Đám cháy phát ra từ nơi thờ cúng của gia đình

Hai ngày qua, không khí tang thương bao trùm Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9). Nhiều đồng nghiệp, bạn bè khi đến viếng Đại tá Đoái Phước Triều cùng vợ và con gái đã không kềm được nước mắt chứng kiến cảnh người nhà nạn nhân vật vã trước ba quan tài cạnh nhau. Nhiều người xúc động, bùi ngùi, rơi nước mắt bên cuốn sổ ghi tang...

Người còn sống duy nhất trong gia đình là anh Đoái Phước Mến, con trai lớn của Đại tá Đoái Phước Triều hiện đang công tác tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Cần Thơ.

Anh Đoái Phước Mến đau khổ khi mất cả cha, mẹ và em gái.

Khi nhà xảy ra hỏa hoạn, anh Mến đang ở bên ngoài. Khi hay tin, anh Mến chạy về nhưng không kịp nữa, lúc này căn nhà đã bị ngọn lửa bao trùm. “Lửa khói ngùn ngụt, mọi người hốt hoảng, nhà không có lối thoát phía sau. Ai cũng rối hết nên tìm cách thoát thân. Cha mẹ và em gái của em có lẽ cũng vậy nhưng không thể xuống dưới đất ra bằng cửa trước được vì lửa khói nhiều quá nên phải chạy ngược lên trên lầu. Khói lửa tấn công, lúc đó cuống cuồng nên không làm được gì, chỉ còn cách lùi vào khu vực nhà vệ sinh trú ẩn và tử nạn tại đó” - anh Mến nghẹn ngào. Được biết, Đại tá Đoái Phước Triều và vợ vừa về hưu. Còn chị Đào cũng vừa được vào biên chế chính thức của Công an TP Cần Thơ, chưa kịp lập gia đình thì tai họa ập đến bất ngờ.

Liên quan đến vụ hỏa hoạn, chiều 7/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết, đang tiến hành trưng cầu giám định các mẫu thu được tại hiện trường nhằm xác định nguyên nhân cuối cùng gây ra vụ cháy. Bước đầu, vụ cháy được xác định là do chập điện và nguyên nhân gây ra cái chết của 3 nạn nhân là do ngạt khí CO2. Quá trình xem lại hình ảnh của camera bảo vệ thu giữ tại hiện trường cho thấy, ngọn lửa được phát ra lúc hơn 1h ngày 6/7 từ nơi thờ cúng của gia đình ngay cạnh cầu thang. Do tia lửa từ bóng đèn bị chập điện phóng ra khoảng 4 phút sau thì gây ra đám cháy. Theo quy định, việc xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy phải được xác định qua kết quả giám định của các cơ quan chức năng, khi có kết luận chính thức nếu không phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ sang lực lượng PCCC để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Đồng nghiệp, bạn bè đến viếng và chia buồn với gia đình.

Đại tá Đại tá Huỳnh Thới An, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Cần Thơ cho biết, vụ cháy tại cửa hàng giày dép MT là vụ cháy nghiêm trọng nhất trên địa bàn quận Ninh Kiều từ ngày Sở Cảnh sát PCCC được thành lập đến nay. Từ khi nhận được tin báo, chỉ 5 phút là lực lượng chữa cháy đã có mặt tại hiện trường. Khi phát hiện có một nữ nhân viên cửa hàng đang đu trên ngọn cây xanh trước căn nhà xảy ra vụ cháy, lực lượng đã đưa thang cứu hộ, giải thoát cô gái xuống đất an toàn. Nhiều vòi rồng cũng được triển khai, tiếp cận khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, căn nhà xảy ra hỏa hoạn nằm giữa 2 tòa nhà cao tầng và chỉ có một lối vào duy nhất với 2 hệ thống cửa cuốn kiên cố. Lực lượng phải triển khai nhiều vòng rồng được triển khai tiếp cận từ toàn nhà 2 bên và tiến hành phá cửa cuốn, đưa vòi rồng vào bên trong. “Có thể trong quá trình xảy ra hỏa hoạn, gia đình không kịp thoát ra ngoài. Trong khi đó, trong nhà toàn những vật dụng dễ cháy như giày dép, chất nhựa nên khói rất nhiều, chủ yếu khói độc. Đến khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội thì sự việc đã muộn” - Đại tá Huỳnh Thới An cho hay.

Đại tá Huỳnh Thới An khuyến cáo, các hộ kinh doanh không nên để hàng hóa gần nơi phát nhiệt, gắn hệ thống báo cháy tự động, gần nơi ngủ phải có các bình chữa cháy. Đối với các công trình xây dựng trong khu dân cư đông người, cần có lối thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp. Đối với hệ thống cửa cuốn, tùy theo thiết kế quá trình xây dựng người dân cần có thiết kế hợp lý, có hệ thống riêng trong các trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ, hỏa hoạn, mất điện không thể vận hành hệ thống cửa cuốn.

Trước đó, khi xảy ra vụ cháy ở huyện Cờ Đỏ, làm 4 người chết trong căn nhà tiền chế, với 2 lớp cửa cuốn và cửa kéo bằng sắt, Sở Cảnh sát cũng đã khuyến cáo người dân nên trang bị các dụng cụ phá tường, trong trường hợp khẩn cấp có thể đập sang tường nhà kế bên thoát ra ngoài an toàn. Đối với các công trình dân sự không có thiết kế, người dân tự cơi nới tận dụng hết diện tích và không có lối thoát hiểm nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong khu vực đông dân cư. Hầu như, khoảng cách nhà của người dân không có lối thoát hiểm vì họ đã tận dụng hết diện tích. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn chủ quan chưa chú trọng đến công tác an toàn PCCC. Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan, hiện nay lực lượng, phương tiện PCCC dù đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được công tác PCCC hiện nay

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/7/236870.cand