Đài phát thanh của trẻ em đường phố

Một căn phòng nhỏ hẹp nằm tại khu chợ sôi động Gambela ở ngoại ô thủ đô Kinshasa (Cộng hòa Congo) đang trở thành “trụ sở” đài phát thanh của trẻ em đường phố nước này.

Ý tưởng về đài phát thanh cho trẻ em đường phố do Joachim Ambambo (37 tuổi) nghĩ ra. Anh cũng từng là trẻ em đường phố vướng vào vòng lao lý từ nhỏ. Sau 6 năm trong trại giáo dưỡng, Ambambo quay trở lại cuộc sống và quyết định phải hành động vì trẻ em đường phố Kinshasa. Ambambo nhận thấy rằng đài phát thanh có một quyền năng tuyệt vời và mọi người ở chợ Gambela cũng như nhiều nơi khác đều quan tâm lắng nghe loại hình truyền thông này. Từ đây, chương trình phát thanh Mungongo ya Mwana (Tiếng nói của trẻ em) ra đời.

Từ tháng 3 năm nay, vào mỗi chủ nhật, người dân Kinshasa lại mở tần số phát sóng chương trình Mungongo ya Mwana và lắng nghe tâm sự của chính những đứa trẻ mà họ thường bắt gặp trên đường phố hàng ngày. Quỹ có tên Đài phát thanh của Trẻ em đã hỗ trợ đào tạo 17 phát thanh viên không chuyên cho Mungongo ya Mwana trong năm 2015. Tất cả đều là trẻ em đường phố ở độ tuổi từ 12 - 17. Các em thường tự thu âm và dựng chương trình.

Trẻ em đường phố tại Kinshasa giãi bày tâm sự qua đài phát thanh.

Ngoài việc học được kỹ năng mới, trẻ em đường phố tại Kinshasa còn có thể thay đổi cuộc sống qua chương trình phát thanh. Quan điểm của người dân thay đổi khi họ nghe câu chuyện của trẻ em đường phố và hiểu rõ hơn về những góc khuất trong cuộc sống của những đứa trẻ không may mắn này. Cô bé Cecila (15 tuổi), phát thanh viên không chuyên nhiệt huyết của chương trình phát thanh đã chia sẻ câu chuyện của mình về tình trạng bạo hành tại các gia đình nhận nuôi trẻ đường phố.

Cecilia chia sẻ: “Người nhận nuôi trẻ em đường phố cần đối xử với chúng như con đẻ. Khi đưa những đứa trẻ không cùng huyết thống đến sống chung dưới một mái nhà, họ không thể coi chúng là người hầu được”. Lời nói của cô bé được “đồng nghiệp” trong phòng thu và hàng nghìn người khác đang nghe đài gật đầu tán thành.

Cecila bắt đầu kể về câu chuyện đời mình. Cecilia là trẻ mồ côi từ năm 2009. Hầu hết người thân của em đều sống tại Angola, vì vậy cô bé không hề có nơi nương tựa. Sau hai tuần sống lang thang trên đường phố, một phụ nữ tiếp cận Cecilia và đề nghị đưa em về nhà làm con gái. Từ đây, Cecila bắt đầu rơi vào cảnh “nô lệ hiện đại”. Trong 6 năm, Cecilia đã phải hứng chịu bạo hành cả về thể chất và tinh thần bởi chính gia đình nhận nuôi. Cô bé thường bị bỏ đói và phải nằm ngủ trên sàn nhà. Vào một ngày, người mẹ nuôi đã mạnh tay khiến Cecilia gãy hai răng cửa. Đây là “giọt nước tràn ly” để cô bé quyết định ra đi.

Cecilia rất đam mê thời trang và cô bé muốn trở thành nhà thiết kế. Tuy không chắc có thể nhập học một trường thời trang trong tương lai gần, nhưng Cecilia vẫn có động lực bởi với Mungongo ya Mwana, ít nhất cô bé đã có cơ hội để bày tỏ, chia sẻ tâm tư của bản thân. Cecilia kết thúc chương trình Mungongo ya Mwana với lời nhắn nhủ: “Trẻ em đường phố phải đối mặt với thực tại khó khăn. Cộng đồng nên hiểu điều đó và quan tâm tới chúng cháu hơn thay vì khinh thường”.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Kinshasa có 25.000 trẻ em đường phố như Cecila và con số này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua. Những đứa trẻ sống trên đường phố Kinshasa thường bị dụ dỗ làm lính trẻ em, thợ mỏ trái phép... Một số trẻ khác đi xin ăn hoặc làm những công việc lao động nặng nhọc quá sức, thậm chí một số em còn có có hành vi vi phạm pháp luật.

Mặc dù với sự phát triển không ngừng nghỉ của Internet, đài phát thanh vẫn là một loại hình truyền thông được ưa chuộng, đặc biệt là tại châu Phi. Theo Quỹ Đài phát thanh của Trẻ em, năm 2011, 6,2% dân số châu Phi có thể truy cập Internet nhưng hơn 80% người dân lại tiếp cận với đài phát thanh. Số lượng đài phát thanh cộng đồng cũng phát triển mạnh tại châu Phi khi tăng 1.386% trong giai đoạn từ 2000 đến 2006.

Hà Linh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhin-ra-the-gioi/dai-phat-thanh-cua-tre-em-duong-pho-20161121222620427.htm