Đại học Bách khoa HN: 60 năm, 190 nghìn cử nhân, 14 nghìn thạc sĩ và hơn 800 tiến sĩ

* Đại học Bách Khoa Hà Nội lần thứ hai đón Huân chương Hồ Chí Minh. * "Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở nghiên cứu đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng lực nghiên cứu của các tổ chức quốc tế..."

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh đóng góp và thành tíchcủa Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh tổ chức ngày 15/10.

Tham dự lễ kỷ niệm còn có Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội và các tỉnh thành cùng các thế hệ cán bộ, sinh viên từng công tác tại trường.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong bài diễn văn của mình, Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội Hoàng Minh Sơn đã nêu lại chặng đường lịch sử với ghi nhận sự giúp đỡ, xây đắp của nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên.

"60 năm trước đây, Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, nay là ĐHBK Hà Nội đã khai giảng khóa đầu tiên cho 848 sinh viên. Cơ ngơi ban đầu chỉ gồm 6 ngôi nhà cũ, vỏn vẹn 16 phòng học, 6 phòng thí nghiệm và 1 xưởng thực hành nhỏ bé của Đông Dương học xá cũ. 50 cán bộ đầu tiên phần lớn vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm đã trải qua bao gian nan vất vả, vừa xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ, vừa xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình vừa lên lớp giảng dạy" - ông Sơn nói.

Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ,đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Từ 4 liên khoa trong buổi đầu thành lập, nay ĐHBK Hà Nội đã có 3 khoa và 17 viện đào tạo, 4 trung tâm và 8 viện nghiên cứu, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm và đầu tư tập trung, 200 phòng thí nghiệm và xưởng thực hành. Từ 14 chuyên ngành đào tạo kỹ thuật đại học, đến nay ĐHBK Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực với 122 chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có cả các ngành kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm kỹ thuật.

"Hằng năm, 6.000 sinh viên đại học chính quy, 1.500 học viên cao học và hơn 100 nghiên cứu sinh được nhà trường đào tạo. Trong 60 năm, trên 190.000 kỹ sư, cử nhân, 14.246 thạc sĩ và 838 tiến sĩ đã tốt nghiệp từ đây, trở thành những cán bộ kỹ thuật chủ chốt, những nhà quản lý giỏi trong nhiều lĩnh vực; thành những nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học có uy tín cho các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu; đặc biệt nhiều người đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đánh giá cao chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành của ĐHBK Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận trường luôn giữ vai trò tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, gắn với nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. ĐHBK Hà Nội là một trong những cơ sở nghiên cứu đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng lực nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển hệ thống các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật của nước nhà.

"Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN, ĐHBK Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu chương trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện, bám sát yêu cầu phát triển của thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo; trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm được nâng cao" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm phòng truyền thống của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chủ tịch nước cũng nhắn nhủ lãnh đạo, cán bộ ĐHBK Hà Nội, với vị thế là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu KH&CN hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, nhà trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo, KH&CN, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI), Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI).

Chủ tịch nước trồng cây lưu niệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Triển khai tốt Đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN, bám sát định hướng chiến lược phát triển KH&CN của đất nước và nhu cầu của xã hội, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, mang tính liên ngành, đóng vai trò then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

"Nhà trường cần tiếp tục đổi mới, khẳng định vai trò, vị thế trường đại học trọng điểm về KH&CN của quốc gia, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bích Ngọc

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/dai-hoc-bach-khoa-hn-60-nam-180-nghin-cu-nhan-13-nghin-thac-si-va-gan-800-tien-si/2016101504065745p1c882.htm