Đăk Lăk: Xem xét lại 2 bản án hộ gia đình ông Quế khiếu nại

2 cấp tòa xét xử không dựa vào các chứng cứ, các Quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk để đưa ra một quyết định “thuyết phục” mà dựa trên ý chủ quan của thẩm phán và lời khai của ông giám đốc.

Như báo Kinh doanh & Pháp luật đã phản ánh: Tại bản án phúc thẩm số: 07/2016/DS-ST ngày 11/01/2016, Quyết định: Chấm dứt hợp đồng thuê khoán giữa Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10 và hộ ông Nguyễn Đức Quế. Buộc bị đơn ông Nguyễn Đức Quế và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị Thuận phải trả cho Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10 diện tích 4.457,6m 2 đất thuê khoán mà trên thực tế hộ ông Quế đang sử dụng thuộc thửa đất 236, 236a, tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại thôn Tân Đông, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc và toàn bộ vườn cây có trên hai thửa đất này.

Buộc bị đơn ông Nguyễn Đức Quế và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị Thuận phải trả cho Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10 diện tích 291,7m 2 đất thuộc mương nước của Công ty và 1.391m 2 diện tích đất thuộc đường bờ lô của Công ty mà hộ ông Quế đã lấn chiếm. Toàn bộ diện tích đất này nằm trong tổng diện tích 10.737,992m 2 đất đã được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp cho Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10 theo giấy CNQSD đất số: K239922 ngày 21-06-1997.

Trong lá đơn khiếu nại của ông Quế thì đây là một Quyết định “sai”, bởi diện tích 4.700m 2 trồng cà phê trước đây đã được Nông trường cà phê tháng 10 bán cho hộ ông Quế mà trước Tòa ông Trần Ngọc Phước đã thừa nhận Công ty giao cho bên ông Quế vườn cà phê trồng năm 1990-1991 với diện tích 4.700m 2 , diện tích đất thổ cư là 200m 2 (giá bán vườn cây 2.523,200đồng, tiền đất thổ cư là 3.000.000đồng). Bên ông Quế sử dụng vườn cây trong thời hạn 30 năm, được quyền chăm sóc, thu hoạch và hằng năm phải nộp thuế nông nghiệp, thủy lợi phí và quản lý phí cho Nông trường.

Việc thừa nhận của ông Phước như trên thì diện tích đất vườn cây của ông Quế phải là 4.700m 2 , diện tích đất thổ cư 200m 2 có phải tổng diện tích của hộ ông Quế không phải chỉ có 4.700m 2 mà phải là 4.900m 2 cộng cả đất thổ cư. Vì Nông trường bán vườn cây 2.523,200 đồng nằm trong diện tích đất 4.700m 2 , còn đất thổ cư riêng. Về việc này thể hiện trên bản hợp đồng kinh tế ngày 20/8/1993.

Sản lượng phải đóng hàng năm từ vụ 1997-1998 đến 2003-2004, Nông trường đều thu sản lượng trên diện tích 4.700m 2 hộ ông Quế hằng năm phải đóng 22%. Mức đóng sản lượng từ 898,8kg lên 1.444,9kg, không giảm một khoản nào. Trong lúc đó, khoản thu thủy lợi phí, do Nông trường bỏ không cung cấp nước tưới cho bà con từ năm 1995, nhưng Nông trường hằng năm vẫn thu khoản này của bà con.

Năm 2011 Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10, ban hành phụ lục hợp đồng, không dựa vào các khoản đã trừ như thuế nông nghiệp được miễn giảm, tiền thủy lợi phí hộ ông Quế và 24 hộ dân không phải nộp, hằng năm vẫn thu của bà con 400kg/ha cà phê nhân xô. Hộ ông Quế thấy bất hợp lý không ký phụ lục hợp đồng là đúng.

Khi xét xử Tòa 2 cấp đã không dựa vào sai phạm của Công ty để giải quyết vụ việc mà chỉ dựa trên lời khai của ông Phước, buộc hộ ông Quế phải trả lại diện tích đất và vườn cây cho Công ty. Trong lúc đó theo hợp đồng kinh tế ngày 20-8-1993 đến năm 2023 mới hết một chu kỳ.

Như vậy, Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10 đang vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết. Nếu Công ty thanh lý hợp đồng trước thời hạn thì Tòa 2 cấp phải buộc Công ty bồi thường cho hộ ông Quế không phải tính cây trên đất, mà phải tính sản lượng thu hoạch vườn cây hằng năm để đền bù, theo phụ lục hợp đồng ngày 20-4-2004, sản lượng nộp theo định mức 400kg cà phê nhân xô/ha.

Tính theo giá bình quân 300.000đ/kg thì 400kg quy ra tiền 120 triệu đồng một năm nhân với 8 năm còn lại thành 960 triệu, hộ ông Quế có diện tích 4.500m 2 sẽ được đền bù hơn 400 triệu và Tòa phải “buộc” Công ty thàng 10 đền bù cho hộ ông Quế khoản tiền không phải nộp thủy lợi phí 4% và 200m 2 đất thổ cư phải đóng sản lượng từ 1993-2003.

Theo Nghị Định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014, xác định tài sản trên đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật về thẩm định giá tại thời điểm nhận giao, thuê để thu hồi phần vốn của nhà nước hoặc người đã đầu tư. Người nhận chuyển nhượng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) phải trả tiền trong thời gian 1 (một) năm kể từ thời điểm nhận chuyển nhượng, đối với các đối tượng là hộ nghèo theo quy định của pháp luật được xem xét miễn, giảm theo phần vốn của Nhà nước còn lại.

Phần diện tích thửa đất 236 và 236a mà ông Phước cho rằng hộ ông Quế lấn chiếm với diện tích 291,7m 2 đất thuộc mương nước và diện tích 1.391m 2 đất thuộc đường bờ lô là đất của Công ty thì theo Nghị Định số: 118 của Chính phủ, các Công ty nông, lâm nghiệp thực hiện việc rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất, diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất không sử dụng, diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, bị lấn, bị chiếm, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và đang có tranh chấp, chuyển nhượng trái phép thì thu hồi, chuyển giao địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương, chỉ đạo thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất theo phương án được duyệt.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đăk Lăk “Đối với diện tích đã được các Nông, Lâm trường giao cho các hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở ổn định từ trước ngày 15-10-1993, hoặc đã giao đất sản xuất nông nghiệp dưới các hình thức hợp đồng giao khoán, liên doanh, liên kết…các địa phương không thực hiện bố trí lại mà giữ nguyên hiện trạng và lập thủ tục hợp thức hóa, cấp giấy CNQSD đất”.

Còn theo các quy định của Đảng và Nhà nước là như vậy, nhưng khi Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10, đang đơn phương vi phạm hợp đồng còn khởi kiện hộ ông Nguyễn Đức Quế ra Tòa và được 2 cấp tòa xét xử không dựa vào các chứng cứ, quy định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 và các Quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk để đưa ra một quyết định “thuyết phục” mà dựa trên ý chủ quan của thẩm phán và lời khai trái quy định của ông giám đốc Trần Ngọc Phước là vi phạm luật tố tụng.

Đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao, Tòa án Nhân dân cấp cao Đà Nẵng phải xem xét lại 2 bản án đã được hộ gia đình ông Quế khiếu nại để đưa ra một bản án “thấu tình đạt lý” đúng quy định.

HỒ VĂN TRINH/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dak-lak-xem-xet-lai-2-ban-an-ho-gia-dinh-ong-que-khieu-nai-p41890.html