Đại gia Trần Kia và “quả” nợ hàng triệu đôla

Ngoài món nợ năm triệu đôla Mỹ của Công ty Cadovimex, Trần Kia còn nợ 111 tỷ đồng của các đối tác khác

Công ty Duyên Hải được UBND tỉnh Minh Hải (cũ) cấp phép đầu tư vào 16-9-1994, với vốn đăng ký đầu tư 4.116.000USD, thời gian hoạt động 25 năm, 100% vốn nước ngoài. Chức năng hoạt động theo giấy phép này là sản xuất tôm thẻ giống và nuôi tôm sú, tôm thẻ. Trong quá trình triển khai dự án, công ty đã điều chỉnh giấy phép sáu lần. Thời gian hoạt động cũng tăng từ 25 năm lên 50 năm, với tổng vốn đăng ký 10.464.816USD. Đây là dự án nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp lớn nhất khu vực ĐBSCL, được UBND tỉnh Bạc Liêu xem là một thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài lúc bấy giờ. Đồng nát tại Công ty Duyên Hải Tháng 3-2009, khi Trần Kia tuyên bố phá sản và trốn các con nợ lang bạt khắp nơi khiến lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các doanh nghiệp cay đắng. Công ty Duyên Hải một thời được xem như “con cưng” của tỉnh. Mới chân ướt chân ráo về Bạc Liêu thành lập Công ty Duyên Hải, Trần Kia đã được tỉnh cho thuê 775,15 ha đất ven biển thuộc các xã Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), thời gian là 50 năm để đầu tư nuôi tôm. Ngoài ra, công ty còn trực tiếp chuyển nhượng của các hộ dân lân cận được 39 ha. Quyết định của tỉnh làm nhiều người choáng váng. Trong khi tỉnh mới thành lập (năm 1997), nhiều người không đất sản xuất thì tỉnh lại hào phóng giao cho công ty này quá nhiều đất. Nhận đất xong, Công ty Duyên Hải bỏ trống, thua lỗ triền miên, nên không đóng góp cho sự phát triển của tỉnh như lời hứa hẹn ban đầu. Lỗ tiếp tục được ưu tiên Ngày 10-2-2009, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh đã có buổi làm việc với ông Trần Kia, TGĐ Công ty Duyên Hải. Tại buổi làm việc, Trần Kia vẫn tiếp tục “vẽ” tương lai tươi sáng của Công ty Duyên Hải sẽ hợp tác với một công ty của Anh quốc sử dụng hiệu quả 775 ha mà công ty đang thuê. Hôm sau, Trần Kia ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Amanda Foods Ptc. Ltd. thuộc Tập đoàn Prudential trên toàn bộ 775 ha của Công ty Duyên Hải để nuôi tôm thẻ chân trắng. Hai mươi ngày sau, Trần Kia tuyên bố phá sản. Dù liên tiếp thua lỗ nhưng công ty lại không ngừng mở rộng sản xuất và được ưu ái cho thuê đất. Ngày 7-5-1998, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành QĐ số 251/QĐ-UB, cho phép Cty mở rộng 218,35ha. Ngày 30-5-2000, UBND tỉnh tiếp tục ban hành QĐ số 236/QĐ-UB cho phép Cty mở rộng thêm 46,81ha. Trong khi đang lỗ trên 20 tỉ đồng, công ty lại tiếp tục xin thuê thêm 509,784ha để mở rộng dự án. Toàn bộ diện tích trên 509ha này thuộc dự án di dân, hầu hết đã được cấp cho dân nghèo. Khi giao đất cho công ty, hàng trăm người dân nghèo ven biển mất đất, rơi vào khó khăn. Sau khi có được trên 509ha, Cty không đưa vào sản xuất. Theo khảo sát của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính riêng trong năm 2008, diện tích đất Công ty Duyên Hải không đưa vào sản xuất là 290ha; số diện tích còn lại (trên 480ha) Công ty nuôi tôm cầm chừng với năng suất 130kg/ha/vụ - ngang bằng với các mô hình nuôi quảng canh (thả thưa) trong tỉnh. Nhờ bảo vệ trộm sắt vụn đem bán Hiện nay, Trần Kia không về Hoa Kỳ được bởi đang mang nợ. Để trốn nợ tại Việt Nam, Trần Kia đã xuất hiện tại Bạc Liêu. Tài sản bị niêm phong, chủ nợ ráo riết truy tìm, Kia đang mất dạng. Đoạn kết của những ngày tiêu tiền như nước chỉ còn quá khứ. Mới đây, bảo vệ Công ty Duyên Hải lấy một mớ sắt vụn chuẩn bị đem bán thì bị các cơ quan chức năng phát hiện. Bảo vệ giải thích: “Anh Kia nhờ đem bán để gởi tiền cho ảnh sống tại TPHCM”. Đây quả là bài học cay đắng cho các nhà quản lý khi kêu gọi đầu tư. Bởi không ít Việt kiều khi về nước đã dùng những chiêu đánh bóng tên tuổi rồi sau đó “ôm” đất nhằm trục lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bài học đắng cay này cả tỉnh Khánh Hòa và Tiền Giang đã nếm phải với ông Việt kiều họ Hoàng mà suốt một tháng qua dư luận đang bàn tán.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/dai-gia-tran-kia-va-qua-no-hang-trieu-dola/ct-399610