Đạm trong sữa thấp hơn 8%: Bột xác sữa trộn đường cát

- Ngoài một số sản phẩm sữa chuyên dụng, hàm lượng đạm trong sữa tươi nguyên kem và sữa bột nói chung là từ 25 - 30%, đặc biệt sữa dành cho trẻ. Theo chuyên gia dinh dưỡng, nếu độ đạm dưới 8%, rất có khả năng thành phần sữa chỉ gồm bột xác sữa trộn với đường cát.

Từ những phản ánh của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Văn phòng phía Nam) hồi cuối năm 2008 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM phát hiện, qua kiểm tra vài cơ sở chế biến kinh doanh sữa với hồ sơ pháp lý đầy đủ, nhiều mẫu sữa có hàm lượng đạm chiếm 6,90 - 7,48%, thấp hơn tiêu chuẩn tự công bố. Sữa "dỏm" từ những cơ sở thật Theo cảnh báo của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Văn phòng phía Nam), Sở Y tế TP.HCM đã đi kiểm tra 4 cơ sở: Cơ sở Như Trang (73/2/29 đường Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, Tân Bình, TP.HCM), Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Thương mại Hoàng Khang (2A - 107A, đường Tỉnh lộ 10, ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tuấn Cường Phát (131, đường số 5, phường Bình Trị Đông B, Bình Tân), và Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đài Hoa (364-366 Nguyễn Văn Luông, phường 12, Quận 6). Ngoài cơ sở Như Trang không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng vệ sinh dụng cụ và hoàn cảnh không đạt tiêu chuẩn, tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở còn lại đều có hồ sơ pháp lý đầy đủ. Tình trạng vệ sinh dụng cụ và hoàn cảnh đạt. Những mẫu sữa kiểm nghiệm của 4 cơ sở nêu trên đều có hàm lượng đạm thấp hơn tiêu chuẩn công bố ghi trên bao bì. Kết quả kiểm nghiệm mẫu bột sữa Maylac của cơ sở Như Trang, hàm lượng đạm là 14,97%, trong khi công bố trên bao bì là 34%. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành xử lý hành chính các hành vi vi phạm nêu trên với số tiền phạt là 17.850.000 đồng và buộc tái chế hoặc tiêu hủy đối với sản phẩm không đúng theo công bố. Trong 9 mẫu sữa kiểm tra của 3 cơ sở còn lại, 7 mẫu sữa của hai Công ty Tuấn Cường Phát và Công ty Đài Hoa đều có hàm lượng thấp hơn. Thậm chí, có những mẫu sữa, hàm lượng đạm xuống thấp hơn 8%. Cụ thể, Sở Y tế đã tiến hành lấy 4 mẫu sữa của Công ty Tuấn Cường Phát đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả, mẫu bột sữa dinh dưỡng Milk Power, hàm lượng đạm là 7,37% (công bố ≥ 10%). Mẫu sữa bột bổ sung canxi và chất sắt Holland Gold có hàm lượng đạm thực tế là 6,96% (công bố ≥ 20%). Hàm lượng đạm trong mẫu sữa bột dinh dưỡng New Zealand là 6,96% (công bố ≥ 10%). Mẫu sữa bột dinh dưỡng Hà Lan cũng chỉ có 6,90% đạm (công bố ≥ 10%). Sản phẩm sữa bột Mikamax của Công ty Đài Hoa cũng chứa hàm lượng đạm thực tế là 7,48% (công bố 8 - 13%). Thấp đạm: Bột xác sữa trộn với đường cát Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết, ngoại trừ một số loại sữa chuyên dụng, sữa tươi nguyên kem và sữa bột nói chung, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em, hàm lượng đạm thường phải từ 25 - 30%. Đây cũng là tiêu chuẩn khi các nhà máy đi thu mua sữa, để đạt được mức năng lượng từ 630 -680kcl/lit sữa. "Hàm lượng đạm dưới tiêu chuẩn này không đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển của trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Dưới hai tuổi là giai đoạn phát triển vượt trội của trẻ. Cho nên, trong giai đoạn này, đạm là chất tối cần thiết để xây dựng cơ thể, xây dựng các tế bào, và cơ quan. Tất cả lượng đạm sẽ được cung cấp từ chế độ ăn ngoài. Và như chúng ta biết, với trẻ dưới 2 tuổi, trong khẩu phần ăn, sữa chiếm từ 40 - 60%. Còn với trẻ dưới 6 tháng, sữa chiếm 100%. Cấu trúc cơ thể được tạo thành từ chất đạm. Với trẻ dưới 2 tuổi, sử dụng sữa thấp đạm trong một thời gian dài, trẻ sẽ bị còi cọc, chậm phát triển, không lớn, giảm miễn dịch hoặc trẻ có thể bị suy dinh dưỡng dạng phù (bé mập mạp không phải do cơ phát triển, mà do cơ thể giữ nước lại). Về lâu về dài, các cơ quan khác như gan, thận, tim sẽ bị ảnh hưởng." BS. Yến Phi e ngại. Sữa có hàm lượng đạm kém thường có "công thức": sữa bột + bột xác sữa (bột whey thô) + đường cát xay mịn. Trong quá trình tạo ra các chế phẩm từ sữa, người ta dùng sữa tươi đưa vào, tách bơ, tách phô-mai... Khi tách bơ và làm phô- mai, những chất béo và những loại đạm không hòa tan (casein), vitamin tan trong chất béo... đi theo các sản phẩm này. Phần nước còn lại bao gồm một số đạm hòa tan, một số chất khoáng. Nước này sau khi bay hơi hết sẽ tạo ra dạng bột whey thô. Theo BS Yến Phi, bột whey thô chỉ còn là "xác sữa" giống như khi nấu rượu còn lại hèm. Trước đây, bột whey thô thường được sử dụng để nuôi gia súc, với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhưng sau này, người ta phát hiện một số tiểu thương sử dụng loại bột này trộn với đường cát để làm sữa giả hoặc sữa kém chất lượng. Bột whey thô có hàm lượng đạm rất thấp, chừng 8 đến tối đa là 12%. Chính vì vậy, bột whey thô sẽ kéo lượng đạm trong tổng sữa xuống. Lượng bột whey càng nhiều, lượng đường càng nhiều, lượng đạm càng thấp. "Những loại sữa có độ đạm siêu thấp như vậy không thể chấp nhận được, đặc biệt là các loại sữa dành cho trẻ. Bởi vì, sữa bột nguyên chất có hàm lượng đạm 30%, bột whey có hàm lượng đạm như thế, tính trung bình cộng, hàm lượng đạm trong sữa đã pha trộn cũng phải phải trên 10%. Nếu hàm lượng đạm trong sữa dưới 8%, chứng tỏ đó là sữa bột giả, gồm có xác sữa trộn với đường cát, kèm theo hương liệu để có mùi sữa mà thôi" - BS Yến Phi nói. Về mặt cảm quan, bột whey thường trắng hơn màu sữa, màu sữa bột hơi ngà ngà. Những dạng sữa trộn thường trắng hơn bột sữa. Thứ hai, với nước ấm 60oC - 65oC để pha sữa, sữa tốt sẽ tan hoàn toàn, còn bột whey thường khó tan, lợn cợn hơn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người tiêu dùng, người dân chỉ còn biết tin vào nhà sản xuất thông qua nhãn hiệu, bao bì chứ không thể vạch ra xem bên trong đó có gì. Người kiểm tra, giám sát phải là cơ quan chức năng. Hương Cát

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/02/827657/