Đảm bảo an toàn hoạt động tình nguyện ở vùng có địa hình hiểm trở

Tìm hiểu kỹ nơi sẽ diễn ra các hoạt động tình nguyện, trang bị kiến thức nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người chính là hành trang quan trọng của những tình nguyện viên.

Sinh viên tình nguyện lát nền nhà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sinh viên tình nguyện lát nền nhà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Mùa Hè là mùa cao điểm của những hoạt động thanh niên tình nguyện. Trên nhiều nẻo đường của cả nước, các đoàn viên thanh niên khoác trên mình chiếc áo màu xanh đã và đang xông pha trên các mặt trận vì an sinh xã hội, giải quyết các việc cần, việc khó cho người dân.

Để tổ chức hoạt động tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa có địa hình hiểm trở... thì việc tìm hiểu kỹ nơi sẽ diễn ra các hoạt động tình nguyện, trang bị kiến thức nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người chính là hành trang quan trọng của những tình nguyện viên.

Tìm hiểu kỹ về điểm đến

Thông thường, hoạt động tình nguyện của sinh viên diễn ra nhiều vào khoảng tháng 7, 8 đúng vào mùa mưa lũ. Lào Cai lại là địa bàn có địa hình chia cắt, hiểm trở với nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa. Do đó, đối với các đoàn viên thanh niên tình nguyện còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng thoát hiểm thì đây là một thách thức không nhỏ nếu không có sự chuẩn bị tốt về con người, phương tiện và kiến thức về văn hóa địa lý nơi mình chuẩn bị đặt chân đến.

Gần 6 năm công tác hoạt động thiện nguyện, anh Đặng Lê Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Hope tại Lào Cai chia sẻ: "Là người đứng đầu một câu lạc bộ hoạt động tại Lào Cai, trước mỗi chương trình, chúng tôi thường liên hệ với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát địa hình, nắm bắt đặc điểm nơi đến sát sao, cụ thể. Quá trình tiền trạm phải có sự kết hợp với người địa phương, bởi vì họ là những người nắm rõ nhất được lợi thế, địa hình hiểm trở, mức độ nguy hiểm khi mưa bão xảy ra. An toàn tính mạng của tình nguyện viên được đặt lên hàng đầu, nếu địa hình không đảm bảo tuyệt đối chúng tôi không hoạt động tại nơi đó mà chọn một địa điểm khác an toàn hơn."

Đồng thời, trong quá trình hoạt động người trưởng đoàn phải nắm bắt, tìm hiểu kỹ về địa phương, cùng người dân hoạt động chia sẻ những kinh nghiệm như nhận thấy dấu hiệu lũ quét tràn về dòng sông đục, nhìn thấy nhiều rác và lá cũ; sử dụng lá rừng để chữa vết thương...

Cùng chung quan điểm đó, theo Đại úy Giàng Seo Chính, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Lào Cai, để chuẩn bị cho một chương trình tình nguyện tại địa phương an toàn, người đứng đầu tổ chức đó phải chu đáo từ khâu khảo sát địa bàn nơi đến, hành trình cụ thể của tình nguyện viên, kết hợp với những thông tin cập nhật về thời tiết. Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa thanh niên tình nguyện và các đoàn viên, thanh niên địa phương để hạn chế tối đa tai nạn xảy ra trong quá trình hoạt động.

Những năm qua, hoạt động tình nguyện tại Lào Cai ngày càng được mở rộng, số lượng sinh viên trong và ngoài nước tham gia đông đảo. Mới đây nhất, ngày 6/7, 13 sinh viên Trường Đại học Chungbuk (Hàn Quốc) đã có buổi tình nguyện hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn tại xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai).

Những kết quả đã đạt được trong chiến dịch tình nguyện hè những năm qua trong toàn tỉnh đã được các các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao. Vì vậy, công tác tập huấn kỹ năng cho thanh niên tham gia tình nguyện tổ chức trước khi lên đường là điều cần thiết, nhất là kỹ năng sinh tồn để bảo vệ mình. Song song với đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tình nguyện viên, Lào Cai đã tăng cường nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho các đội hình thanh niên sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2016.

Phối hợp chặt chẽ với địa phương

Theo anh Hoàng Quốc Bảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, ngay sau khi có công văn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc tăng cường đảm bảo an toàn cho các đội hình thực hiện chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai yêu cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc trên địa bàn nhanh chóng rà soát các hoạt động tình nguyện (bao gồm các đội tình nguyện tự phát) tại địa phương, qua đó, nắm rõ số lượng, thành phần, thời gian, địa bàn, nội dung và phương thức hoạt động của các đội hình.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai chỉ đạo Đoàn thanh niên địa phương phối hợp với các tổ chức Đoàn nơi cử các đội hình đi tình nguyện, giữ mối liên hệ chặt chẽ với người phụ trách, quán triệt các tình nguyện viên nêu cao ý thức chấp hành kỷ luật trong quá trình tình nguyện, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho các đội hình tình nguyện như: không sinh hoạt ở các địa hình nguy hiểm (sông, suối, ao, hồ, vách núi,…) và quán triệt không tổ chức các hoạt động trong thời tiết xấu, địa bàn có nguy cơ cao về mưa giông, lũ quét.

Bát Xát là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, đã và đang được nhiều đoàn tình nguyện lên hoạt động thiện nguyện tại Lào Cai. Trong thời gian đầu tháng 7, huyện đón hai đội tình nguyện tham gia chiến dịch mùa Hè xanh của Trường Đại học Ngoại thương và Đoàn thanh niên Công an tỉnh Lào Cai với số lượng gần 90 tình nguyện viên giúp nhân dân hai xã Nậm Pung, Bản Xèo tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường...

Các sinh viên tình nguyện tham gia bêtông hóa tuyến đường nông thôn. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Bí thư Huyện đoàn Bát Xát Vương Mạnh Phú cho biết: “Đặc điểm địa hình Bát Xát là đồi núi hiểm trở, vô cùng phức tạp. Do đó, để đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên hoạt động trên địa bàn, huyện đoàn Bát Xát đã chú trọng công tác phối kết hợp chặt chẽ với đoàn tình nguyện; huy động nguồn lực hỗ trợ về cơ sở vật chất, dụng cụ bảo hộ và khơi dậy sức dân cùng sinh viên thực hiện các hoạt động, phong trào hiệu quả, an toàn và thiết thực trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện."

Tại tỉnh Lào Cai, mỗi đoàn tình nguyện trong quá trình hoạt động đều được Huyện đoàn cử cán bộ hỗ trợ về chỗ ăn, ở, đi lại, xây dựng phương án đề phòng khi có sự cố xảy ra, thường xuyên xuống nơi đoàn tình nguyện triển khai công việc, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ và hoạt động chung tạo sự gắn kết giữa các tình nguyện viên, bà con nhân dân, chính quyền địa phương.

Nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa các đoàn thanh niên tình nguyện với đoàn thanh niên và các cấp chính quyền ở địa phương nên công tác tình nguyện trong những năm qua đạt nhiều kết quả tốt, đảm bảo được an toàn cho hoạt động tình nguyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.

Hương Thu-Cao Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dam-bao-an-toan-hoat-dong-tinh-nguyen-o-vung-hiem-tro/396434.vnp