'Đại học thực hành': Cơ hội và thách thức của giáo dục Việt Nam

Học đi đôi với hành luôn là thách thức đối với mọi chương trình giáo dục đại học, làm sao cân đối giữa thời lượng học lý thuyết và thời gian thực hành thực tế, để sinh viên được trang bị đầy đủ không chỉ kiến thức, kỹ năng mà còn cả kinh nghiệm làm việc, giúp cho mọi doanh nghiệp có thể tuyển dụng ngay không qua đào tạo lại. Tại Việt Nam đang có một chương trình đào tạo đại học giải quyết bài toán đó.

Đại học Việt Bắc phối hợp với Trường Cao đằng nghề số 1 Bộ Quốc phòng trong quá trình thực hành thực tế cho sinh viên

Xu thế đào tạo giáo dục “đại học thực hành”

Khởi đầu từ năm 2002 ý tưởng một trường đại học với mô hình "không bài giảng, không lớp học, không khoa chuyên ngành" của nhà khoa khọc Christine Ortiz, đã được đại học Olin đưa vào thực tế.

Khóa sinh viên đầu tiên của chương trình thu hút đến 658 trường đại học từ 45 quốc gia đến học hỏi. Đại diện của Việt Nam là Đại học Việt Bắc cũng đã có những buổi trao đổi và học hỏi.

Thay đổi từ thực tế thách thức

Lý giải xu hướng đào tạo đại học theo mô hình mới là do các doanh nghiệp hiện nay đang gật đầu gượng ép tiếp nhận để đào tạo lại. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp vẫn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng gần như chưa có nền giáo dục nào đáp ứng được yêu cầu sử dụng sinh viên làm việc ngay của doanh nghiệp. Tất nhiên là doanh nghiệp cũng không có quyền lựa chọn và phải đào tạo lại bởi so với việc đào tạo mới, thì bù đắp thời lượng thực hành cho nhân lực có nền tảng sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Tại Đông Nam Á, Malaysia và Singapore là hai quốc gia đầu tư đẩy mạnh nhất về cải cách giáo dục. Với Singapore, con người là tài nguyên duy nhất, việc cần chuyển biến nhanh và mạnh nguồn nhân lực được đào tạo thực tế, chất lượng cao luôn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho các trường đại học, và nhiệm vụ đó chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng thực hành.

Còn với Malaysia, việc liên kết với nhiều trường đào tạo quốc tế , nền giáo dục nước này đã nhận thấy xu hướng đào tạo đại học mới “đại học thực hành”, có thể sử dụng ngay nguồn nhân lực đó để xây dựng đất nước từ khi còn đang được đào tạo.

Thách thức kép của hệ thống giáo dục Việt Nam

Năm 2017, Việt Nam có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Con số này trong những năm gần đây lại ngày một tăng lên. Điều đáng nói theo đề án giáo dục cải cách, lấy giáo dục làm mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm đòn bẩy nền kinh tế, thì con số trên đã phản ánh tình trạng đào tạo đại học tràn lan , không tập trung vào chất lượng đầu ra trong suốt những năm qua.

Bên cạnh đó vấn đề định hướng, hướng nghiệp, xác định nhu cầu nhân lực thị trường ngay từ đầu đã không chuẩn xác. Vì vậy nhiều sinh viên đã chấp nhận làm trái ngành trái nghề, thậm chí làm công việc không cần đào tạo nhiều, để ổn định cuộc sống.

Từ đó giáo dục Việt Nam tiếp nhận thách thức kép, đầu tiên là áp lực từ hiện trạng thất nghiệp của sinh viên, và sau đó là thay đổi để thích ứng với một chương trình giáo dục mới hoàn toàn.

Đại học Việt Bắc trong xu thế giáo dục mới

Tại Đại học Việt Bắc, các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng dự án cho từng học kỳ và bài tập thực tế cho từng môn học. Theo đó, nhà trường đưa các công việc thực tế trong doanh nghiệp vào bài giảng. Sinh viên sẽ được giao các nhiệm vụ, dự án ngay đầu giai đoạn để từng bước học hỏi và hoàn thiện nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện được chương trình học trên, nhà trường tạo môi trường học tập giống doanh nghiệp với việc tuân thủ nghiêm ngặt lịch học tập.

Khi đó, giảng viên sẽ ở vai trò người hướng dẫn và tạo một môi trường học tập trong đó sinh viên hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Giáo viên là người cùng học với sinh viên chứ không phải người cung cấp lời giải.

Nhiệm vụ của giáo viên đối với sinh viên là: Xây dựng kiến thức (chứ không chỉ truyền đạt kiến thức); Làm cho sinh viên hiểu (chứ không chỉ ghi nhớ); Chú trọng phương pháp sư phạm (chứ không chỉ tiến hành hoạt động); Tạo dựng xu hướng xã hội cho sinh viên (chứ không chỉ học tập cá thể); Giúp sinh viên học với định hướng của bản thân (chứ không chỉ với định hướng từ giáo viên); Đưa ra những đánh giá và tự đánh giá mang tính định hình (chứ không chỉ tổng hợp điểm); Giúp sinh viên học về cách học (chứ không chỉ học về chủ điểm).

Với cách học này, sinh viên sẽ có điều kiện phát huy cao tính sáng tạo, từ đó, định hướng rõ ràng về mục đích môn học, chủ động trong việc tự tìm tòi kiến thức. Đây cũng là cách để sinh viên làm quen với những yêu cầu của công việc sau này.

Đổi mới phương thức đào tạo Tăng cường cho SV thực hành trong phòng TN, xưởng thực tập, đưa sinh viên đến nhà máy, xí nghiệp, kết hợp đào tạo trình độ đại học với đào tạo nghề.

Tại Việt Bắc, các sinh viên khi đăng kí nhập học, sẽ cùng lúc đỗ 2 trường, là trường đại học Việt Bắc và một trường Nghề liên kết. Nắm bắt được xu hướng của sinh viên Việt Nam những năm qua, tốt nghiệp Đại học xong lại phải đi học thêm một bằng nghề để dễ xin việc và làm việc hơn.

Đại học Việt Bắc đã kết hợp yếu tố đó vào chương trình đào tạo của nhà trường. Chỉ nhanh chóng sau 2 năm học đầu, khi vừa nắm bắt tốt kiến thức nền tảng của các môn đại cương theo chương trình đại học, thì các em cũng đã hoàn thành toàn bộ khóa học nghề thực tế để lấy được bằng.

Những năm tiếp theo các em có thể tự tin chuyển qua vừa học vừa làm, để tích lũy kinh nghiệp vừa trở thành nhân lực có năm kinh nghiệm, tay nghề tốt lại có thêm kiến thức chuyên môn sâu.

Trong năm 2017 với mô hình giáo dục mới mẻ trên, Đại học Việt Bắc đã vinh dự được đón nhiều đoàn trong nước và quốc tế đến tham quan học hỏi và hợp tác.

Tiêu biểu như các buổi làm việc và tọa đàm với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ba Lan, phái đoàn của đại học Calsouthern Mỹ, trường Đại học Southern – Malaysia...

Đến với Việt Bắc ngày hôm nay, mọi người đều đang hi vọng và nhìn thấy sự thành công đến từ sự quyết tâm đổi mới giáo dục của nhà trường.

Hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày một giàu mạnh.

Lê Hoài

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dai-hoc-thuc-hanh-co-hoi-va-thach-thuc-cua-giao-duc-viet-nam-3323631-c.html