Đak Đoa (Gia Lai): Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những năm qua, Đảng bộ huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang được thế hệ trẻ cùng nhau lưu giữ - Ảnh: Minh Châu

Trong số 156 thôn, làng, tổ dân phố của huyện Đak Đoa thì có đến 106 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có gần 104 nghìn người thì đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 56%, chủ yếu là đồng bào Bahnar và Jrai.

Đến nay, những lễ hội, phong tục truyền thống đặc biệt là những phong tục, tập quán mang đậm chất anh hùng của sử thi Tây Nguyên như lễ hội đâm Trâu, mừng lúa mới, Pơ thi… cùng các giá trị văn hóa như cồng chiêng, nhà rông, tượng nhà mồ hay những nghề thủ công truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm, làm đồ gỗ… vẫn được đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đak Đoa lưu truyền qua các thế hệ.

Huyện cũng đã triển khai thành công dự án chuyển giao kỹ thuật đánh cồng chiêng và múa xoang cho thanh thiếu niên Bahnar và Jrai. Bên cạnh việc tổ chức lại các đội cồng chiêng, bắn nỏ, nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát, cà kheo, huyện Đak Đoa cũng thường xuyên tổ chức các hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số, qua đó, tuyển chọn các đội nghệ nhân tham gia biểu diễn, giao lưu trong các sự kiện lớn của tỉnh, của vùng và đất nước.

Trên địa bàn huyện Đak Đoa giờ đây đã có 131 bộ cồng chiêng, 84 đội cồng chiêng, trong đó có 6 đội cồng chiêng thiếu niên, 20 nghệ nhân biết kể sử thi Bahnar, nhiều nghệ nhân làm nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng cùng khoảng 30 nghệ nhân hát dân ca và sử dụng các nhạc cụ truyền thống.

Các thiết chế văn hóa cũng được các cấp, các ngành trong huyện đầu tư tôn tạo với 6 nhà rông văn hóa và nhà rông truyền thống ở các thôn, làng được sửa chữa và xây mới. Nhiều hiện vật quý được cán bộ và nhân dân Đak Đoa dày công sưu tầm để bảo tồn, trưng bày với du khách gần xa.

Cùng với đó, tiếng nói và chữ viết các dân tộc cũng được huyện chú trọng gìn giữ bằng cách liên tục mở các lớp dạy tiếng dân tộc. Riêng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, hằng năm huyện đều tổ chức các lớp học tiếng Bahnar và Jrai, tạo điều kiện để cán bộ gần gũi trò chuyện, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động được đồng bào không chỉ tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nghiêm túc, tích cực hơn.

Tuy nhiên, trước thực tế kinh tế của huyện còn khó khăn, một số loại hình văn hóa dân gian đang dần mai một như các làn điệu hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên; lễ cúng cầu lúa ra nhiều hạt tại gia đình, sinh hoạt cồng chiêng trong cộng đồng còn hạn chế do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, số nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, tạc tượng, dệt thổ cẩm, đan lát… tuổi ngày càng cao, sức khỏe có hạn nên không có điều kiện truyền dạy cho con cháu đang đặt ra không ít “rào cản” cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, nạn “chảy máu cồng chiêng” vẫn đang diễn ra, số lượng cồng chiêng cũng đã giảm đi nhiều, nhiều nhà rông truyền thống đã và đang xuống cấp phải sửa chữa, đặc biệt là một số xã không có nhà rông để sinh hoạt văn hóa truyền thống, cần thiết phải bổ sung, đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác sưu tầm, tư liệu hóa các di sản. Cùng với đó, cần kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, giới thiệu những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc tới cộng đồng để người dân nâng cao nhận thức, trân trọng và cùng có ý thức gìn giữ.

Thời gian tới, Đak Đoa xác định tập trung phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, những trò chơi dân gian, mở rộng và khuyến khích việc dạy và học chữ dân tộc đi đôi với biên soạn và lưu giữ các tác phẩm văn học lưu truyền cho thế hệ mai sau. Các nhà rông truyền thống cũng sẽ được huyện đầu tư khôi phục và xây dựng bởi đây là điểm sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tâm linh rất lớn của đồng bào.

Đối tượng thanh thiếu niên – lực lượng kế cận, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc sẽ được tập trung giáo dục, bồi dưỡng cùng với việc mở các lớp dạy trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, tạc tượng. Huyện sẽ xây dựng chính sách đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng với những tập thể, cá nhân tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức các hội thi, hội diễn thu hút người dân trên địa bàn và khách thập phương tham gia.

Đồng thời, tập hợp, tạo điều kiện để cho các nghệ nhân giỏi nghề, tâm huyết sinh hoạt, sáng tác và truyền nghề; vận động cán bộ, nhân dân sáng tạo những sản phẩm mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc văn hóa truyền thống của dân tộc mình và các dân tộc anh em. Đẩy mạnh công tác sưu tầm, phục hồi và gìn giữ các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, ngành nghề truyền thống, tăng cường giao lưu để quảng bá văn hóa các dân tộc. Huyện cũng tập trung vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia xây dựng, thực hiện các hương ước, quy ước thôn, làng trên cơ sở kế thừa tính tích cực của các luật tục truyền thống phù hợp với các quy định của pháp luật./.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=1005&itemid=32836