năm nay ở Trung Quốc đã có những festival nhạc dân tộc với những màn biểu diễn đàn bầu. Trên trang web China Daily USA đăng bài cùng hình ảnh của Xinhua với chú thích “Hàng trăm người dân tộc Kinh thiểu số cùng chơi đàn độc huyền cầm” trong một lễ hội truyền thống ở Trung Quốc. Bài viết nói rằng tộc người Kinh (Jing) này đã di cư từ Việt Nam sang Trung Quốc từ khoảng 500 năm trước, và hiện tộc người này có khoảng 22.000 người.

Trung Quốc đã gửi nhạc công sang Việt Nam học đàn bầu, mời một số nhà nghiên cứu sưu tầm tài liệu để viết về đàn bầu và đưa lên mạng thông tin đàn bầu rất được người dân tộc Kinh (ở Trung Quốc) yêu thích. Trong đó có Sun Jin người làm luận án tiến sĩ với đề tài đàn bầu ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nhạc sĩ Đỗ Lộc cho biết: “Năm 1967, Đoàn múa hát Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sang Bắc Kinh biểu diễn. Tiết mục biểu diễn đàn bầu của nhạc sĩ Đức Nhuận thật sự xuất sắc vì đàn bầu là của Việt Nam mà Trung Quốc không có nên họ ngỏ lời xin học. Việt Nam đồng ý. Nghệ sĩ Điền Xương của Trung Quốc đi theo đoàn Việt Nam suốt thời gian đoàn lưu diễn để được thầy Đức Nhuận chỉ dẫn về đàn bầu”.

Nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiến kể: “Cuối năm 2013, tôi đã từng nói chuyện và biểu diễn minh họa về lịch sử phát triển cây đàn bầu Việt Nam tại Học viện Quảng Tây (Trung Quốc), nơi cũng có một khoa giảng dạy đàn bầu. Cả hội trường vô cùng ngạc nhiên và khâm phục.

Trưởng khoa đàn bầu cũng là người chỉ huy dàn nhạc của học viện là Thái Ương đã nói với tôi: Nghe anh nói chuyện cả buổi sáng nay tôi mới hiểu được hết cái hay và cái đẹp của cây đàn bầu Việt Nam. Học viện chúng tôi có khoa đàn bầu là vì có một số học viên là người dân tộc Kinh có nhu cầu nên chúng tôi dạy thôi. Hiện nay cũng có học sinh Trung Quốc đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam về đàn bầu. Cô gái Trung Quốc Sun Jin cũng từng gặp tôi để học hỏi về đàn bầu”.

Theo một số nghệ sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc, đàn bầu chỉ mới được Trung Quốc lưu tâm đến không đầy 20 năm sau này vì trước đó không thấy dạy đàn bầu ở các nhạc viện Trung Quốc. Ngược lại đàn bầu có mặt ở Việt Nam từ Bắc xuống Nam, được dạy tại 3 nhạc viện quốc gia Hà Nội, Huế, TP.HCM với hàng trăm nhạc sinh.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có 3 luận đề cao học và một luận đề tiến sĩ về đàn bầu:

NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm bảo vệ luận án cao học năm 1999 với đề tài “một số vấn đề về giảng dạy và biểu diễn đàn bầu ở nhạc viện Hà Nội”.

Nguyễn Thị Mai Thủy bảo vệ luận án cao học năm 2007 về “giảng dạy đàn bầu bậc trung học dài hạn tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội”.

Sun Jin (Tôn Tiến), người Trung Quốc, bảo về luận án cao học năm 2009 về “Đàn bầu với việc giảng dạy tại trường đại học Quảng Tây, Trung quốc”

Sun Jin tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2015 về “Nghệ thuật đàn bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam”. (8)

Với sự kế thừa và phát triển đàn bầu, Sun Jin muốn trên cơ sở của người trước đã làm và đề ra vài ý kiến mới, đó là những quan điểm “hoạt hóa”, “tiến hóa” và “tiêu chí hóa”.

Trong đó, “hoạt hóa” có yêu cầu giữ gìn và đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đàn bầu. “Tiến hóa” có ý nghĩa đổi mới nội dung và hình thức để phát triển nghệ thuậtđàn bầu. “Tiêu chí hóa” mang nghĩa đại diện của khu vực, làm nổi bật vị trí của nghệ thuật đàn bầu. Thêm một khía cạnh trong luận án là điều tra xã hội học về đàn bầu.

Trung Quốc từng “chiếm đoạt” di sản văn hóa nước khác

Trung Quốc có ĐỘC HUYỀN CẦM, Nhật Bản có ICHIGENKIN (nhứt huyền cầm). Ấn Độ có GOPI YANTRA, Cao Miên có SADIOU. Tất cả những cây đàn một dây đó không có cây nào sử dụng bồi âm như ĐÀN BẦU của Việt Nam.

Việc Trung Quốc muốn "chiếm đoạt" nhạc cụ đàn bầu là của họ là việc họ thường làm với những truyền thống khác như hát đồng song thanh Mông Cổ khoomi mà họ đã trình UNESCO cho là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2009. Mông Cổ phản đối kịch liệt vì theo truyền thống Mông Cổ, kỹ thuật này chỉ phát nguồn từ vùng Tây Bắc của xứ Mông Cổ (Folk Republic of Mongolia) chứ không thể có ở Nội Mông như Trung Quốc tuyên bố. Năm 2010 xứ Mông Cổ trình hồ sơ hát đồng song thanh khoomi cho UNESCO và được nhìn nhận là của xứ Mông Cổ.

Một chuyện khác là bản ARIRANG của Hàn Quốc đã bị Trung Quốc dự định trình UNESCO để được tuyên dương là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc vì họ có người Triều Tiên là sắc tộc sống ở Trung Quốc. Nhưng ban nghiên cứu xứ Hàn Quốc đã phản ứng kịp thời và tổ chức hội thảo tại Seoul và tôi được mời tham dự hồ sơ này vào năm 2012. Và bản ARIRANG được UNESCO nhìn nhận là của Hàn Quốc vào năm 2014.

GS Trần Quang Hải
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dan-bau-la-cua-viet-nam-hay-trung-quoc-n20161026064742929.htm