Đàm phán TPP còn nhiều khác biệt giữa các thành viên

Bộ trưởng Thương mại Canada cho biết nước này sẽ phải xem xét nhiều phương án khác nhau mà các quốc gia thành viên TPP đưa ra trong quá trình đàm phán hiệp định.

"Có rất nhiều lựa chọn mà chúng tôi phải xem xét, nhiều quốc gia với nhiều quan điểm khác nhau, bởi vậy mà chúng ta phải chờ xem kết quả của cuộc thảo luận tiếp theo", Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne trả lời phỏng vấn Zing.vn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC 23 ngày 21/5.

Ông Champagne cho biết Canada sẽ xem xét các phương án dựa trên cơ sở là lợi ích của Canada, của người lao động quốc gia này.

"Nguyên tắc chung là người dân và nền kinh tế của chúng tôi đều muốn có một nền tảng luật pháp, thương mại dựa trên nguyên tắc trong khu vực", ông nói. "Tôi nghĩ điều này sẽ giúp ích cho chúng ta và tầng lớp trung lưu. Và chúng ta cần tạo điều kiện tốt nhất cho thương mại"

Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne. Ảnh: Thanh Tuấn.

Ông Champagne cũng cho hay cuộc thảo luận của các bộ trưởng thương mại TPP sáng nay đã đạt những tiến bộ nhất định, trong đó các quốc gia cam kết với sự mở cửa, tự do thương mại và các nguyên tắc thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các bộ trưởng cũng khẳng định cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 7.

Sáng nay tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay đã chủ trì buổi làm việc với 11 nước thành viên để thảo luận về tương lai của hiệp định TPP.

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay bộ trưởng thương mại các nước đã thống nhất về hướng đi, nhưng chưa đưa ra được thời điểm TPP đi vào hiệu lực.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010 và ký kết đầu năm 2016, gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam.

Với quy mô chiếm tới 40% GDP toàn cầu, TPP từng là trụ cột của chính sách "tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ và 11 nước châu Á - Thái Bình Dương đã bỏ ra rất nhiều thời gian và nguồn lực chính trị để đàm phán hiệp định này.

Đầu năm 2017, sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống, Mỹ rút khỏi TPP, gây cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực.

Thanh Tuấn - Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dam-phan-tpp-con-nhieu-khac-biet-giua-cac-thanh-vien-post748181.html