Đắk Lắk: 24 hộ dân lao đao vì chia sản phẩm không đều?

24 hộ dân trong đó có gia đình ông Nguyễn Đức Quế đang gặp vấn đề với việc ăn chia sản phẩm trong quá trình giao khoán, liên kết do thiếu sự thống nhất.

Từ năm 1994 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan giao khoán đất sử dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Theo quy định, việc khoán, liên kết chủ yếu là do các đơn vị tự xây dựng, sau đó thông qua (ý kiến) các tổ chức như Công đoàn, đại hội cán bộ công nhân viên chức để thực hiện…Việc ăn chia sản phẩm trong quá trình giao khoán, liên kết hầu hết tại các đơn vị đã thiếu sự thống nhất giữa người giao khoán và người nhận khoán.

Thực tế phương án khoán của các doanh nghiệp, được xây dựng trên cơ sở xác định cụ thể năng suất và chất lượng vườn cây tại thời điểm giao khoán và tính toán theo quá trình chu chuyển nhưng lại không xác định được Hợp đồng kinh tế và Hợp đồng giao khoán vườn cây, dẫn đến nhiều “sai sót” xảy ra sau khi thay đổi phụ lục Hợp đồng “Giao nhận khoán” vườn cây.

Theo điều tra của bộ phận tham mưu UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết: Việc xây dựng phương án khoán tại một số đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP, ngày 8/11/2006 của Chính phủ và hướng dẫn tại thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp thực hiện việc giao khoán, liên kết chủ yếu là do các doanh nghiệp tự xây dựng.

Một số đơn vị thực hiện cơ chế khoán chưa rõ ràng, nhất là do sự thay đổi về thời hạn nhận khoán, đối tượng nhận khoán và định mức nhận khoán, nên xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài giữa người nhận khoán và doanh nghiệp.

24 hộ dân có cùng nỗi khổ như hộ gia đình ông Quế.

Do hệ thống định mức, chu kỳ cây trồng và chu kỳ kinh doanh, mức khoán cao (hầu hết ở các doanh nghiệp), kết cấu trong sản lượng khoán của người lao động phải chịu nhiều chi phí như chi phí khấu hao các công trình thủy lợi, kho tàng, sân phơi, nhà cửa có giá trị lớn, chi phí quản lý, thậm chí người lao động còn phải gánh chịu cà chi phí lãi vay ngân hàng.

Từ những bất cập trên, UBND tỉnh Đăk Lăk đã rà soát lại các doanh nghiệp có vốn ngân sánh nhà nước 100% làm ăn thua lỗ tỉnh đã đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất đai của các Nông trường, Công ty nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính từ năm 2002 đến ngày 30/12/2014, UBND tỉnh đã ban hành 174 Quyết định, thu hồi 122.228.22ha đất của các Nông, Lâm trường, trong đó diện tích đất thu hồi của các Nông trường là 19.139ha.

Đối với diện tích đã được các Nông, Lâm trường giao cho các hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở ổn định từ trước ngày 15/10/1993, hoặc đã giao đất sản xuất nông nghiệp dưới các hình thức hợp đồng giao khoán, liên doanh, liên kết… các địa phương không thực hiện bố trí lại mà giữ nguyên hiện trạng và lập thủ tục hợp thức hóa, cấp giấy CNQSD đất.

Theo các Quyết định của UBND tỉnh là như vậy nhưng khi thực hiện, doanh nghiệp vẫn cứ “níu kéo” không bàn giao về cho địa phương quản lý, còn ban hành các quy định trái pháp luật. Thể hiện tại 24 hộ ở Nông trường cà phê tháng 10 (nay là Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao tháng 10), còn kiện hộ có quyền lợi ra tòa.

Tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 có nêu rõ: Đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể quản lý, sử dụng có hiệu quả, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ, phát triển rừng. Đối với công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, khi chuyển sang công ty cổ phần phải thực hiện thuê đất, sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quyền lợi của người đang nhận giao khoán đất.

Giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm, các công ty có quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại. Khi giải thể phải xử lý công nợ, tài sản trên đất (rừng, vườn cây) và bàn giao đất đai về địa phương quản lý theo pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người đang nhận khoán, ổn định xã hội tại địa phương, xử lý nghiêm các sai phạm. Xử lý dứt điểm các khoản vốn và tài sản, nợ đọng của từng đơn vị, có cơ chế giải quyết các khoản công nợ, nợ khó đòi, các khoản phải trả do khách quan, tài sản còn vốn nhà nước trên đất (rừng, vườn cây lâu năm...) khi chuyển giao đất về địa phương.

Công ty có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách, chế độ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công nhân và người lao động. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với cán bộ, công nhân và người lao động sau chuyển đổi.

Theo Nghị Định 118 CP, rà soát, đo đạc, lập bản đồ, lập, điều chỉnh, phê duyệt phương án sử dụng đất. Các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện việc rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất, diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất không sử dụng, diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, bị lấn, bị chiếm, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và đang có tranh chấp.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương, chỉ đạo thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất theo phương án được duyệt.

Đất thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương bao gồm: Đất của các công ty giải thể, đất do thu hẹp nhiệm vụ không còn nhu cầu sử dụng, đất không sử dụng, đất công ty đang khoán trắng, sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất đã chuyển nhượng, diện tích đất đã bán vườn cây, đất kết cấu hạ tầng không phục vụ sản xuất, đất ở theo quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt và các loại đất khác phải thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các công ty nông, lâm nghiệp có diện tích đất bị thu hồi phải bàn giao toàn bộ hồ sơ về quỹ đất bị thu hồi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất. Đất thu hồi quy định tại Khoản 1 Điều này được ưu tiên giải quyết và xử lý như sau:

Đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, người đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất được giao đất hoặc thuê đất. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

Xác định tài sản trên đất theo giá thị trường và quy định của pháp luật về thẩm định giá tại thời điểm nhận giao, thuê để thu hồi phần vốn của nhà nước hoặc người đã đầu tư. Người nhận chuyển nhượng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) phải trả tiền trong thời gian 1 năm kể từ thời điểm nhận chuyển nhượng, đối với các đối tượng là hộ nghèo theo quy định của pháp luật được xem xét miễn, giảm theo phần vốn của Nhà nước còn lại.

Diện tích đất lấn, chiếm mà chuyển nhượng trái phép thì thu hồi, chuyển giao địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định này. Diện tích đất tranh chấp giữa công ty và các hộ gia đình, cá nhân sống bằng nghề nông đã sản xuất ổn định, không ảnh hưởng đến phương án sử dụng đất của công ty thì giao lại địa phương để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

Trường hợp diện tích đất mà công ty nông, lâm nghiệp đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ công nhân viên của công ty đang làm việc, đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở, làm vườn, ao gắn liền với nhà ở trong khu dân cư trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai.

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 và các Quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành thì đất của 24 hộ dân trong đó có gia đình ông Nguyễn Đức Quế được Nông trường giao diện tích đất đã bán vườn cây và đất ở theo quy định “Đối với diện tích đã được các Nông, Lâm trường giao cho các hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở ổn định từ trước ngày 15/10/1993, hoặc đã giao đất sản xuất nông nghiệp dưới các hình thức hợp đồng giao khoán, liên doanh, liên kết…các địa phương không thực hiện bố trí lại mà giữ nguyên hiện trạng và lập thủ tục hợp thức hóa, cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai”.

Đây là quyền lợi chính đáng của các hộ dân được Nhà nước quan tâm, Đề nghị UBND tỉnh xem xét lại các quy định của Nhà nước và Quyết định của UBND tỉnh, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, để tỏ rõ lòng “Nhân đạo” của Đảng và Chính phủ ta theo quy định pháp luật.

Hồ Văn Trinh/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/cty-ca%cc%80-phe-dak-lak-da%cc%81t-dan-du-dieu-kien-giao-di%cc%a3a-phuong-quan-ly-p41410.html