Đại học cạn nguồn tuyển: Điều đáng mừng?

TPO - Một lãnh đạo vụ chức năng của Bộ GD&ĐT cho rằng việc các trường ĐH tuyển không đủ chỉ tiêu là một tín hiệu đáng mừng. Thí sinh đã có hơn một con đường lựa chọn đồng thời, cũng là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Cán bộ tuyển sinh đang hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ xét tuyển tại TPHCM.

Các trường Đại học (ĐH) đều tổ chức cho sinh viên khóa mới nhập học từ đầu tháng 9. Trừ một số trường công lập tốp trên thí sinh đến nhập học đạt tỷ lệ cao, còn lại, các trường thiếu đều thiếu chỉ tiêu…

Trường công đã khó

Ông Vũ Ngọc Huyên, Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết đợt 1, có 4.472 thí sinh xác nhận đăng ký học tại học viện. Học viện đang hy vọng trong một, hai ngày tới số lượng thí sinh đến nhập học đạt tỷ lệ như mong muốn. Ông Huyên cũng cho biết, đợt bổ sung đầu tiên trường có hơn 900 hồ sơ. Nếu số thí sinh này đến đủ 100% thì vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường sẽ không xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo.

Còn GS. Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết sau hai đợt tuyển sinh, ĐH chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên sẽ không tuyển bổ sung đợt tiếp theo. “Vì có tuyển nữa cũng không còn nguồn, kể cả xét tuyển học bạ. Chỉ tính riêng Tập đoàn Sam sung Thái Nguyên 6 tháng đầu năm đã tuyển 30.000 lao động, trong đó, phần lớn là lao động tốt nghiệp THPT. Điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người học lựa chọn đi làm luôn để lấy lương từ 6 triệu – 8 triệu/tháng” – ông Vui bày tỏ.

Tình trạng thiếu thí sinh cũng xảy ra tại ĐH Lâm nghiệp. Đại diện nhà trường cho biết đến nay thí sinh đến nhập học mới đạt 50% chỉ tiêu của trường. Trường đã thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) đợt 2 bằng hình thức xét kết quả học tập THPT. Năm 2015, ĐH Lâm nghiệp cũng đã bị “sốc” rất mạnh khi đợt 1 tuyển sinh vào trường chỉ được vài trăm thí sinh. Năm nay, với hy vọng tình hình khá hơn, trường quyết định xét tuyển cả học bạ THPT. Nhưng với thực tế hiện tại, cả hai hình thức xét tuyển mới có 1000 thí sinh đến nhập học trong tổng số trên 2000 chỉ tiêu.

Trường Đại học Công nghiệp TPHCM vừa ra thông báo tuyển thêm 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NVBS 2 bậc ĐH hệ chính quy năm 2016. Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng tiếp tục xét tuyển NVBS đợt 2 cho 11 ngành do trường cấp bằng và các chương trình liên kết với tổng chỉ tiêu bổ sung đợt này là 275, điểm nhận hồ sơ từ 15-21. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 với hơn 500 chỉ tiêu.

Trường ngoài công lập càng khó khăn

Tuyển sinh của các trường ĐH đúng là càng ngày càng khó. Các trường ĐH ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn hơn với mùa tuyển sinh năm nay. Đại diện một trường ĐH ngoài công lập tại Hà Nội cho biết trường cũng mới tuyển được 50% chỉ tiêu đề ra. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 hệ ĐH, CĐ chính quy với hơn 1.200 chỉ tiêu, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển gần 2.000 chỉ tiêu. Tương tự, trường ĐH Văn Hiến và trường ĐH Lạc Hồng cũng xét tuyển gần 1.000 chỉ tiêu ở hầu hết tất cả các ngành.

Nhưng năm nay, với quy định điểm chuẩn lần xét tuyển sau có thể thấp hơn lần xét tuyển trước của Bộ GD&ĐT đã thêm một lý do nữa để thu hẹp cánh cửa tuyển sinh của các trường, nhất là các trường ĐH ngoài công lập. Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết đợt xét tuyển bổ sung vừa qua, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã hạ điểm chuẩn. Chính vì vậy, hiện tại ĐH Duy Tân đang có “làn sóng” thí sinh đòi rút hồ sơ.

“Nguyên tắc của Bộ GD&ĐT là thí sinh không được rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng lúc xét tuyển. Còn khi thí sinh đã nhập học vào trường thì các em vẫn có quyền xin rút hồ sơ. Chính vì vậy mà hiện ĐH Duy Tân có rất nhiều sinh viên đã nhập học đến xin rút hồ sơ để nộp vào ĐH Đà Nẵng. Trường cũng không khó khăn gì việc đó, vì học ở đâu là quyền của sinh viên. Nhưng giá như, Bộ GD&ĐT quy định điểm chuẩn đợt xét tuyển sau bằng đợt xét tuyển trước thì các trường đã không vất vả như hiện nay” – ông Cơ chia sẻ.

Còn tại Hà Nội, đại diện một trường ĐH ngoài công lập cho hay, các trường công lập lấy điểm trúng tuyển từ điểm sàn, lại xét cả học bạ như ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp thì các trường ĐH ngoài công lập lấy đâu thí sinh nữa để tuyển. “Biết là năm rất khó khăn nhưng không biết kêu ai” – vị đại diện này băn khoăn.

Tín hiệu đáng mừng

PGS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, năm 2016, thí sinh được đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng nên ảo nhiều. Tuy nhiên, qua chuyến công tác vừa qua tại Mỹ, ông Dũng nhận thấy ảo luôn tồn tại trong bất cứ hình thức tuyển sinh nào. Ở Mỹ cũng có trường chỉ tuyển được 60%.

“Muốn chống ảo, các trường cần đưa yếu tố thị trường vào xét tuyển. Người học phải là khách hàng, các trường ngoài phân tích dữ liệu tuyển sinh trong khu vực còn phải chú trọng đến yếu tố đảm bảo chất lượng sau khi ra trường có việc làm. Những ngành đào tạo sinh viên ra trường khó kiếm việc làm thường ảo nhiều. Những ngành việc làm tốt thì vẫn luôn rất đông thí sinh đến học” – ông Dũng cho hay.

Còn lãnh đạo một Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT phân tích: Con số thí sinh đăng ký xét tuyển qua hai đợt cho thấy rất rõ bản chất của tuyển sinh ĐH năm nay. Thứ nhất, đợt 1 có trên 396.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trong tổng số 405.000 thí sinh có điểm từ sàn trở lên. Nhưng chỉ có 200.000 thí sinh xác nhận nhập học (đã nộp phiếu báo điểm cho các trường ĐH).

Kết thúc đợt 1 xét tuyển bổ sung, trong số hơn 200.000 thí sinh có điểm từ sàn trở lên chưa trúng tuyển đợt 1 thì chỉ có 50.000 thí sinh đăng ký xét tuyển. Như vậy, còn tới 150.000 thí sinh từ điểm sàn trở lên không tham gia tuyển sinh.

“Trong số này, phần lớn các em đã chuyển hướng đi học nghề hoặc đi làm. Nhưng vẫn có một lượng không nhỏ thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào trường mình yêu thích như ĐH Ngoại thương, ĐH Y, các trường khối an ninh, quân đội nên tiếp tục năm sau sẽ thi” – vị lãnh đạo cho biết.

Mặt khác, cũng theo vị lãnh đạo này, năm nay, số thí sinh giảm hơn năm 2015 rất nhiều. Thứ nhất, thí sinh đăng ký dự thi cụm thi ĐH giảm. Thứ hai, qua số liệu thống kê 3 năm trước năm 2016, số thí sinh tự do thi lại đều đạt con số là 140.000 đến 160.000, nhưng năm nay chỉ có 65.000. “Vì năm 2015, trung bình tất cả các trường tuyển được 90% chỉ tiêu, trong khi những năm trước chỉ đạt khoảng 80-85%” – vị lãnh đạo lý giải.

Ông Lâm Thành Hiển Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển được 60% so với chỉ tiêu. “Nguyên do là qua thông tin đại chúng, các thông số dữ liệu tuyển sinh từ các nguồn khác nhau cho thấy, nguồn tuyển gần như đã cạn. Bên cạnh đó, một số trường công lập thiếu chỉ tiêu vẫn tiếp tục tuyển sinh nên nhiều thí sinh vẫn đặt hy vọng vào các trường này trước rồi mới đến trường ngoài công lập”, ông Hiển nói.

Còn vị lãnh đạo vụ chức năng của Bộ GD&ĐT cũng khẳng định việc các trường ĐH tuyển không đủ chỉ tiêu là một tín hiệu đáng mừng. Thí sinh đã có hơn một con đường lựa chọn đồng thời, cũng là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/dai-hoc-can-nguon-tuyen-dieu-dang-mung-1049245.tpo