Đăk Lăk: Bà con khóc cùng cây khoai lang

Tại nông trường cao su Cư Kpô, gần ngày thu hoạch, các chủ vườn khoai khóc ròng vì bị bọn xấu trộm cướp sản phẩm, gây thất thoát lớn, một số người đã phải "bỏ của chạy lấy người".

Biết Nông trường cao su Cư Kpô (đóng trên địa bàn xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk) cưa cắt hàng trăm hecta cây cao su già cỗi để tái canh, vùng đất rộng lớn đang bỏ trống, một số người dân ở các nơi khác tìm về đây mượn đất, tranh thủ trồng vụ khoai lang trong mùa mưa. Từ giữa năm 2016, nhiều người dân ở các huyện Krông Ana, Lắk, Ea H’leo, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) huyện Krông Nô (tỉnh Đăk Nông) và TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã đến mượn đất Nông trường Cư Kpô trồng trên 350 ha khoai lang Nhật Bản.

6 triệu đồng/ha là giá mượn đất người dân phải nộp cho doanh nghiệp. Chưa kể nhiều chi phí khác để nhận được đất trồng khoai lang đã làm tăng thêm số tiền đầu tư ban đầu. Tùy theo khả năng nguồn vốn của mình, người ít thì nhận đất trồng 5-7 ha, người nhiều nhất trồng trên 100 ha khoai lang.

Các anh Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Đình Minh xót xa nhìn những luống khoai vừa bị đào trộm.

Việc đầu tư vốn trồng khoai lang khá tốn kém. Dây giống khoai lang được mua từ cơ sở sản xuất giống theo công nghệ tiên tiến từ TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nguồn phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh và phân vô cơ tổng hợp cũng được mua từ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh ngoài đưa đến. Ngoài những loại vật tư phục vụ sản xuất, mỗi hộ dân đã phải chi trên chục triệu đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng để bảo vệ những vườn khoai trước mùa thu hoạch.

Toàn bộ công trồng, chăm bón và bảo vệ, các hộ trồng khoai cũng phải thuê mướn số lao động là người của Nông trường Cư Kpô và người ngoài. Tổng chi phí trồng khoai trong một vụ tính sơ khoảng 70 triệu đồng/ha. Nhờ đầu tư chăm bón đầy đủ, toàn bộ diện tích khoai lang phát triển khá tốt. Tuy lao động vất vả, nhưng những luống cây tốt tươi, bà con khấp khởi mừng thầm với hy vọng sẽ cho thu nhập khá trong vụ khoai lang này.

Nhưng niềm vui chẳng trọn vẹn, bà con không lường trước được sự khó khăn và những biến cố khi bước vào vụ thu hoạch. Khi những vườn khoai vừa mới trồng được 3 tháng, đã bị kẻ xấu đến bới móc lấy củ non. Gần 2 tháng nay, khoai đã trồng được hơn 4 tháng gần ngày thu hoạch, thì từ suốt đêm, những tốp người đi từ nhiều hướng đổ vào vườn khoai lang đào bới trộm, xới nát một vùng rộng lớn.

Trắng trợn hơn, nhiều đêm từng nhóm thanh niên tuổi từ 18 đến trên 25 ngang nhiên đánh cả xe công nông chạy vào đào trộm khoai. Cũng có lúc các hộ dân thu hoạch khoai đã cho sản phẩm vào bao, chất thành đống, lợi dụng lúc trời gần tối, nhóm thanh niên nhanh chóng cướp những túi khoai rồi chất lên xe máy chạy thoát.

Trong thời vụ thu hoạch, nhiều thương lái đưa ô tô vào tận địa bàn thu mua sản phẩm. Khi xe chở hàng mang sản phẩm đi, thì các tốp thanh niên là người tại địa phương chặn lại “xin” tiền mỗi chuyến xe đi qua 1,5 triệu đồng. Với kiểu “xin đểu” này, nhiều anh em tài xế lo ngại, khi xe chở hàng lưu thông trên đường, nếu không đưa tiền cho bọn này thì lo sợ xe chạy bị ném đá, hoặc bị đập phá.

Nhằm bảo vệ vườn khoai, các hộ dân đã làm chòi, lán và thường xuyên cho người trông coi. Bà Nguyễn Thị Dung (SN 1962, trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk) trồng trên 29 ha khoai lang luôn có 4 người trong gia đình canh gác cả ngày và đêm. Anh Bùi Quang Tuấn (SN 1986, trú tại xã Buôn Chóa, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) trồng 18 ha khoai lang luôn có mặt cả vợ chồng tại nơi đây để trông coi.

Tuy vậy, những luống khoai liên tục bị đào trộm với diện tích khá lớn. Anh Trần Văn Thắng (SN 1986, trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đầu tư nhiều tỷ đồng trồng 148 ha khoai lang. Chỉ thời gian hơn chục ngày, vùng khoai của anh Thắng đã bị đào trộm với diện tích trên 5 ha, gây thiệt hại rất lớn. Ông Trần Mạnh Cường (SN 1960, trú tại phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột) dồn hết tiền nong gia đình và vay tiền ngân hàng trồng 45 ha khoai lang, luôn bị đào trộm và tàn phá nhiều luống.

Chỉ trong buổi tối ngày 24/11/2016, hai nhóm trộm đã đào bới lấy đi của ông Cường hơn 1 tấn khoai cũ. Các anh Nguyễn Văn Hải (SN 1975) và Nguyễn Đình Minh (SN 1974) cùng với 4 người bạn trú tại xã Nâm N’Dir (huyện Krông Nô, Đăk Nông) chung vốn trồng 40 ha khoai lang tại những lô đất của Đội 5, Nông trường Cư K’pô. Gần 2 tháng nay, cả 6 anh em luôn thức trắng đêm canh khoai, nhưng vẫn bị kẻ trộm đào bới trên 2 ha khoai, cộng thêm nhiều diện tích khoai bị dẫm nát gây thiệt hai không nhỏ.

Không chỉ đào trộm khoai, các nhóm côn đồ còn đe dọa những người bảo vệ vườn khoai. Buổi chiều ngày 22/11/2016, khoảng 14-15 thanh niên uống rượu say đã đến lán của người trồng khoai đòi tiền bảo kê. Bọn này đã chém và đánh 2 người gây thương tích nặng. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng công an huyện Krông Buk đã kịp thời đến hiện trường xử lý vụ việc, bắt một số đối tượng phạm tội.

Ngay trong đêm 22/11, công an đã đưa các nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn hồ cấp cứu. Điều đáng nói rằng, trong suốt thời gian qua, lực lượng công an huyện luôn có mặt khi có sự việc đột xuất xảy ra, bảo vệ công cuộc làm ăn của người dân trên địa bàn.

Quá vất vả trong sản xuất, nhưng không thế bảo vệ được sản phẩm, nhiều người nhìn vườn khoai ứa nước mắt và thất vọng, phải “bỏ của chạy lấy người”. Đã có vài người dân ở tỉnh Lâm Đồng, ở huyện Lắk , huyện Ea H’leo, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) không thế quản lý được sản phẩm, sau khi trồng khoai mới 3 tháng đã phải bán đổ bán tháo cho người khác với giá dưới 40 triệu đồng/ha khoai, chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

Hơn 1 tháng qua, người dân đã hàng chục lần bắt được các nhóm tội phạm trộm khoai và dẫn giải các đối tượng này cho công an xã Cư Kpô xử lý. Các đối tượng này đã bị cảnh cáo và phạt hành chính. Tuy vậy, sau khi bắt và được thả ra, những bọn này lại tiếp tục đào trộm, phá hoại những vườn khoai.

Ông Lê Tuấn Anh - trưởng Công an xã Cư Kpô cho biết: “Những đối tượng phạm tội này là những thanh niên hư hỏng và có cả những cặp vợ chồng lười biếng lao động hiện sống trong khu dân cư Nông trường Cư Kpô lợi dụng lúc đêm tối vắng người đã thực hiện hành vi trộm khoai”.

Hiện nay, tình hình trật tự vùng trồng khoai ở Cư Kpô là điểm nóng đang được nhiều người quan tâm. Những người dân lao động lương thiện ở địa phương đang mong chính quyền các cấp cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có biện pháp xử lý hữu hiệu, xử lý nghiêm những kẻ làm mất trật tự tại địa phương, bảo vệ an toàn về cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân.

Nguyễn Tiên Tri/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/dak-lak-ba-con-khoc-cung-cay-khoai-lang-p43532.html