Đại sứ Phạm Sanh Châu tự tin thể hiện bản lĩnh Việt Nam

Đại sứ Phạm Sanh Châu rất tự tin trong phần chất vấn của các đại biểu có mặt tại cuộc thi tuyển chọn vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) có trụ sở ở Paris, Pháp.

Xem video Đại sứ Phạm Sanh Châu tại cuộc phỏng vấn cho cho vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại đây.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội ứng cử ở một vị trí trong một cơ quan mang tầm quốc tế như Liên Hợp Quốc. Trong phần phát biểu mở đầu buổi phỏng vấn, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn ông làm đại diện ra tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO, khẳng định đây là niềm vinh dự lớn đối với bản thân ông.

Là một trong 9 ứng viên lọt vào vòng shortlist – vòng được trình bày trực tiếp và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu, đại biểu đến từ Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chứng tỏ bản lĩnh, sự tự tin khi trình bày về 10 ưu tiên trong chương trình hành động của mình nếu ông trúng cử. Trong 10 điểm chương trình hoạt động, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh 3 mục tiêu là sứ mệnh hòa bình mà UNESCO cần theo đuối, thứ 2 là cần cải cách UNESCO để tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn, thứ 3 là cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa.

Sau phần trình bày của Đại sứ Phạm Sanh Châu, ông tiếp tục nhận được rất nhiều câu hỏi của các đại biểu có mặt. Người điều hành đã bốc thăm các đại biểu được quyền hỏi và ông Phạm Sanh Châu đã trả lời rõ ràng mạch lạc tất cả các vấn đề mà các đại biểu quan tâm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Rất nhiều nội dung đã được đưa ra, từ cách ông sẽ giải quyết sự mất cân bằng hiện nay trên thế giới thế nào, tạo đựng mối quan hệ tốt giữa 3 ban quản trị của UNESCO ra sao, đến các câu làm thế nào để phát huy việc bảo tồn di sản cúa các đại biểu châu Phi hay cách ông sẽ giải quyết để giảm tình trạng bất bình đẳng giới thông qua cải thiện giáo dục cho phụ nữ, các chương trình cải cách UNESCO; hay một vấn đề nhạy cảm như là vấn đề đạo đức nói chung và ở trong UNESCO nói riêng, hay những câu hỏi cụ thể là ông sẽ quản lý một tổ chức lớn như UNESCO thế nào, ngân sách ra sao... cũng được Đại sứ Phạm Sanh Châu trả lời thẳng thắn. Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trả lời tất cả các câu hỏi với một phong thái tự tin và giàu sức thuyết phục.

Trước câu hỏi nếu được bầu làm Tổng Giám đốc, ông sẽ đảm đương trách nhiệm đó như thế nào, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ rằng nếu được bầu, ông sẽ nỗ lực trở thành người bạn tin cậy, lắng nghe, quan tâm và kết nối của tất cả các thành viên. UNESCO bao gồm nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội, truyền thông, vì vậy, người đứng đầu phải am hiểu và có kĩ năng giải quyết tất cả các vấn đề có thể gặp phải trên các lĩnh vực.

Trong cuộc phỏng vấn, đại diện từ Việt Nam khẳng định nếu như trúng cử, ưu tiên số 1 của ông là sẽ bảo đảm UNESCO là một tổ chức trong sạch, không có tình trạng tham nhũng và bê bối.

Đại sứ Phạm Sanh Châu

Trong nội dung trình bày, ông Phạm Sanh Châu cũng đã giới thiệu, quảng bá về Việt Nam với lịch sử hào hùng trong các cuộc kháng chiến, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình đổi mới, làm chuyển biến xã hội về kinh tế đồng thời cũng thực hiện chính sách độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại.

Kết thúc phần phỏng vấn, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói: "Tôi đến từ Việt Nam, đất nước đã trải qua hàng thập kỷ chiến tranh với bao đau thương và cũng là đất nước đã mạnh mẽ đứng dậy sau chiến tranh. Việt Nam, đất nước tôi muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Tôi đã đi qua 87 quốc gia trên thế giới, từng là một người lính và nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Với tất cả những kinh nghiệm của mình, tôi hiểu được giá trị của UNESCO và coi trọng những đóng góp của UNESCO cho sự phát triển của thế giới".

Năm nay, UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc chọn Tổng Giám đốc, giống với quy trình chọn Tổng Thư ký của Liên hợp quốc.

Thay vì tiến hành những cuộc phỏng vấn trong phạm vi hẹp, năm nay, lần đầu tiên, UNESCO cho phép đại diện các phái đoàn ngoại giao được vào phòng họp để tham dự, truyền hình trực tiếp hình ảnh ứng cử viên và tăng thời gian phiên điều trần từ 60 phút lên 90 phút. Buổi phỏng vấn được mở cửa và được truyền hình trực tiếp trên trang web của UNESCO.

Phần trình bày bằng tiếng Anh của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì sự rõ ràng, mạch lạc, với các đề xuất có tính thực tiễn cao. Nhiều bạn bè quốc tế đã đến chúc mừng ông sau phần thuyết trình.

Hội đồng chấp hành sẽ bỏ phiếu kín chọn ứng cử viên duy nhất vào tháng 10-2017. Tháng 11-2017, chủ tịch Hội đồng chấp hành sẽ thông báo cho Đại hội đồng tên ứng viên mà Hội đồng chấp hành đã chọn. Đại hội đồng sẽ xem xét đề cử này và bỏ phiếu kín để bầu ra tổng giám đốc UNESCO.

Theo hiến chương của UNESCO, tổng giám đốc do Hội đồng chấp hành đề cử và được Đại hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO.

Hải Yến

(Theo UNESCO)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dai-su-pham-sanh-chau-tu-tin-the-hien-ban-linh-viet-nam-n130940.html