Đàn bà còn gì khi nhan sắc tàn phai, tình yêu rời bỏ?

Người phụ nữ quỳ bên tôi nơi hậu điện, tay bà lắc không ngừng lọ đựng săm, miệng lầm rầm khấn vái: “Nam mô a di đà Phật, xin Thánh mẫu linh thiêng phù hộ độ trì cho con xin được quẻ săm tốt để…

Tìm được mỹ viện uy tín mà chỉnh sửa lại nhan sắc lôi kéo 'thằng chồng mắc dịch' về cho gia đình hạnh phúc, con cái vui tươi, nam mô… nam mô…”.Không nén được tò mò bởi lời khấn quá ư tâm trạng, tôi nhìn sang. Người phụ nữ độ ngũ tuần, phốp phát, mặt mày dát rất nhiều son phấn, cả người cũng lấp lánh những vòng vàng, dây chuyền, lắc… mười ngón tay đã hết tám ngón đeo nhẫn vàng. Hình như chị không có vẻ gì là sợ những kẻ giựt dọc, trộm cướp ở nơi đông người như thế này. Bà nhận giải săm, tuổi chắc cũng đã tám mươi.

Sau khi lạy đủ ngần ấy cái theo thứ tự của quẻ săm, bà chưa buồn giải săm ngay mà tiếp tục lu loa trong khói hương trầm mặc: “Thánh mẫu ơi… sao đàn ông, mà chính xác là “thằng chồng mắc dịch” của con lòng dạ bạc bẽo như vôi vậy hả bà? Ngày nào còn hột muối cắn đôi thì chồng vợ thuận hòa, giờ làm ăn có chút của tiền thì bày đặt mèo này mỡ nọ, rồi còn chê vợ già, vợ xấu, vợ không hiểu biết. Nhưng thử hỏi bà, con gần ba chục năm quanh quẩn trong nhà lo manh quần tấm áo cho chồng con, lo bữa cơm sao cho ngon cho ngọt, thì làm sao học hỏi được gì. Bây giờ con già rồi, nhan sắc tàn phai thì thằng chả chê vậy đó, rồi còn đòi ly hôn ly dị nữa! Nhưng con không muốn mất chồng. Thánh mẫu ơi… xin bà phù hộ độ trì “thần đưa lối thánh dẫn đường” cho con tìm được mỹ viện tốt để sửa lại nhan sắc mà kéo thằng chả về…”. Lời van vái của người phụ nữ ấy quả thật khiến tôi đáng thương cho thân phận người đàn bà, nhất là khi bóng xế về già, nhan sắc tàn lụi.

Có phải lúc này, người đàn ông có quyền vin vào cái cớ vợ già, vợ xấu để đi ngoại tình; còn người phụ nữ há cứ phải âu lo, khư khư giữ chồng khi ngấp nghé tuổi lúc hoàng hôn?Tôi đã nghĩ như thế, cho đến khi vừa ra khỏi hậu điện, gặp lại nhỏ bạn cũ, và thấy cuộc đời vẫn đẹp sao. Ngoài ba mươi (chính xác là ba mươi hai), bốn mặt con, chồng không nghề nghiệp, chỉ làm lặt vặt gì đó như bốc vác, mua bán dừa tươi, giãy cỏ, nhổ mì… Nhỏ ta thì bán vé số, quanh năm suốt tháng “làm nặng không quá hai trăm cà ram” nhưng lại là trụ cột chính của gia đình sáu người. Người ngợm nhỏ gầy đét như con cá khô, tóc tai hoe hoét màu nắng, da mặt sần sùi nhăn nheo, “hàng tiền đạo” đi “học tập nước ngoài” chưa biết bao giờ về nhưng nụ cười nhỏ rạng rỡ vô cùng.

Chìa xấp vé số vào tay em nhỏ bảo:

- Lấy vài vé đi, hổng tính tiền, hên thì thành tỉ phú, không thì coi như bè bạn lâu ngày gặp lại tặng nhau

- Sao… đẻ chi nhiều cho người xấu xí dữ vậy bồ - em hạ thấp giọng.Nhỏ cười giòn kháu:- Thì… vợ chồng thương nhau! Đặng hào con hon hào của mừ!

- Rồi nuôi làm sao?

- Trời sinh voi sinh cỏ, lo gì!

- Nhưng “bà” xấu hoắc vậy hổng sợ thằng chả có bồ nhí à?

- Tui như Thị Nở, ba sấp nhỏ là Chí Phèo thôi, sợ gì!

Hóa ra cuộc đời trong mắt nhỏ thật đơn giản. Vợ chồng thương nhau thì mọi việc “nhỏ như con thỏ” vậy thôi. Khi nhan sắc rụng, thói thường tình yêu cũng bay đi, thì người ta dát lên mình những phấn son, trang sức… hầu níu kéo chút mùa xuân trở lại. Nhưng chắc gì một năm có hai lần chim én. Còn kẻ đang xuân thì không cần biết én kia mấy cánh, mai vàng mấy nhụy, chỉ biết một điều còn có tình yêu là đất trời mãi mãi mùa xuân.

Sưu tầm

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/dan-ba-con-gi-khi-nhan-sac-tan-phai-tinh-yeu-roi-bo-83487/