Dai dẳng nạn tảo hôn

Bài 1: 'Ưng là cưới thôi!'

Bài 1: “Ưng là cưới thôi!”

Nếu như luật tục “nối dây” vẫn âm ỉ trong đời sống đồng bào miền núi Quảng Trị khiến nhiều góa phụ trẻ buộc chọn lựa xa con, trở về nhà mẹ đẻ thay vì tiếp tục làm “vợ người ta” theo sự sắp đặt của hủ tục thì nạn tảo hôn dai dẳng hơn thế và đặc biệt còn có xu hướng tăng nhiều năm lại đây. Đến bất kỳ đâu, từ miền tây Gio Linh đến Vĩnh Linh, đặc biệt trên rẻo cao Đakrông, Hướng Hóa, câu chuyện kết hôn sớm ở tuổi vị thành niên chỉ cần hỏi vu vơ là có, mới hôi hổi.

Gần cuối tháng 5, là mùa gió Lào đã thả cửa. Nóng bức, khó chịu khiến người điềm tính nhất cũng cố mà bình tĩnh, thông minh để kiềm chế tránh khỏi gây mâu thuẫn với ai, kể cả đó là một ngày quan trọng, hạnh phúc như của V. và G. Là ngày đi đăng ký kết hôn nhưng đôi vợ chồng trẻ Hồ Thị G. (1998) và Hồ Văn V. (1997, trú xã miền núi Hướng Tân, H. Hướng Hóa) không thể nở nụ cười trọn vẹn dù chờ đợi rất lâu mới đủ tuổi kết hôn. Nhanh chóng điểm chỉ vào phần ký tên, G. quay sang ẵm đứa con gái hơn 11 tháng tuổi để chồng ký nốt phần thủ tục còn lại. Anh chồng trẻ lóng ngóng, vụng về khiến người vợ trẻ chực cau mặt bực mình. “Con bé hay đau ốm, quấy khóc cả đêm, sáng ni mới đưa lên trạm xá khám, lấy thuốc xong rồi qua đây làm giấy khai sinh luôn” - G. dỗ con vừa kể. Đôi mắt của bà mẹ trẻ cũng trũng sâu, phờ phạc đến tội nghiệp. Sau khi đăng ký kết hôn xong, vợ chồng G. ngay lập tức khai sinh cho con gái.

Chị Hồ Thị Liên được đồng bào xã Hướng Hiệp coi như mẹ đỡ đầu của đám trẻ nhà mình.

Chị Hồ Thị Liên được đồng bào xã Hướng Hiệp coi như mẹ đỡ đầu của đám trẻ nhà mình.

Lùi về gần 2 năm trước, khi đó cả G. lẫn V. đều là vị thành niên thì đã phải lòng nhau. Vẫn biết chưa đủ tuổi kết hôn theo luật pháp nhưng cha mẹ đôi bên đồng ý, cả hai đã được tổ chức đám cưới theo phong tục của bản. Nhận thức thấp và suy nghĩ đơn giản, vợ chồng V. và G. ngất ngây trước hạnh phúc đôi lứa. Tuy nhiên, khi G. có thai và sinh con, cuộc sống hôn nhân mới bắt đầu xuất hiện khó khăn. Ngày tháng thơ mộng nhanh chóng qua đi. “Ngày trở dạ sinh con, em hoảng, sợ lắm”, G. tâm sự, nhớ lại thời khắc tuổi 18 đầy dữ dội. Lo thân chưa xong lại phải đùm đề vợ con nheo nhóc, V. dù không muốn lớn cũng phải trưởng thành một cách bất đắc dĩ. “Nếu quay trở lại thời gian, em sẽ vẫn chọn cô ấy, yêu thương suốt đời nhưng cả hai sẽ không cưới sớm như rứa nữa, sinh con sẽ khỏe mạnh hơn, may mà mẹ tròn con vuông”, V. nhớ lại lúc vợ vượt “cửa tử” sinh con.

Cán bộ Hộ tịch - Tư pháp xã Hướng Tân Hồ Văn Dừa cho biết trường hợp kết hôn sớm như vợ chồng V. không hiếm ở đây, trong đó có em đang đi học như Hồ Thị X.C. ở bản Xà Rường. Do học chậm nên chuẩn bị sang lớp 9 thì C. đã 16 tuổi. Trong những lần lên rẫy dịp hè, C. quen biết và yêu một chàng bên kia biên giới Lào. Nhìn quanh bản, việc lấy chồng sớm không phải là bất thường nên chuyện đến trường đối với C. trở nên thừa thãi. C. muốn cưới chồng. Tháng 9, khi bạn bè tựu trường thì C. đã sang làm dâu xứ người để lại nhiều tiếc nuối. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, Hướng Tân là một trong những địa bàn có số lượng vụ tảo hôn tăng dần nhiều năm qua. Nếu như năm 2011 ghi nhận 4 trường hợp thì năm 2014 có 16 trường hợp. Đến giữa năm 2016 thêm 10 trường hợp. Tuy nhiên, thực tế có thể cao hơn.

Chúng tôi lại ngược về xã Hướng Hiệp, H.Đakrông. Đây là địa bàn chủ yếu đồng bào Vân Kiều sinh sống. Giữa cái nắng, nóng như lửa táp, chúng tôi tạm dừng chân bóng cây bên vệ đường, cũng là nơi bà Hồ Thị L. (57 tuổi) cùng con cháu đang phơi nóng bán đào, măng và ốc đá vừa bắt từ suối lên. Cuộc trò chuyện trở nên thú vị bởi bà L. không giấu việc lấy chồng từ rất sớm. 16 tuổi đã sinh con. Đứa con trai thứ nhì và đứa con trai út của bà cũng lấy vợ đang vị thành niên. Chị Hồ Thị Đ. (29 tuổi), con dâu thứ của bà L. cho hay về làm dâu 2 năm mới đủ tuổi kết hôn. Đứa con đầu lòng nay đã 12 tuổi. Ngay cả cô con dâu út của bà L. mới cưới vài tháng trước chưa tới 17 tuổi. “Ưng thì lấy thôi, cha mẹ thương nên ủng hộ”, chị Đ. nói về cái lẽ thường tình xảy ra ở vùng núi cao.

Thăm và tặng quà cho trẻ em nghèo tại bản A Vao, H. Đakrông.

Để chứng thực thêm cho cái sự vô tư ấy, chúng tôi gặp nữ hộ sinh Hồ Thị Liên. Chị Liên cho biết ngày 1-6-2017, chị chính thức nghỉ hưu (xin nghỉ sớm 2 năm) sau 17 năm làm Trưởng trạm Y tế xã Hướng Hiệp và có hơn 20 năm gắn bó với y tế thôn bản, chừng ấy thời gian nên chị rành rõ chuyện bi hài tảo hôn ở địa bàn mình. Theo chị Liên, khoảng 10 năm lại đây, nhận thức của người dân về sức khỏe sinh sản đã được nâng cao, cụ thể sản phụ đến trạm y tế sinh con chứ không ra chòi đẻ trên nương rẫy như trước. Tuy nhiên, họ lại phó thác hết cho cán bộ y tế xã, nhất là những trường hợp ông bố trẻ, bà mẹ nhí của nạn tảo hôn. “Có cậu đưa vợ về đến trạm xong là dông xe đi chơi, như không có chuyện gì. Ngay cả đồ dùng cho sản phụ lẫn tã lót trẻ sơ sinh cũng không hề chuẩn bị, cứ như đó là việc của cán bộ trạm” - chị Liên nhớ lại. Một phần họ vì quá trẻ, chưa sẵn sàng tâm lý để lo toan mọi thứ, một phần chủ quan với quan niệm “Trời sinh trời nuôi” nên phó mặc, cũng may chị Liên và đồng nghiệp chưa từng gặp một ca nào biến chứng, rủi ro. Những ca sinh đôi, ca khó đều chuyển tuyến ngay, còn lại sinh đẻ thuận lợi. Có trường hợp vợ sinh xong chồng mới có mặt, thấy vợ vừa qua cơn vượt cạn thương lắm muốn ào đến nhưng “chộ” đứa con nhỏ xíu, da nhăn nheo không như hình ảnh thấy trên phim ảnh lại hét toáng lên. Bi hài đó không chỉ lặp lại 1 lần. Bởi 3 năm liền tù tì 2 đứa con, không có thời gian để... rút kinh nghiệm.

Có trường hợp cha mẹ can ngăn, nhờ cả cán bộ khuyên giải nhưng đôi trẻ vẫn quyết tâm đến với nhau kèm lời hứa chắc nịch. “Bọn em yêu nhau lắm, không bỏ nhau đâu”, chàng trai nói như năn nỉ. Trên những rẻo cao Hướng Hóa, Đakrông hay xã miền núi Vĩnh Linh, Gio Linh, không ít cặp vợ chồng chưa tới 30 tuổi đã có đàn con 5 đứa, nhớ không nổi năm sinh từng đứa. Cái vòng nghèo khó luẩn quẩn đeo bám khiến chuyện học hành của con cái không còn là vấn đề chính. Nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng thành chuyện “nóng” mỗi dịp hè về. Nhiều người lắc đầu tỏ rõ sự bất lực vì “hạnh phúc là thứ dễ lây lan”, không thể trì hoãn.

(còn nữa)

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_167149_dai-da-ng-na-n-ta-o-hon.aspx