Đắk Lắk ưu tiên nội lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh Đắk Lắk ưu tiên phát triển nội lực và khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp mới, hoặc sự liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp tỉnh ngoài để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk.

Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk.

Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích đất tự nhiên đứng thứ 4 toàn quốc. Địa phương này nằm ở trung tâm Tây Nguyên, trong khu vực quan trọng cho phát triển tam giác ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Diện tích đất nông nghiệp của Đắk Lắk là 1,2 triệu ha, chiếm 88,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp (cao su, hồ tiêu, cà phê) và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bơ, sầu riêng…

Để phát huy triệt để nội lực vốn có và tranh thủ những thế mạnh trong kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk đã chủ động cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, các chính sách liên quan về giá đất, giải phóng mặt bằng. Sở cũng chủ động đề xuất UBND tỉnh xử lý những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, đất đai.

Theo ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, thế mạnh đầu tư lớn nhất của Đắk Lắk là một số sản phẩm phát triển trên đất bazan, chăn nuôi đại gia súc và nông lâm kết hợp. Tỉnh rất cần các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và đây được xác định là thế mạnh lâu dài của kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư vào Đắk Lắk còn nhiều khó khăn, trong đó việc tiếp cận tài nguyên đất là một yêu tố cần phải được giải quyết một cách nhanh chóng, triệt để. “Đây là một khó khăn khách quan, hiện quỹ đất sạch hầu như không còn, chỉ còn một diện tích nhỏ đất chưa sử dụng nhưng không phù hợp cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ông Lam thẳng thắn chia sẻ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để có mặt bằng sạch, tạo thuận lợi trong kêu gọi đầu tư, Đắk Lắk cần bố trí lại diện tích đất, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân để họ bàn giao mặt bằng cho các dự án. Nguồn quỹ phát triển đất của tỉnh về nguyên tắc là có và được bố trí 30% tiền sử dụng đất, nhưng vẫn thấp và chưa đủ đáp ứng cho những công trình xây dựng cơ bản cần vốn ngân sách. Như vậy, phần lớn các doanh nghiệp muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao phải ứng vốn giải phóng mặt bằng.

Trước những khó khăn trên, với vai trò là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Lam cũng chỉ ra rằng, vấn đề chính là điều chỉnh lại Quy hoạch Sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua, trong đó có bố trí quỹ đất để làm nông nghiệp công nghệ cao và các dự án khác.

“Lâu nay, các doanh nghiệp địa phương cũng như doanh nghiệp nơi khác đến tỉnh đều không xác định được giá đất là bao nhiêu. Chúng tôi đề nghị, nếu diện tích nhỏ thì tỉnh quyết định, còn với diện tích đất có giá trên 10 tỷ đồng thì chúng tôi sẽ phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng giá đất và giá này sẽ ổn định trong suốt thời kỳ 5 năm”, ông Lam nói.

Theo ông Lam, Đắk Lắk có thể làm quy hoạch, xây dựng định hướng kêu gọi đầu tư riêng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, rồi mới kêu gọi các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đang sử dụng đất ở địa phương như Công ty Cao su Đắk Lắk, đầu tư vào. Tức là ưu tiên phát triển nội lực và khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp mới vào tỉnh, hoặc sự liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp tỉnh ngoài để cùng phát triển.

Đề xuất phương án với những dự án chậm tiến độ, ông Lam cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thanh tra những dự án chậm tiến độ và có biện pháp xử lý. “Từ năm 2015, Sở đã rà soát lại quy hoạch. Tính đến hết năm 2016, chúng tôi đã thu hồi 9 dự án chậm tiến độ với diện tích khoảng 3.700 ha. Thời điểm này, tỉnh chuẩn bị thu hồi tiếp trên 5.000 ha. Ngoài ra, UBND tỉnh đang chỉ đạo thanh tra các dự án đăng ký ở các khu công nghiệp trên địa bàn”, ông Lam nói.

Với những cách làm triệt để trong khắc phục tồn tại, khó khăn và những chính sách ưu tiên cho đầu tư nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, tin tưởng rằng, không xa nữa, Đắk Lắk sẽ sớm có môi trường đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước và trở thành trung tâm của Tây Nguyên.

Nguyễn Nam

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/dak-lak-uu-tien-noi-luc-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-d66996.html