Đại học Ngoại thương nhận hồ sơ từ 20,5 điểm

Đại học Ngoại thương tại cơ sở Quảng Ninh là 18, tại cơ sở HN và TP.HCM là 22 điểm khối A và 20,5 điểm các khối còn lại

Trước thềm nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, nhiều trường đại học đưa ra thông tin xét tuyển cho thí sinh cân nhắc khi bắt đầu nộp hồ sơ từ 1/8. Trong đó các trường thuộc nhóm GX như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân.

Nhiều tiêu chí trong hồ sơ xét tuyển

Năm 2016, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển đại học hệ chính quy theo nhóm GX gồm 12 trường thành viên. Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường phải có tổng điểm trung bình các môn học thuộc 3 môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20 trở lên. Trường sẽ kiểm tra học bạ THPT khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học. Điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng của trường lên đại học.

Tổng điểm 3 môn xét tuyển và điểm ưu tiên không thấp hơn 18 (điều kiện này không áp dụng cho các Chương trình đào tạo quốc tế với mã QT21, QT31, QT32 và QT33).

Công thức tính điểm xét tuyển của Đại học Bách khoa.

Để nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Ngoại thương, thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm THPT từ 6,5, hạnh kiểm đạt khá trở lên. Khi nhập học, trường sẽ kiểm tra học bạ và loại khỏi danh sách trúng tuyển những hồ sơ không đạt quy định trên.

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển sau khi đã cộng điểm ưu tiên thấp nhất là 18 đối với các ngành có môn xét tuyển tính hệ số 1 các khối A, A1 và D1 tại cơ sở Quảng Ninh; mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển cơ sở Hà Nội và TP HCM là 22 điểm khối A và 20,5 điểm cho các khối A1, D1, 2, 3, 4, 5, 6.

Năm học 2016-2017, trường áp dụng mức học phí đối với cơ sở Hà Nội và cơ sở 2 TP HCM là 400.000 đồng/tín chỉ, khoảng 15,65 triệu/năm. Mức học phí dành cho sinh viên theo học Chương trình tiên tiến là 46 triệu/năm. Chương trình chất lượng cao, chuyên ngành Kế toán - Kiểm đoán định hướng nghề nghiệp ACCA đóng học phí 710.000 đồng/tín chỉ, khoảng 28 triệu/năm.

Học phí ở cơ sở Quảng Ninh thu theo mức 400.000 đồng/tín chỉ. Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh và 3 năm học tại THPT Quảng Ninh được hỗ trợ 30% học phí cho toàn khóa học.

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đã bao gồm điểm ưu tiên và đối tượng của Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Nằm trong nhóm GX, Đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục tuyển sinh theo ngành với tổng chi tiêu là 4.800. So với năm 2015, năm nay trường tuyển thêm ngành Kinh tế đầu tư với chỉ tiêu tuyển sinh 200, Quản lý công và chính sách bằng tiếng Anh tuyển sinh 50 sinh viên.

Trường xét tuyển 4 tổ hợp A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Anh), D1 (Toán, Văn, Anh) và B (Toán, Hóa, Sinh). Chương trình định hướng ứng dụng (POHE) chỉ xét tuyển tổ hợp A1, D1 với tiếng Anh là môn chính hệ số 2, ngành Ngôn ngữ Anh chỉ xét tuyển tổ hợp D1 với tiếng Anh là môn chính hệ số 2.

Theo bộ phận phân tích tuyển sinh của trường, điểm trúng tuyển vào các ngành năm nay sẽ giảm nhẹ, có sự phân tốp mạnh hơn giữa các ngành so với năm 2015. Cơ sở của việc đánh giá này dựa trên phổ điểm của thí sinh năm nay thấp hơn năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh không biến động nhưng lượng thí sinh đăng ký giảm nhẹ. Song những nhóm ngành hot như Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế đầu tư, Kinh tế quốc tế điểm trúng tuyển dự đoán vẫn cao.

Đại học Y Hà Nội tuyển 1.100 chỉ tiêu cho cơ sở chính tại Hà Nội và phân hiệu tại Thanh Hóa. Riêng ngành Bác sĩ Đa khoa lấy 600 em, phân bố cho cơ sở Hà Nội 500 và phân hiệu Thanh Hóa 100 chỉ tiêu.

Đại học Y Hà Nội là trường có điểm chuẩn biến động hàng năm không lớn. Năm trước, điểm trúng tuyển vào ngành Bác sĩ Đa khoa của trường là 27,75; tiếp đến là Răng Hàm mặt 27 rồi đến các ngành khác. Y tế công cộng là ngành có mức điểm trúng tuyển thấp nhất với 23.

Nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau, trường sẽ dùng tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên để xét tuyển, ưu tiên 1 là môn Toán rồi đến môn Sinh.

Nhiều phụ huynh thắc mắc về điều kiện xét tuyển năm 2016 của Đại học Kinh tế quốc dân trong ngày hội tư vấn của trường.

Không được thay đổi nguyện vọng khi xét tuyển

Theo lịch, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ 1/8 đến 12/8, đợt 2 từ 21/8 đến 31/8 và đợt cuối cùng từ 11/9 đến 21/9. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 20/10 đối với hệ đại học và 15/11 đối với hệ cao đẳng.

Trong đợt đầu tiên, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển. Trong các đợt bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh cũng không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển bổ sung này.

Nếu đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm, thí sinh được phép xét tuyển nhiều trường trong nhóm, mỗi trường 1 hoặc 2 nguyện vọng nhưng không quá 4 ở đợt 1 và không quá 6 ở các đợt xét tuyển bổ sung.

Ngày 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm sàn đảm bảo ngưỡng đầu vào để thí sinh làm căn cứ đăng ký xét tuyển. Điểm sàn 2016 là 15 cho tất cả khối thi.

Theo VnExpress

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/dai-hoc-ngoai-thuong-nhan-ho-so-tu-205-diem-d29659.html