Đại hội VFMVF1: Không phân phối lợi nhuận năm 2015

Thông tin tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2016 của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) ngày 31/03, mặc dù lợi nhuận trong năm 2015 đạt hơn 99 tỷ đồng nhưng phần lớn là lợi nhuận chưa thực hiện nên chưa đủ điều kiện chia cổ tức.

Do đó, Quỹ VFMVF1 không phân phối lợi nhuận năm 2015.

Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2016 của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) tổ chức sáng ngày 31/03

Năm 2015 rút vốn ròng 35%

Tổng kết năm 2015, Quỹ VFMVF1 đã tăng trưởng 13.6%, nhiều hơn hai lần tăng trưởng của chỉ số tham chiếu VFMVF1-Benchmark (6.1%) và VN-Index (cũng 6.1%). VFMVF1 cho biết kết quả này một phần nhờ lợi thế quy mô nên Quỹ có thể thực hiện các giao dịch lô lớn và các đợt phát hành cho cổ đông lớn, giá vốn thấp hoặc giá bán cao để tác động vào kết quả lợi nhuận.

Tỷ trọng tiền mặt và chứng khoán nợ trong năm dao động từ 12-20% NAV, trong đó trung bình 64% được phân bổ vào chứng chỉ tiền gửi với mức lợi tức hấp dẫn từ 13-14%. Danh mục đầu tư của quỹ có sự tập trung hơn với 20 cổ phiếu thuộc 8 ngành vào thời điểm cuối năm 2015, giảm đáng kể so với 29 cổ phiếu, thuộc 12 ngành hồi cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ vòng quay tài sản của Quỹ trong 12 tháng khoảng 93%, trong đó có 11 cổ phiếu được mua mới và 20 mã thanh hoán ngay trong năm. Hơn 40% tổng tài sản cuối năm của Quỹ được phân bổ vào 3 ngành chính là thực phẩm & nước giải khát, bất động sản và ngân hàng. Đây cũng là 3 ngành mang lại 80% lợi nhuận cho quỹ trong năm 2015.

Trong đó, cổ phiếu ngành thực phẩm & nước giải khát đóng góp đến 1/3 lợi nhuận đầu tư của danh mục VFMVF1 với tỷ suất lợi nhuận xấp xỉ 40%, cao hơn so với mức tăng trưởng 28.2% trong thị trường của ngành này trong thị trường.

Ngành ngân hàng có tỷ trọng trong danh mục tăng dần từ 4.4% NAV lên đến mức cao nhất là 21.6% NAV. VFMVF1 đã thực hiện hóa lợi nhuận với các cổ phiếu có thị giá cao so với giá trị nội tại, giảm tỷ trọng ngành xuống chỉ còn hơn 12% NAV cuối năm 2015. Ngành ngân hàng đóng góp khoảng 28% vào lợi nhuận đầu tư

Ngành bất động sản đạt tỷ suất lợi nhuận 26.3% trong danh mục, cao hơn thị trường chung là 20.8%, các cổ phiếu trong ngành đóng góp xấp xỉ 21% vào lợi nhuận của danh mục với tỷ trọng phân bổ trung bình là 11.6% NAV.

Năm 2015, Quỹ VFMVF1 đạt lãi ròng 99.3 tỷ đồng; thu nhập trên mỗi chứng chỉ quỹ đạt 2,830 đồng, tăng trưởng 13.6%.

Tính đến cuối năm 2015, số lượng chứng chỉ quỹ hiện hành là 27.4 triệu ccq, giảm 35% so với đầu năm, tương đương giá trị vốn góp gần 754 tỷ đồng (lượng vốn rút ròng trong năm là 330 tỷ đồng, phần lớn là các tổ chức).

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh – Phó Tổng giám đốc VFM cho biết mặc dù có lợi nhuận trong năm 2015 nhưng phần lớn là phần lãi chưa thực hiện nên chưa đủ điều kiện để phân phối lợi nhuận theo quy định của luật. Do đó, Quỹ VFMVF1 không phân phối lợi nhuận năm 2015.

Học Ấn Độ hướng hút vốn mới

Thông tin thêm về việc huy động vốn cho Quỹ, ông Trần Thanh Tân – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) – đơn vị quản lý VFMVF1 cho biết hiện không dễ huy động vốn theo hình thức truyền thống trước kia. VFM đã mở rộng tiếp cận khách hàng thông qua kênh ngân hàng (hiện đã làm việc với 5 ngân hàng) và bước đầu đã thu hút được vốn huy động thông qua kênh này. VFM đang tiếp tục thử nghiệm tiếp cận khách hàng qua kênh mới là bảo hiểm. Ông Tân cho biết mô hình tiếp cận khách hàng mới này chủ yếu học hỏi từ Ấn Độ và kỳ vọng sẽ thu hút được lượng vốn lớn trong tương lai.

Ngoài ra, VFM cũng sửa đổi điều lệ nhằm tạo điều kiện thu hút thêm vốn đầu tư, đặc biệt là quy định về nhà đầu tư hoặc người được ủy quyền có thể thực hiện thanh toán tiền mua chứng chỉ quỹ bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản của Quỹ (theo quy định cũ, chỉ bản thân nhà đầu tư mới thực hiện được). Bên cạnh đó, VFM cũng sửa đổi một số điều lệ khác cho phù hợp với quy định mới.

Kế hoạch 2016 tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư cổ phiếu UPCoM, Nhà nước thoái vốn

Theo nhận định của VFM, thị trường chứng khoán tiếp tục được kỳ vọng tốt hơn nhưng sẽ không loại trừ những biến động có thể bị tác động bởi thị trường thế giới. Thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến sự phân hóa ngày càng lớn giữa các cổ phiếu hưởng lợi và bất lợi trước các xu hướng mới của thị trường. Do đó, VFMVF1 sẽ thận trọng trong việc phân bổ tài sản và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đối với danh mục chứng khoán vốn (sẽ chiếm khoảng 80% giá trị tài sản), Quỹ tập trung vào tìm kiếm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, duy trì được tăng trưởng, lưu chuyển tiền tệ mạnh, ưu tiên các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao. Ngoài cổ phiếu vốn hóa lớn, Quỹ sẽ chuyển một phần đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa vừa nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản. VFMVF1 cũng sẽ mở rộng phạm vi tìm kiếm cơ hội đầu tư với các công ty giao dịch ở sàn UPCoM sau cổ phần hóa, các công ty mà Nhà nước thoái vốn.

Về ngành, Quỹ VFMVF1 sẽ tìm kiếm cơ hội từ những công ty hưởng lợi từ giá hàng hóa (commodity) thấp như hàng tiêu dùng, sản xuất và vật liệu. VFMVF1 dự báo lợi nhuận và dòng tiền vẫn duy trì tốt với các công ty bán lẻ, công ty có lợi thế về tiêu dùng nội địa nhờ vào cơ cấu dân số vàng và thu nhập tăng lên của người dân. Bên cạnh đó, các ngành được hưởng lợi trực tiếp từ các hiệp định thương mại FTA, TPP (hàng dệt may) hay ngành được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) nhằm đón đầu việc thực thi các hiệp định thương mại, tăng giao thương quốc tế (hạ tầng, vận tải, logistic, hàng hóa công nghiệp, bất động sản...) cũng sẽ là lựa chọn của VFMVF1.

VFMVF1 dự đoán năm 2016 vẫn chứng kiến xu hướng biến động lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) các kỳ hạn theo chiều hướng tăng. Thanh khoản của thị trưởng thứ cấp có thể chưa cải thiện do khả năng đầu tư TPCP của các ngân hàng thương mại (hiện nắm giữ 77% lượng TPCP đang lưu hành) được đánh giá là đã tới ngưỡng thấp và chỉ tập trung tái đầu tư các trái phiếu đã đáo hạn trong danh mục. Do vậy, quỹ VFMVF1 tập trung phân bổ vào các cơ hội có tỷ suất lợi tức tốt như chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng thu nhập cho danh mục chứng khoán nợ.

Ông Trần Thanh Tân và Ban đại diện Quỹ VFMVF1

Đại hội cũng bầu Ban đại diện quỹ bao gồm ông Lưu Đức Khánh – Phó Chủ tịch HDBank (Chủ tịch Ban đại diện quỹ), ông Đặng Thái Nguyên – Thành viên HĐQT BacABank, bà Lê Thị Thu Hương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Đại Tín, bà Phạm Thị Thanh Thúy – Giám đốc Pháp chế và tuân thủ Công ty VFM./.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dai-hoi-vfmvf1-khong-phan-phoi-loi-nhuan-nam-2015-20160402090459994p146c157.news