Đại đức Thích Giác Thiện: Ứng xử với thai nhi phải nhân văn

Đó là tâm sự của Đại đức Thích Giác Thiện - trụ trì chùa Từ Quang (huyện Bình Chánh, TP HCM) trong cuộc trao đổi với ĐĐK xung quanh hoạt động cầu siêu cho các vong linh thai nhi được chùa Từ Quang khởi xướng và tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay.

Đại đức Thích Giác Thiện

PV: Thưa Đại đức, xuất phát từ căn duyên nào chùa Từ Quang đã tiên phong trong tiếp cận với một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm hiện nay là vấn đề nạo phá thai tràn lan?

Đại đức Thích Giác Thiện: Thật ra, tôi không phải là người đầu tiên làm về vấn đề này. Rất nhiều quý thầy cũng đã hỗ trợ và chia sẻ với một số bậc làm cha, làm mẹ khi đến cầu xin điểm tựa cho những đứa con chưa thành hình của mình đã mất. Tuy nhiên, vấn đề này rất tế nhị nên đa số chỉ mang tính chất cá nhân lẻ tẻ… còn nhà chùa do có nhân duyên nên trở thành điểm hội tụ được nhiều người biết đến với tên gọi "Chùa thai nhi”. Nhân duyên đó bắt đầu từ năm 2009. Khi ấy có một Phật tử đem chuyện thường nằm mơ thấy rất nhiều con nít kéo về xin cùng niệm Phật và câu chuyện trước đây đã từng dứt bỏ đi giọt máu của mình kể với Thượng tọa Chân Tính (chùa Hoằng Pháp, TP HCM). Ngài đã dạy hãy nhờ quý thầy lễ sư giúp. Từ đó, chúng tôi được quý thầy bên Thành hội Phật giáo giao phó nên đã tổ chức một đại lễ trai đàn cầu siêu đầu tiên cho các vong linh thai nhi bị chối bỏ sự sống.

Sau những lần đầu tổ chức đại lễ đầu tiên, hiệu ứng xã hội về hoạt động này như thế nào, thưa Đại đức?

- Năm đầu tổ chức, chúng tôi cũng chưa có thời gian nghiên cứu và cũng chưa đánh giá được phản ứng của xã hội nên mới chỉ tổ chức cho đăng ký trong phạm vi các phật tử quen biết khoảng gần 300 vị. Vậy mà không ngờ khi tổ chức trai đàn cầu siêu thì con số lên đến chục ngàn người về xin nhờ cầu siêu.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều người đang vướng vào những nỗi ân hận và áy náy lương tâm đối với sự việc này. Thật sự, họ lâu nay không biết tâm sự hay phó thác cho ai. Vì thế khi nghe tin có đàn tràng này, họ như tìm được phương thuốc nên đã kéo về rất đông. Từ đó, tôi thấy lễ cầu siêu này đã đáp ứng nguyện vọng, hóa giải khổ đau của họ.

Ngoài việc cầu siêu cho các vong linh thai nhi, chùa Từ Quang đã làm những việc gì để giúp vơi đi những hậu quả không mong muốn nêu trên?

- Như chúng tôi đã nói, buổi lễ cầu siêu giúp giải thoát khỏi nỗi đau khổ, ân hận của những người làm cha, làm mẹ đã từng chối bỏ đứa con của mình. Đồng thời, hoạt động cũng đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người phụ nữ. Bên cạnh đó, hoạt động cũng hóa giải được không biết bao nhiêu khổ đau mà nhiều người đang cất giữ; giúp nhiều người ý thức được nghiệp sát và sự luân hồi mà đức Phật đã từng chỉ dạy.

Việc cầu siêu cũng không chỉ là giúp về mặt tâm linh, giúp cái đã qua, mà còn ngăn chặn từ đầu cho nghiệp báo. Chúng tôi đã trăn trở điều này nên qua năm thứ hai, đã bắt đầu đưa ra các hoạt động về giáo dục xen kẽ trong buổi lễ. Tức là chúng tôi lấy ngày trung tuần trung thu mỗi năm để tổ chức đại lễ trai đàn cầu siêu. Trong các ngày lễ, BTC ngoài thực hiện các nghi thức Phật giáo như cầu nguyện, niệm Phật,… thì còn có những buổi sinh hoạt của các giảng sư, nhà tâm lý về vấn đề này. Cụ thể, các giảng sư và những nhà tâm lý đã chuyển tải tới các đạo lý, giải thích về nghiệp nhân quả, vấn đề đạo đức, sức khỏe, nhận thức và lối sống để đưa ra những phương pháp nhằm khuyên mọi người đừng đi vào con đường đó nữa. Ngoài ra, chúng tôi cũng in rất nhiều kinh điển nói về nghiệp phá thai, tài liệu phá thai gửi đến người về dự lễ.

Sau những gì đã làm, Đại đức thấy tác động của xã hội hiện nay như thế nào về chương trình cầu siêu của chùa?

- Sau những lần tổ chức đại lễ trai đàn cầu siêu, tôi thấy đã có nhiều biến chuyển. Xã hội đã chú ý đến vấn đề này hơn. Đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ hay các bạn trẻ đã biết giữ mình hơn. Thật sự khi làm việc này tôi chỉ cố gắng làm bằng tất cả tâm từ bi theo sự chỉ dạy của chư Phật. Và điều tôi thấy được đó là đã đem lại pháp an tâm cho mọi người. Việc làm này đã đem lại lợi ích rất lớn cho những người đã từng phá thai. Những người còn sống đã được yên lòng. Họ cho rằng đã gửi được vong linh con mình vào chùa, có nơi chốn yên thân để sớm siêu thoát. Từ đó, họ an tâm để trở lại cuộc sống đời thường, không cảm thấy áy náy và ân hận nữa. Đồng thời qua việc trai đàn, họ cũng đã biết đến Phật pháp, thấy ánh sáng mà sửa chữa.

Trân trọng cảm Đại đức về cuộc trò chuyện!

HỒNG PHÚC (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=100343&menu=1371&style=1