Đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong thực tiễn

(BVPL) - Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có sự phân biệt giữa quyền con người với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bổ sung thêm nhiều quyền cụ thể của con người (16 quyền) và lồng ghép với quyền và nghĩa vụ của công dân thành một chương: Chương II với tiêu đề “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với các quy định bảo vệ các quyền bằng luật của Quốc hội. Đây là điểm mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm hướng tới việc bảo đảm giá trị thực thi trực tiếp như các quy định của Hiến pháp các nước trên thế giới.

Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đặt ngay sau Chương I - “Chế độ chính trị”, đây cũng là điểm mới đã thể hiện rõ tầm quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Vấn đề này đã làm thay đổi nhận thức chưa đúng đắn từ trước đến nay của một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước là quyền con người đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ của công dân do Nhà nước xác lập.

Để đảm bảo cho các quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân có giá trị thực thi cao, đề nghị xem xét bỏ quy định tại khoản 2, Điều 18 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao nộp cho nước khác” với lý do sau: Hiện nay, nước ta đã ký kết hoặc tham gia các Công ước quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các Công ước này đều có quy định về trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc dẫn độ người đã thực hiện hành vi phạm tội ở nước khác nhưng đang có mặt tại lãnh thổ nước mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, tức là đảm bảo quyền tài phán theo lãnh thổ. Do đó, để quy định này trong Hiến pháp là không cần thiết dẫn đến việc xung đột pháp luật trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm.

Trên thực tế hiện nay, một số công dân Việt Nam vì lý do khác nhau mà họ có quốc tịch nước ngoài và đang làm ăn sinh sống, có gia đình vợ, con, tài sản ở nước ngoài nhưng họ phạm tội ở nước ngoài rồi trốn về Việt Nam, phía nước ngoài có văn bản yêu cầu dẫn độ người phạm tội đó để giao nộp cho nước họ phục vụ cho công tác điều tra xử lý thì giải quyết vấn đề này như thế nào?. Mặc dù Công ước quốc tế không quy định chế tài đối với các nước khi không thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng nếu không thực hiện thì sẽ phá vỡ hoặc ảnh hưởng đến quan hệ về kinh tế, về ngoại giao. Mặc khác, trong số những công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài không loại trừ họ có thể phạm tội ác chiến tranh, phạm tội khủng bố nhưng bỏ trốn về Việt Nam. Nếu bị Tòa án quốc tế ra lệnh bắt giữ thì việc quy định như khoản 2 – Điều 18 dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực thi lệnh bắt giữ…

Thứ hai, việc giới hạn các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp là cần thiết và phù hợp với pháp luật quốc tế. Hiến pháp các nước cũng đều có quy định này. Tuy nhiên, tại khoản 2 – Điều 15 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Theo chúng tôi, cần sửa đổi bổ sung khoản 2 – Điều 15 theo hướng: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp Chủ tịch nước tuyên bố tình trạng chiến tranh, công bố tình trạng khẩn cấp”.

Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung quy định quyền bầu cử của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện để họ tham gia thực hiện các quyền cơ bản của công dân với lý do số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài ngày càng nhiều và họ đều có nguyện vọng đóng góp cho quê hương, đất nước.

Thứ tư, ghi nhận quyền con người, quyền công dân tại Chương II – Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là điểm mới mang tính tiến bộ nhưng quan trọng hơn là sự đảm bảo thực hiện các quyền đó trong thực tiễn. Do đó, đòi hỏi tất cả các quy định về bảo vệ quyền con người, quyền công dân phải được đảm bảo bằng luật do Quốc hội ban hành… Đây là cơ chế đảm bảo cao nhất và có tính thống nhất, không nên quy định đảm bảo bằng pháp luật dẫn đến tình trạng các cơ quan khác tùy tiện ban hành các văn bản pháp luật làm hạn chế quyền thực hiện các quyền trên thực tế. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các cụm từ “do pháp luật” hoặc “theo quy định pháp luật” tại các Điều 23, 24, 25, 26, 30, 32, thay thế bằng cụm từ “do luật định” hoặc “theo quy định của luật”.

Phi Sơn (lược ghi)

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/ong-kinh-kiem-sat/chan-dung-cong-to-vien/201304/dam-bao-thuc-hien-cac-quyen-con-nguoi-quyen-va-nghia-vu-co-ban-cua-cong-dan-trong-thuc-tien-2231375/