Đàn bà chúng ta đôi khi cần phải thấy tổn thương nhiều hơn nữa

Luyện tập để thấy tổn thương vì những điều “không bình thường và khó chấp nhận” là một cách giảm thiểu tối đa những điều không tốt đẹp được phép ở lại trong cuộc sống của chúng ta.

Cả tuần trước bận rộn, nghe chị hàng xóm kể là bác tổ trưởng đến mấy lần chẳng gặp tôi để thu tiền sinh hoạt hè cho các cháu, tôi ngại quá nên tối qua sang tận nơi nộp cho bác. Bác tổ trưởng là người nhiệt tình, tốt bụng nhất tôi từng biết, mưa gió cũng đến từng nhà phát thông báo, dặn dò từng tí chuyện như mắc màn cho trẻ con đi ngủ vì đang mùa dịch sốt xuất huyết, dặn trẻ con đi sang ngõ bên cạnh để tránh cái “nhà cao tầng thiếu văn hóa” đang xây mà không che chắn.

Sang đúng lúc hai vợ chồng bác đang cãi nhau, bác dặn tôi đứng đợi để vào lấy sổ ghi tiền mà lẩn thẩn thế nào vẫn đứng cãi nhau nốt. Tôi nghe thấy bác gái có vẻ to tiếng:

- Chuyện của tôi với bà Liên không khiến ông phải hỏi, đàn ông gì mà lắm chuyện thế, suốt ngày lân la hỏi han mấy chuyện đàn bà. Tôi với bà ấy có mâu thuẫn gì thì cũng là chuyện chị em phụ nữ, ông cũng đừng phải dạy tôi làm gì. Đầu hai thứ tóc cả rồi, ông hơn gì tôi đâu.

Năm tháng trôi qua, điều quan trọng là chúng ta vẫn còn bận tâm và muốn hỏi han nhau. (Ảnh minh họa)

Bác tổ trưởng tay vẫn cầm dở tiền của tôi, đứng ở giữa đoạn đường vào phòng trong lấy sổ:

- Tôi chỉ hỏi xem bà như thế nào, cũng vì là người lớn rồi, lại sinh hoạt ở phường thì mỗi người bớt đi một tiếng chứ cứ oang oang lên cho cả thiên hạ biết à?

- Tôi mặc kệ ai muốn biết cho họ biết hết. Mà việc của tôi ông cứ kệ tôi đi, sao ông nói nhiều thế?

- Thì cũng vì tôi bận tâm thôi chứ sao bà lại làm ầm lên.

Đấy, lý do chỉ có thế, vì tôi bận tâm nên tôi mới hỏi nhiều thế, tôi bận tâm muốn biết chuyện gì xảy ra xung quanh bà nên mới hỏi nhiều thế? Đây là cuộc cãi vã dễ chịu và “vừa phải” nhất tôi được nghe gần đây. Sao người già cãi nhau nghe cũng “tình nghĩa” đến vậy nhỉ?

Nói đâu xa, mới tuần trước về nhà nghe bố mẹ cãi nhau mà tôi thấy lạ lẫm và không tin nổi, sao lại nói với nhau những lời nặng nề như vậy, mà sau đó… vẫn ở được cùng nhau? Mà xa hơn nữa, là chính những lần cãi vã của tôi và người chồng cũ. Đến giờ mới thấy tôi làm vậy là không được, nghĩ rùng mình khi đã có lúc người ta nói vào mặt nhau những điều tồi tệ nhất, những ngôn từ cay nghiệt nhất rít lên qua kẽ răng và có lúc còn tức giận vì không thể tìm được từ nào tồi tệ hơn, mức độ kinh khủng hơn, để nói cho thỏa mãn.

Nhiều người theo kiểu “lý tưởng hóa” hôn nhân thì sẽ bảo: Vợ chồng mà, yêu nhau rồi làm khổ nhau, nhưng rồi vẫn về với nhau, đó là điều kỳ diệu khó hiểu của hôn nhân. Lúc "điên" lên thì chửi mắng nhau như kẻ thù nhưng rồi vẫn chăm sóc yêu thương nhau không rời đấy thôi.

Kiểu hôn nhân và yêu đương nào kì dị đến thế? (Ảnh minh họa)

Tôi không biết có phải vì gần 4 năm sống một mình mà sức chịu đựng của tôi ít dần đi so với trước, nhất là với những điều vốn rất “bình thường” kiểu vậy. Làm tổn thương người khác bắng lời nói là một điều vô cùng tồi tệ. Nghĩ lại, ngày xưa bố mẹ yêu nhau tha thiết rồi mới cưới nhau, tôi và bạn chồng cũ cũng vậy. Rồi điều gì đã xảy ra? Tại sao chúng ta hả hê khi nói được vào mặt đối phương những ngôn từ kinh khủng nhất. Sự tổn thương, tức giận, ấm ức và “không biết nói gì” của họ lại làm ta sung sướng. Kiểu hôn nhân và yêu đương nào kì dị đến thế?

Chúng ta, cả vợ cả chồng đều nghĩ rằng đó là chuyện nhỏ, to tiếng là việc quá bình thường trong hôn nhân. Nếu cả hai cùng nghĩ thế thì cứ yên tâm bồi bổ vốn từ vựng và dưỡng sức đợi đến trận chiến tiếp theo. Nhưng tôi tin là, chỉ cần một người cảm thấy bị tổn thương và nói cho người kia biết rằng những câu nói độc mồm ấy làm anh/em đau lòng như nào thì chắc chắn mọi chuyện sẽ khác. Nói một lần không được thì hai lần, nói xong thì im lặng chứ đừng thấy “dở mồm” mà cũng nhảy lên chiến đấu tiếp thì hỏng chuyện.

Cái chính là mọi người có thấy bị tổn thương khi người mình yêu thương nhất lại nói mình như thế không? Sao anh ấy yêu mà lại bảo mình là loại vợ quá quắt khốn nạn? Sao yêu mình mà lại chửi "gái đĩ già mồm"?... Nghe thế đau lòng chết đi được. Người ta cứ bảo phụ nữ mong manh yếu đuối dễ tổn thương, mà sao nghe câu ấy chị em mình cứ như không, bảo quen rồi, lúc tức anh ta nói vậy thôi. Thế nên bảo sao mấy cô mít ướt, hơi tý tủi thân, quát một cái là dỗi và khóc cho ba ngày lại hay được nâng niu, kiếm được mấy anh chồng biết chiều chuộng dịu dàng. Do phản ứng của chúng ta cả thôi. Thấy người ta quá lời thì phải nói cho họ hiểu “Anh nói thế làm em đau lòng đấy”.

Hãy nói cho đối phương biết mình cảm thấy đau lòng ra sao khi nghe những lời nói cay nghiệt. (Ảnh minh họa)

Bây giờ, tôi thật sự rất sợ to tiếng và cãi vã. Với bất cứ ai. Hoặc vì sống một mình lâu quá nên không có cơ hội được “vào sinh ra tử”, tinh thần quyết tâm và trình độ chiến đấu có phần giảm sút. Dễ đau lòng, dễ tủi thân và hay thắc mắc “Ôi sao người ta lại nỡ nói vậy với nhau nhỉ?”. Luyện tập để thấy tổn thương vì những điều “không bình thường và khó chấp nhận” là một cách giảm thiểu tối đa những điều không tốt đẹp được phép ở lại trong cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta không cãi nhau, để ở lại trong cuộc sống của nhau được dài lâu!

Chúy

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/dan-ba-chung-ta-doi-khi-can-phai-thay-ton-thuong-nhieu-hon-nua-179770/