Đại học không phải là con đường duy nhất

GD&TĐ - Năm nay, không khí xét tuyển vào các trường đại học không còn cảnh ồn ào, “rút ra, nộp vào” như năm trước. Thay vào đó là sự lựa chọn ngành nghề và chọn trường rất cẩn thận từ phía thí sinh.

Theo đánh giá của nhiều thầy, cô giáo từ các trường ĐH, CĐ, giờ đây thí sinh đã ý thức được việc phân luồng khá tốt. Đối với nhiều em, cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.

Thí sinh thận trọng

Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển, các trường ĐH, CĐ ở Cần Thơ vẫn còn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu. Trường ĐH mang tầm ĐH vùng như ĐH Cần Thơ cũng thiếu nhiều chỉ tiêu.

Trước thực tế này, xã hội đặt ra vấn đề: Liệu thí sinh với số lượng rất lớn còn lại đang ở đâu mà không xét tuyển? Có nhiều giả thuyết được đặt ra, có người cho rằng lượng thí sinh ảo quá cao; có thể do thí sinh điểm thấp nên không trúng tuyển; có thể do các trường tăng chỉ tiêu quá nhiều nên tuyển không đủ…

Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, hằng ngày làm công tác dạy học, tuyển sinh có chung quan điểm rằng: Đây là tín hiệu vui, thí sinh đã biết cân nhắc kỹ và “lượng sức” khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Vào thời điểm này, đã có nhiều trường CĐ, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề tuyển được khá đông thí sinh. Điều này cho thấy, cánh cửa ĐH không phải là duy nhất đối với thí sinh mà thay vào đó, nhiều em đã chọn học bậc CĐ hoặc học nghề để lập thân lập nghiệp.

Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển ngành Điều dưỡng, Trường CĐ Y tế Cần Thơ, em Trần Ngọc Bảo Trâm ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), vui mừng cho biết:

Năm nay, em thi tốt nghiệp và chọn xét tổ hợp khối B để vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Sau khi thi xong, em nhận thấy số điểm của mình thuộc loại trung bình khá, không thể cạnh tranh vào ĐH Y Dược.

Với số điểm 16 của em, nếu em nộp hồ sơ vào các trường ĐH công lập khác ở địa phương hoặc trường ĐH ngoài công lập thì khả năng trúng tuyển rất cao.

Tuy nhiên, em yêu thích lĩnh vực y học, em có ý định học điều dưỡng và học ngoại ngữ; khi học xong đăng ký xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Em được biết điều dưỡng sang các nước này làm việc mức lương rất cao, có thể nâng cao trình độ và lập nghiệp vững vàng… Trong xóm em có người học điều dưỡng xong, học tiếng Nhật và xuất khẩu lao động, lương mấy chục triệu một tháng, cuộc sống rất ổn định…

Khi được hỏi, nhiều thí sinh chia sẻ rằng cơ hội việc làm cho người học CĐ, trung cấp, học nghề hiện nay rất phong phú. Nếu lành nghề có thể thu nhập không thua người học ĐH.

Bên cạnh đó là con đường xuất khẩu lao động hoặc làm việc tại các nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp cũng rất rộng mở… Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - cho biết:

Thời gian qua, công tác phân luồng HS trong nhà trường phổ thông và từ các phương tiện thông tin đại chúng đã tác động rất lớn đến thí sinh.

Những con số từ các dự báo nhu cầu nhân lực, tỷ lệ SV ĐH thất nghiệp, tiềm năng xuất khẩu lao động, hướng nghiệp từ các trường… đã giúp thí sinh biết được nhu cầu lao động của xã hội trong thời điểm hiện tại và tương lai. Từ đó các thí sinh đã cân nhắc lựa chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp hơn.

Biết vận dụng chính sách

Thí sinh ở khu vực ĐBSCL nắm rất vững những chính sách ưu tiên và đặc thù của vùng trong tuyển sinh. Thay vì bằng mọi giá vào học ĐH, CĐ chính quy, nhiều thí sinh con em đồng bào dân tộc và thí sinh ở vùng sâu, vùng xa chọn hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng hoặc chính sách ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng.

Theo chia sẻ của các thí sinh, việc đăng ký đào tạo theo địa chỉ sử dụng có thể được hưởng ưu đãi về học phí và sau khi tốt nghiệp cơ hội việc làm khá tốt.

Con đường được nhiều thí sinh lựa chọn là lĩnh vực y tế, vì nguồn nhân lực lĩnh vực này ở ĐBSCL đang thiếu trầm trọng. Đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ và bác sĩ 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh).

Tính đến năm 2015, tỉ lệ bác sĩ và dược sĩ/vạn dân vùng ĐBSCL là 6,35 bác sĩ và 1,39 dược sĩ/1 vạn dân. Số bác sĩ, dược sĩ này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là còn thiếu ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều thí sinh dân tộc và thí sinh vùng đặc biệt khó khăn tận dụng chính sách đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

Đang chuẩn bị hồ sơ xét tuyển đào tạo theo địa chỉ sử dụng, thí sinh Thạch Sô Phia ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: Em được biết chính sách đào tạo theo địa chỉ sử dụng được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ triển khai mấy năm qua.

Em thấy bản thân đủ điều kiện đi học nên em làm hồ sơ dự tuyển. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chọn phương án này vừa đảm bảo khả năng tài chính, vừa dễ được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Em hy vọng khả năng của em có thể đạt điểm vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ; sau khi tốt nghiệp có thể được bố trí về địa phương công tác…

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ làm công tác tuyển sinh trong trường ĐH, việc “hụt” chỉ tiêu tuyển sinh trong đợt 1 xét tuyển có phần là do số HS lớp 12 giảm so với mọi năm.

Nguyên nhân HS giảm là do công tác kế hoạch hóa gia đình ở nước ta được thực hiện tốt. Hiện nay thế hệ HS lớp 12 (sinh từ năm 1997 - 1998) đa phần mỗi gia đình có từ 1 - 2 con.

Cụ thể, theo con số thống kê, tổng số HS lớp 12 tốt nghiệp năm 2016 của cả nước giảm nhiều so với năm 2015 (giảm hơn 25%). Đặc biệt, có khoảng 32% HS lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Cho nên số thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay ít hơn so với mọi năm là điều hiển nhiên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dai-hoc-khong-phai-la-con-duong-duy-nhat-2244241-b.html