Đại tu nền quản trị kinh tế toàn cầu

(LĐ) - Hội nghị ASEM từ 4-5.10 tới tại Brussels, Bỉ mang lại cơ hội đối thoại thẳng thắn và cởi mở rất cần thiết giữa các nhà lãnh đạo Châu Á và Châu Âu về việc điều chỉnh lại quản trị toàn cầu và hiện đại hóa các tư duy kiểu cũ.

Cả Châu Á và Châu Âu đều nói họ tin vào chủ nghĩa đa phương hiệu quả. Họ cần biến những lời nói đó thành hành động. Thách thức chung Hai năm trước, trong cuộc họp tại Bắc Kinh, các lãnh đạo Á-Âu đã hứa hẹn cùng hành động để tái thiết nền kinh tế toàn cầu đã bị tàn phá. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso lúc đó tuyên bố: “Chúng ta cùng bơi, hay cùng chìm”. Liệu thông điệp về sự đoàn kết và cam kết về hành động tập thể đó có được nhắc lại khi các nhà lãnh đạo Á-Âu gặp nhau tại Brussels vào 4-5.10 này không? Một tín hiệu vui là các nước Châu Á đã thoát khỏi khủng hoảng thành công hơn mong đợi. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia ASEAN đã đạt được con số tăng trưởng ấn tượng. Các nước Châu Âu có vẻ ảm đạm hơn. Bộ trưởng Tài chính EU hồi tháng 5 đã thỏa thuận một cơ chế giải cứu trị giá khoảng 750 tỉ euro để bảo vệ đồng euro khỏi sự sụp đổ trước áp lực nợ công của các nước như Hy lạp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha. Các nước EU cũng đang đưa ra các biện pháp giám sát kinh tế chặt chẽ hơn với hệ thống phản biện đồng cấp kịp thời nhằm ngăn ngừa việc lặp lại cuộc khủng hoảng nợ. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc - những nước mong duy trì kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng - đã chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu của Châu Âu. Tại cuộc họp gần đây ở Canada, lãnh đạo nhóm G20 đại diện cho các nước công nghiệp và đang nổi cũng bất đồng với kế hoạch của Đức, Pháp và Anh nhằm áp thuế ngân hàng để bù đắp cho các chi phí giải cứu. Dù còn bất đồng trong tranh luận thì Châu Á và Châu Âu đều đương đầu với một thách thức chung là xây dựng một mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế toàn cầu. Cơ hội trong khủng hoảng Tại Châu Âu, các cải cách cơ cấu phạm vi rộng là cần thiết để cải thiện tiếp cận tài chính cho nghiên cứu và phát triển, để thuận lợi hóa việc gia nhập thị trường lao động của giới trẻ, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường hiệu quả của thị trường tài chính... Các nước Châu Á cũng phải áp dụng các biện pháp để kích cầu nội địa, từ đó giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng trên thực tế đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đại tu nền quản trị kinh tế toàn cầu. Phải có các hành động để đương đầu với yếu kém trong giám sát và điều phối tài chính vĩ mô cũng như là khuôn khổ giám sát tài chính. Vẫn còn đó các thiếu sót trong cơ chế kiểm soát khủng hoảng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các ngân hàng phát triển đa phương. G20 không nghi ngờ gì nữa, là một sáng tạo quan trọng trong quản trị toàn cầu, phản ánh sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế và chính trị toàn cầu sang thế giới đang phát triển – đặc biệt là Châu Á. Đây là diễn đàn quốc tế duy nhất trong đó các quốc gia phát triển và đang phát triển lớn gặp nhau với sự bình đẳng thể thức ở cấp cao nhất của chính phủ. Theo đúng nghĩa, nó cung cấp một khuôn khổ để khuyến khích các cường quốc đang nổi lên nhận lãnh các trách nhiệm mới. Các nhà lãnh đạo G20 đã giành được những thắng lợi quan trọng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London tháng 4 năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã huy động được 5 nghìn tỉ USD để giúp trấn an các thị trường. Họ đã khôi phục được lòng tin vào IMF và thành lập một hội đồng ổn định tài chính nhằm tăng cường các tiêu chuẩn quy định toàn cầu. Hội nghị cũng giữ phương châm chống lại chủ nghĩa bảo hộ, ngăn ngừa một cuộc chiến thương mại kiểu những năm 1930. Tuy nhiên, các thách thức quan trọng vẫn còn đó. Các nước Châu Âu đối mặt với thách thức chấp nhận cải cách cơ chế điều hành IMF để phản ánh sức mạnh kinh tế đang lên của các nước Châu Á cũng như các nước khác và khắc phục việc có quá nhiều đại diện của mình trong tổ chức. Trung Quốc, Ấn Độ và các nước mới nổi lên khác đang đòi hỏi có nhiều ghế và nhiều quyền biểu quyết hơn tại IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). G20 đã nhất trí tăng quyền biểu quyết của các nước đang phát triển tại WB và IMF thêm ít nhất là 3% và 5%. Ủy ban Phát triển WB trên thực tế đã hưởng ứng bằng cách tăng quyền bỏ phiếu của các nước đang phát triển thêm 3,13% lên 47,19%. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso đã nói rằng, những lời kêu gọi cải cách IMF của Trung Quốc và Ấn Độ là hợp lý. Ông cũng đưa ra đề nghị rằng EU cần có một ghế thống nhất tại quỹ - một biện pháp sẽ cho Châu Âu thêm ảnh hưởng trong các tranh luận chính sách trên vũ đài toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nước Châu Âu vẫn không sẵn sàng đưa ra “sự hy sinh” cần thiết. Tuy nhiên, trì hoãn điều không thể tránh khỏi chẳng mang lại mấy ý nghĩa. Với cuộc khủng hoảng tài chính đang tiếp thêm xung lượng cho sự dịch chuyển quyền lực từ phương Tây sang Châu Á, rõ ràng là việc khôi phục niềm tin kinh tế toàn cầu sẽ đòi hỏi các nỗ lực chung của EU, Mỹ và các cường quốc đang lên của Châu Á. Song chỉ thừa nhận đãi bôi các thay đổi do toàn cầu hóa đưa đến là không còn đủ nữa. Châu Âu và Mỹ phải làm quen với việc chia sẻ quyền lực với những người mới đến và chấp nhận rằng các chủ thể đang nổi lên sẽ có những ý tưởng riêng của họ về việc thay đổi hình thức các thể chế toàn cầu. C.T dịch Shada Islam - viết riêng cho Lao Động (*) (*) Nhà báo chuyên về quan hệ quốc tế tại Brussels, Bỉ. Tít lớn và các tít nhỏ do Lao Động đặt.

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/dai-tu-nen-quan-tri-kinh-te-toan-cau/15317