Đạm Cà Mau góp phần tạo môi trường phân bón lành mạnh

Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau với thương hiệu Đạm Cà Mau (ĐCM) đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường.

Đây chính là nỗ lực của Đạm Cà Mau trong việc góp phần xây dựng một thị trường phân bón lành mạnh, đẩy lùi những sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất phân bón sử dụng công nghệ thô sơ, đưa ra thị trường sản phẩm phân bón kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của nông dân cũng như những tác hại to lớn đến môi trường và sức khỏe con người.

Định hướng được việc áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ đem lại năng suất cao, chất lượng tốt cho ngành nông nghiệp mà còn bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ môi trường do các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, Đạm Cà Mau đã sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại hàng đầu của Nhật Bản và châu Âu.

Đó là công nghệ bản quyền tổng hợp amoniac, công nghệ bản quyền tổng hợp urê, công nghệ bản quyền vê viên tạo hạt. Các công nghệ này tạo thành hệ thống sản xuất theo dây chuyền tự động hóa, bao gồm 3 phân xưởng chính là phân xưởng amoniac (với công nghệ của hãng Haldor Topsoe, Đan Mạch); phân xưởng urê (với công nghệ của hãng Saipem, bản quyền gốc của hãng Snam Progeti, Italy); phân xưởng tạo hạt bằng công nghệ tạo hạt (hãng Toyo, Nhật Bản).

Các tiêu chuẩn về môi trường của hệ thống công nghệ nói trên là các tiêu chuẩn quốc tế ASME, API, JIS… và bảo đảm tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ của Việt Nam. Các công nghệ này có thể sản xuất phân urê chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và khu vực...

Đến thời điểm này, Đạm Cà Mau đã hoàn thành kế hoạch bảo dưỡng năm 2016 và nhà máy vận hành an toàn, công suất trung bình đạt 101,07%, bảo đảm chất lượng sản phẩm và góp phần xây dựng thị trường phân bón lành mạnh.

Hiện nay, Công ty là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất loại phân đạm hạt đục, hạt to nên khi bón cho cây trồng có độ phân giải chậm, giúp cây trồng hấp thu hết dinh dưỡng, ra nhiều hoa trái và cỡ hạt đồng đều, đồng thời tiết kiệm từ 8-10% lượng phân so với các loại phân đạm khác.

Do vậy, đơn vị đã góp phần tiết kiệm rất nhiều chi phí nhập khẩu phân bón, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân...

Sản phẩm thân thiện môi trường

Trên nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ kỹ sư, các nhà khoa học của Công ty đã nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là phân hữu cơ, N.HUMATE+TE.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau cho biết sản xuất phân hữu cơ, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người đang là một yêu cầu bức thiết của xã hội hiện nay. Là một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón hàng đầu trong nước, từ năm 2014, Công ty đã tập trung kinh phí và nhân lực để nghiên cứu sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, dòng phân bón hữu cơ mang tên N.HUMATE+TE.

Sau thử nghiệm trên cây trồng vùng đất Tây Nguyên, N.HUMATE+TE đã cho thấy lợi thế vượt trội như acid humic hữu cơ trong đạm đen đã được đưa vào phân bón N.HUMATE+TE có tác dụng khử kim loại nặng và độc tố trong đất; làm cho đất màu mỡ, kích thích bộ rễ phát triển. Thành phần này cũng là kho dự trữ, liên kết giữ lại lượng đạm để phóng thích từ từ cho cây trồng, giúp cây trồng sinh trưởng mạnh, bổ sung các dinh dưỡng đặc biệt, làm tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Hiện nay hơn 500 tấn N.HUMATE+TE đã được nông dân đón nhận và sử dụng.

Để đưa sản phẩm này phát triển rộng rãi trên thị trường khắp cả nước, Đạm Cà Mau đã xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Hiện công trình đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài ra, Công ty đang xây dựng và hoàn thiện bộ định mức sản xuất sản phẩm N.HUMATE + TE để áp dụng và kiểm soát tiêu hao hiệu quả.

Với những lợi thế về công nghệ hiện đại, sản xuất phân bón chất lượng, Đạm Cà Mau đã có được thị phần đáng kể với 55% ở thị trường ĐBSCL, 25% tại miền Đông Nam Bộ và 35% thị trường phân đạm của Campuchia. Đặc biệt, sản phẩm NPK của Công ty chiếm thị phần trên 70% trong nước.

Từ nay đến cuối năm 2016, ĐCM sẽ phấn đấu tiêu thụ 786.000 tấn urê, tổng doanh thu ước đạt 5.845 tỉ đồng.

Thanh Thủy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/dam-ca-mau-gop-phan-tao-moi-truong-phan-bon-lanh-manh/289690.vgp