Đại học Luật TP.HCM góp ý kiến sửa đổi, bổ sung BLHS 2015

Ngày 9/5, Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo về “Góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015”.

Mở đầu, ông Trần Văn Độ, nguyên Chánh án TAND Tối cao nêu quan điểm về những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội, là cần xem xét lại cách tiếp cận để quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại trong phần thứ nhất của Bộ luật xuất phát từ bản chất mang tính nguyên tắc là: “Pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự thông qua hành vi phạm tội của thể nhân, khi thể nhân đó thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân, đại diện cho pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân...”.

Đối với vấn đề này, ông Độ cho rằng không nên sửa đổi, bổ sung vấn đề gì liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Nếu sau này có vướng mắc thì giải quyết bằng con đường giải thích, hướng dẫn áp dụng.

Trong phần trao đổi của mình về vấn đề định lượng trong phần các tội phạm, nguyên Chánh án TAND Tối cao cho biết, không ủng hộ quan điểm định lượng hóa tuyệt đối như BLHS 2015 và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung...hiện nay.

Nhiều ý kiến đã được đưa ra để sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 tại hội thảo do Đại học Luật TP.HCM tổ chức.

Theo ông Độ, tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm thể hiện rất nhiều yếu tố khác nhau, về khách quan, cũng như chủ quan của tội phạm. Trong đó, hậu quả của tội phạm có ý nghĩa pháp lý quan trọng, nhưng không thể là yếu tố quyết định duy nhất của tội phạm. Về phần mình, hậu quả của tội phạm bao gồm cả hậu quả vật chất (có thể định lượng được) và hậu quả phi vật chất (không thể định lượng). Hậu quả vật chất lại có nhiều loại khác nhau: về thể chất (tính mạng, sức khỏe), về tài sản và mỗi loại lại có nhiều mức độ khác nhau.

Trong BLHS 2015, nói chung, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nói riêng, chỉ định lượng riêng rẽ được từng loại hậu quả, mà không kết hợp được các loại hậu quả đó trong định lượng. Hơn nữa, hậu quả của hành trong các bối cảnh khách quan và chủ quan khác nhau cùng cần được đánh giá khác nhau. Ví dụ, xả thải ra môi trường cùng một khối lượng, thể tích chất độc hại như nhau nhưng ở các không gian khác nhau (vùng hoang vắng, thưa thớt dân cư, đô thị...) thì tính chất, mức độ nguy hiểm phải được đánh gia khác nhau...

Về phần này, ông Độ nhất trí với quan điểm chỉ đạo của Quốc hội khóa XIV là, đối với một số điều luật của BLSH 2015 đã được định lượng hóa chi tiết nhưng việc định lượng dẫn đến bỏ sót, chồng chéo hoặc không phù hợp thì đề nghị giữ lại như cách quy định của BLHS 1999, quy định có tính định tính.

Tại Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (BLHS năm 2015), thì “Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”. Đối với vấn đề này, Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Kim, khoa Luật - Đại học Luật TP.HCM sửa đổi: “Pháp nhân thương mại được thành lập với mục đích thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khác cũng đưa nhiều ý kiến sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015 như: Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó trưởng Khoa Luật hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM góp ý kiến một số vấn đề tranh luận về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM góp ý kiến về sự đồng bộ giữa quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2015 với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Nguyễn Thị Hồng Ánh, giảng viên khoa Luật, trường Đại học Luật TP.HCM với một số góp ý về kỹ thuật lập pháp trong quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Hoàng Minh Đức, trường Đại học Cảnh sát Nhân Dân góp ý về tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015...

Trước đó, Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc Hội thông qua ngày 27/11/2015 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, do có nhiều sai sót nên ngày 29/06/2016, Quốc Hội đã ra nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành BLHS này. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 để Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa.

Bài & ảnh: Quang Thuận

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/dai-hoc-luat-tphcm-gop-y-kien-sua-doi-bo-sung-blhs-2015-d57678.html