Đàm Vĩnh Hưng và xưng danh 'ông hoàng nhạc Việt'

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa tổ chức live show “Diamond” hoành tráng tại Sài Gòn và Hà Nội để kỷ niệm 20 năm theo nghề ca hát. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lấy cột mốc khởi nghiệp từ năm 1996, nghĩa là từ khi anh quyết định mỗi đêm kiên nhẫn ngồi chầu rìa ở các sân khấu để được… hát lót.

Nếu đã mạnh dạn xác định tính chuyên nghiệp của một ca sĩ bắt đầu từ số không, thì Đàm Vĩnh Hưng phải lấy điểm xuất phát từ năm 1991, khi tròn 20 tuổi. Bởi lẽ, Đàm Vĩnh Hưng là một trong những thí sinh đầu tiên của cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM, và đã ứng thí liên tục 8 lần, cho đến khi đoạt được giải Tư vào năm 1998 mới ngưng. Theo quy định, thí sinh nào đã được giải, dù giải lớn hay giải nhỏ, đều không được ghi danh thi nữa, cho nên Đàm Vĩnh Hưng đành tạm hài lòng. Bằng không, Đàm Vĩnh Hưng còn đi thi dài dài cho đến khi đạt giải Nhất, và biết đâu sẽ đạt được kỷ lục người đi thi hát suốt đời!

Giải Tư ở Tiếng hát Truyền hình TP.HCM, cũng giống như giải Khuyến khích, chủ yếu để động viên thí sinh tiềm năng hoặc thí sinh nhiệt tình. Với chuẩn mực thanh nhạc của một cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, thì giải Tư trao cho Đàm Vĩnh Hưng cũng hợp tình hợp lý. Và Đàm Vĩnh Hưng chưa bao giờ thắc mắc về kết quả ấy, cho đến khi giã biệt tên thật Huỳnh Minh Hưng để lấy nghệ danh Đàm Vĩnh Hưng bước chân vào hành trình chinh phục đầy ngoạn mục.

Đàm Vĩnh Hưng là một thợ hớt tóc được đào tạo bài bản. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đàm Vĩnh Hưng đã cầm hai chỉ vàng đi học nghề rồi ra mở tiệm. Chính thu nhập từ kỹ thuật hớt tóc đã nuôi Đàm Vĩnh Hưng mày mò theo thanh nhạc. Lần lượt, thầy dạy hát của Đàm Vĩnh Hưng và những ca sĩ từng đoạt giải cao hơn Đàm Vĩnh Hưng đều phải… chào thua Đàm Vĩnh Hưng về mức độ nổi tiếng. Có phải nhiều người đã kém thị lực không thấy tài năng hiển lộ của Đàm Vĩnh Hưng thuở đôi mươi chăng? Không phải, tài năng của Đàm Vĩnh Hưng thì vẫn thế, nhưng điều không ai ngờ là thị trường âm nhạc Việt Nam lại thay đổi bất ngờ chóng mặt như vậy. Cái oái oăm của làng giải trí khi mọi thứ chạy theo danh lợi là đưa ra tiêu chuẩn khác, đòi hỏi khác. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng biết cách nhúng mình vào thị phi và gặt hái nhiều thành công ngất ngưởng!

Phải thừa nhận Đàm Vĩnh Hưng đam mê trong nghề ca hát, và cũng phải thừa nhận Đàm Vĩnh Hưng liều lĩnh trong nghề ca hát. Đàm Vĩnh Hưng đi tìm khán giả theo cách của mình, và luôn áp dụng những “chiêu trò” một cách hiệu quả. Nếu không quá định kiến “nói như ca sĩ, nghĩ như cầu thủ” thì thử nghe Đàm Vĩnh Hưng lý giải: “Đối với tôi, “chiêu trò” là những chiêu thức, những trò chơi mà mình bày ra trong nghệ thuật biểu diễn, là những kỹ năng sân khấu để thỏa mãn khán giả của mình chứ có gì lố lăng, lố bịch đâu. Nói tôi làm trò để cứu vãn sự nghiệp là không phải, vì sự nghiệp của tôi hiện thời vẫn ổn. Tôi biết cũng sẽ đến lúc mình phải cứu vãn khi sự nghiệp sa sút chứ. Người không biết cứu vãn sự nghiệp, cứu vãn chén cơm, danh dự của mình mới là người thiếu bản lĩnh".

Chiêu trò của Đàm Vĩnh Hưng thế nào nhỉ? Làm dáng và làm lố thì thường xuyên. Mạnh mồm và mạnh tiền thì tất yếu. Những mỹ từ như “Diamond” hay “Dạ tiệc trắng” cứ kêu choang choang. Ra mắt album “Lời con dâng chúa” thay vì tổ chức ở phòng trà thì tổ chức ở nhà thờ. Chiêu trò gây lạ, gây sốc gắn với thương hiệu Đàm Vĩnh Hưng.

Tuy nhiên, những chiêu trò của Đàm Vĩnh Hưng sẽ vô nghĩa, nếu không đánh động được truyền thông. Phải thừa nhận Đàm Vĩnh Hưng trưng dụng được đội ngũ PR nhanh nhẹn và tháo vát. Trước giờ khai mạc live show, tin tức cập nhật liên tục, từ chuyện cơn mưa lớn ở Sài Gòn khiến nước ngập tràn vào nhà đến chuyện bị té chấn thương trên sàn tập, đều ồ ạt chiếm lĩnh các trang mạng. Thời đại tương tác, người cần tin dễ dàng gặp gỡ người cần… diễn!

Câu hỏi đặt ra: Đàm Vĩnh Hưng hát có hay không? Khó nói lắm. Đám đông có thẩm mỹ thưởng thức của đám đông, đem thước đo chuyên môn ra đây chỉ thêm rách việc. Đàm Vĩnh Hưng có giọng trầm khàn cũng đặc trưng, nhưng quan trọng hơn là cách nhấn nhá còn đặc trưng hơn nữa. Đàm Vĩnh Hưng thích gằn giọng, đôi khi sai cả nốt, lệch cả âm. Kỳ diệu thay, cái sự phô ấy lại gây khoái cảm cho thị hiếu đương thời. Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào tiếng hát thì còn lâu Đàm Vĩnh Hưng mới có cái danh xưng “ông hoàng nhạc Việt”. Ngoài quan niệm “không cho tôi làm việc ba ngày là tôi đổ bệnh ngay, làm nghệ thuật thì dậm chân tại chỗ là… thua, tôi không cho phép mình ăn mày dĩ vãng", Đàm Vĩnh Hưng biết cách trưng trổ sự giàu sang giữa trào lưu phô trương của cộng đồng. Vì vậy, các quý bà nhàn rỗi thích khoe khoang sự thành đạt, chính là lượng khán giả hâm mộ hùng hậu của Đàm Vĩnh Hưng. Luật chơi mặc định, Đàm Vĩnh Hưng đóng vai “ông hoàng” trong hội chợ phù hoa, thì xung quanh chỉ cần quan tâm đến váy áo, đến trang sức, đến nước hoa mà thôi. Không tin ư, Đàm Vĩnh Hưng cất nhẫn kim cương đi, bỏ xe hơi biệt thự đi, bớt lui tới thẩm mỹ viện đi, thì chỉ có các câu lạc bộ hưu trí mới đăng ký làm fan của một Đàm Vĩnh Hưng chạy show bằng xe đạp!

Đàm Vĩnh Hưng không chỉ giỏi chiều chuộng thị hiếu mà cũng biết đắn đo với tình đồng nghiệp. Đàm Vĩnh Hưng nặng lời với một nhạc sĩ cao niên rồi lại ôm hoa đến tặng ông như một thái độ xin lỗi (dĩ nhiên phải lôi kéo đám phóng viên lau nhau theo đưa tin cho hoành tráng). Hơn nữa, Đàm Vĩnh Hưng cũng năng nổ tham gia các hoạt động thiện nguyện của nghệ sĩ, và không phải lúc nào cũng hét cat-xê trên trời: “Tôi muốn khi hết show thì những người từng làm việc chung vẫn dành cho mình những cái nhìn thiện cảm. Làm nghề là tính đường dài… Nghiệp hát có thể nói là nghề không vốn, tự thân xuất phát từ năng khiếu trời cho, vậy thì việc gì phải căng thẳng, tính toán với nhau từng đồng, từng cắc làm gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản sau này khi vinh quang đã tắt, hào quang không, liệu có sống nổi không khi chẳng còn ai phục vụ những yêu sách của mình?".

Nghe Đàm Vĩnh Hưng hát cũng vui, mà nghe Đàm Vĩnh Hưng nói cũng vui. Khẩu khí của kẻ đang thịnh vượng chắc chắn véo von như thánh nhân. Nghe Đàm Vĩnh Hưng hát, vỡ lẽ rằng lĩnh vực biểu diễn đang cần giải tỏa những bức bối và ẩn ức khác nhau. Nghe Đàm Vĩnh Hưng nói, ngộ ra rằng xã hội đang nao núng xác lập những giá trị lung lay. Thế nhưng, không có gì phải âu lo, Đàm Vĩnh Hưng tuổi 45 vẫn trẻ trung như tuổi 20 thì mọi thứ vẫn còn đáng phập phồng chờ đợi. Cái danh xưng “ông hoàng nhạc Việt” như một tia chớp lóe ngang ánh mắt kinh hãi của thiên hạ, để rồi từng người lại ngắm nhìn Đàm Vĩnh Hưng theo góc độ cá nhân và cùng ồ lên thú vị xác định Đàm Vĩnh Hưng chính là ngôi sao sáng nhất trong màn đêm showbiz Việt đang trống vắng thành tựu nghệ thuật.

Gia Quan

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dam-vinh-hung-va-xung-danh-ong-hoang-nhac-viet.aspx