Đạm Cà Mau mở rộng thị trường tiêu thụ

Sau 5 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – thương hiệu Đạm Cà Mau) liên tục duy trì năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm có chất lượng cao cho thị trường các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và thị trường Cam-pu-chia. Tổng Giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến cho biết: “Căn cứ vào năng lực sản xuất của Nhà máy và nhu cầu tiêu thụ ở các khu vực gắn với bối cảnh thị trường, PVCFC đã xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh hợp lý trong từng thời kỳ ở các thị trường, khu vực trong nước và quốc tế”.

Sản phẩm gắn với thị trường

Với thị trường khá rộng có quy mô diện tích trồng trọt rộng lớn; địa hình chủ yếu là đồng bằng, khí hậu thuận lợi cho canh tác, phát triển nông nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu những mặt hàng nông sản có giá trị cao, Đạm Cà Mau có lợi thế lớn khi khoảng cách địa lý từ Nhà máy đến các vùng tiêu thụ trên khá gần so với các thị trường khác. Đồng thời, ba thị trường tiêu thụ này nhu cầu u-rê có quy mô lớn và sức tiêu thụ ổn định. Chính những thế mạnh này đã giúp PVCFC phát huy tối đa thế mạnh so với các nhà máy phân đạm khác, nhất là điều kiện địa lý, giảm chi phí vận chuyển và duy trì giá bán hợp lý cho nên được bà con nông dân tin dùng.

Theo thống kê, vùng Tây Nam Bộ với 4,1 triệu ha đất trồng lúa được coi là thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, nhu cầu u-rê hằng năm khoảng 800 nghìn tấn, chiếm một phần ba nhu cầu u-rê cả nước. Thị phần Đạm Cà Mau tại thị trường này liên tục được giữ vững và phát triển: năm 2012, thị phần đạt 30%, năm 2013 đạt 45% và đến nay đạt 55%. Nhà máy đã đồng hành cùng nông dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật bón phân. Kết quả thực tế từ những mô hình trình diễn đều cho kết quả tốt về năng suất cây trồng... Hiện tại, Đạm Cà Mau đang là lựa chọn hàng đầu cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, thị trường Đông Nam Bộ chủ yếu tập trung sản xuất, trồng trọt các loại cây công nghiệp như cà-phê, cao-su, hồ tiêu, điều nên nhu cầu tiêu thụ u-rê lớn, với mức tiêu thụ hằng năm khoảng 400 - 420 nghìn tấn, chiếm 25% nhu cầu u-rê cả nước. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh so với sản phẩm khác nhưng thị phần Đạm Cà Mau tại thị trường này được cải thiện hằng năm, theo đó, năm 2012, thị phần Đạm Cà Mau đạt 10%, năm 2013 đạt 19% và đến nay đạt 25%. Bên cạnh việc gia tăng thị phần trong nước, Đạm Cà Mau đẩy mạnh việc mở rộng sang thị trường nước bạn Cam-pu-chia.

Thị trường Cam-pu-chia nằm tiếp giáp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có tập quán canh tác chủ yếu sử dụng u-rê hạt đục (tỷ lệ đạt 95%) là thị trường quan trọng của PVCFC với nhu cầu tiêu thụ u-rê tăng hằng năm. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ u-rê của Cam-pu-chia đạt 250 nghìn tấn, trong đó nhu cầu u-rê hạt đục là 90%. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới nhu cầu sử dụng u-rê sẽ tăng mạnh ở Cam-pu-chia do chủ trương tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mở rộng diện tích đất canh tác, trồng trọt, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác của người dân Cam-pu-chia.

Nghiên cứu nhiều sản phẩm mới

Hiện nay, nhằm bảo đảm phát triển hệ thống phân phối bền vững tại Cam-pu-chia, Đạm Cà Mau đang triển khai một loạt giải pháp cơ bản như rà soát, đánh giá lại hệ thống phân phối; bổ sung thêm bạn hàng, đối tác mới vào kênh phân phối hiện có; thay đổi thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; hoàn thiện nội dung, thông điệp truyền thông bằng tiếng Khmer phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của người dân Cam-pu-chia; triển khai các hoạt động quảng cáo, truyền thông, tiếp thị trực tiếp tới người nông dân nhằm nâng cao hơn nữa hình ảnh, thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm theo cam kết của Đạm Cà Mau với khách hàng.

Về chiến lược lâu dài, PVCFC sẽ tổ chức kinh doanh, phát triển thương hiệu Đạm Cà Mau trở thành một trong những thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và khu vực Đông-Nam Á từ năm 2015. Trong đó, việc xây dựng kênh phân phối hiệu quả, phát triển ra hầu hết các địa phương trên toàn quốc cho sản phẩm Đạm Cà Mau (bao gồm cả sản phẩm mới) là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng được Ban lãnh đạo PVCFC đặc biệt quan tâm.

Đồng thời, PVCFC tổ chức tham gia tích cực vào các chuỗi liên kết hoạt động kinh doanh khép kín từ khâu giống - phân bón - chế biến - dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị dịch vụ và vị thế của công ty. Ban lãnh đạo PVCFC không ngừng trăn trở để cải thiện vị thế của công ty trên thị trường, tiếp tục đầu tư nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm mới như DAP trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy Đạm Cà Mau, ka-li cho bà con nông dân đem lại sự phát triển cho các loại cây trồng, sẽ khẳng định thêm thương hiệu của PVCFC bên cạnh dòng sản phẩm u-rê hạt đục được bà con nông dân tin dùng. Cùng với giải pháp tăng công suất, Đạm Cà Mau đẩy mạnh kinh doanh và phân phối các sản phẩm phân bón khác như DAP, ka-li để tối ưu hóa khả năng sinh lời, nâng cao giá trị gia tăng.

Lần thứ hai được công nhận sản phẩm thương hiệu quốc gia được công ty xem là phần thưởng cao quý của Nhà nước ghi nhận nỗ lực trong hành trình mang đến những sản phẩm phân bón chất lượng. Nhưng mục tiêu trên hết mà Đạm Cà Mau muốn hướng tới là niềm vui của bà con sau những vụ mùa thắng lợi.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31259902-dam-ca-mau-mo-rong-thi-truong-tieu-thu.html