Đắk Lắk - Vùng đất di sản làm say lòng người

Đắk Lắk không chỉ níu chân du khách bởi vẻ đẹp của núi đồi trùng điệp, đại ngàn xanh thẳm kỳ bí, những hồ nước, thác nước tuyệt đẹp... Thủ phủ cà phê này còn là vùng đất du lịch nổi tiếng về di sản và những lễ hội.

Đắk Lắk không chỉ níu chân du khách bởi vẻ đẹp của núi đồi trùng điệp, đại ngàn xanh thẳm kỳ bí, những hồ nước, thác nước tuyệt đẹp... Thủ phủ cà phê này còn là vùng đất du lịch nổi tiếng về di sản và những lễ hội.

Nói đến Đắk Lắk, du khách sẽ nghĩ ngay đến buôn Đôn, Krông Kmar, Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô... Rừng nguyên sinh của Đắk Lắk có hệ sinh thái đa dạng với khoảng 3.000 loại thực vật, gần 100 loài thú và 200 loài chim thuộc loại quý hiếm, trong đó có những loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Địa danh du lịch buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng đứng đầu Đông Nam Á. Nhiều hồ lớn như hồ Lắk, Ea Súp Thượng... rất phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động du lịch.

Đắk Lắk gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi những sắc màu văn hóa độc đáo, những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã…, những sản phẩm làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc...), âm thanh vang vọng của các loại cồng chiêng, đàn đá, những lời ca, điệu múa của cộng đồng 44 dân tộc anh em. Đặc biệt là các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội cồng chiêng, Lễ hội voi, Lễ ăn trâu; các di tích lịch sử như Đình Lạc Giao - nơi ghi dấu ấn của những người đầu tiên khai thiên lập địa trên mảnh đất cao nguyên, Biệt điện Bảo Đại, di tích tháp Chăm Yang Prông, hang đá Đắk Tuar, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng tỉnh... là những điểm đến có sức hút với nhiều du khách.

Nói đến vùng đất này không thể không nhắc đến cà phê. Cà phê du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 19 và được phổ biến nhân rộng vào nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay. Cà phê Việt Nam phát triển mạnh nhất ở vùng Tây Nguyên. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự cần mẫn chăm trồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà trong suốt quá trình lịch sử hình thành, mở rộng từ đồn điền CADA năm xưa đến những vùng thâm canh rộng lớn ngày nay đã làm rạng danh một mặt hàng nông sản của Việt Nam trên toàn thế giới: “Cà phê Buôn Ma Thuột”.

Chẳng biết từ bao giờ, cà phê không chỉ là sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên này. Nét văn hóa ấy đã được Chính phủ công nhận mang tầm vóc quốc gia thông qua Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2005. Văn hóa cà phê đã in sâu vào cuộc sống người dân nhiều năm nay qua hàng trăm quán cà phê đủ thể loại và phong cách rải rác khắp phố núi bé nhỏ. Từ những làng cà phê được đầu tư xây dựng hoành tráng với diện tích khủng đến những quán cà phê quy mô vừa và nhỏ với nhiều phong cách kiến trúc độc lạ và không kém phần đẹp mắt mỗi nơi đều có nét hấp dẫn riêng thu hút người bản xứ và du khách.

Nhằm tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn nữa trong nhân dân và bạn bè quốc tế về đặc trưng văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”; đồng thời, tiếp tục phát triển sản phẩm cà phê Việt Nam, cà phê Tây Nguyên nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk nói riêng; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức các sự kiện: “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017”; Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4”, tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 8/3 - 13/3/2017 với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào ngày 10/3/2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” và Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào ngày 13/3/2017 với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại”. Trong khuôn khổ của Lễ hội, các chương trình đặc sắc sẽ được chuẩn bị công phu nhằm mang đến cho người tham dự cơ hội thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột và tận hưởng trải nghiệm văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Lễ hội lần này có nhiều nội dung phong phú, đa dạng với 03 chương trình lớn gồm: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6; Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4. Trong đó, Lễ hội Cà phê lần thứ 6 gồm có các chương trình: Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê; Lễ hội đường phố; Chung kết Hội thi “Nhà nông đua tài”; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc…

Đặc biệt, Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng năm 2017 có chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập” với 5 nội dung: Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; hội thi “Tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên”; triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” và “Hành trình di sản”.

Các chương trình của Lễ hội hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Buôn Ma Thuột, về bản sắc của không gian văn hóa cồng chiêng với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ nhân cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên và nhiều đoàn nghệ thuật trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó, thời gian diễn ra Lễ hội cũng là dịp để các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng và đang trên đà phát triển nói chung cũng như Đắk Lắk nói riêng./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=34492