Dai dẳng nạn tảo hôn (2)

* BÀI CUỐI: CHỐNG VÀ CHẶN

* BÀI CUỐI: CHỐNG VÀ CHẶN

Trên hành trình qua nhiều bản, xã đồng bào miền núi Quảng Trị tìm hiểu về nạn tảo hôn, chúng tôi được nhiều người tích cực “giải oan” cho tục “đi sim”, vốn bị coi là một trong những lý do dẫn đến việc kết hôn sớm ở giới trẻ dân tộc thiểu số. “Đi sim” là nét văn hóa trong sáng của đồng bào Vân Kiều - Pa Cô, là mùa trăng hẹn hò của thanh niên bản xóm. Vào những đêm đó, trai gái đến tuổi cặp kê đến “ngôi nhà chung”, thường là nhà của các cụ già neo đơn để tụ họp, hát hò giao duyên rồi tìm hiểu. Tình yêu sẽ lớn dần theo những cuộc “đi sim” này. Tuy nhiên, việc biến tướng dẫn đến “vượt rào” thời nào cũng có, nhiều trường hợp phải kết hôn sớm vì thế. Nhưng ở thời đại công nghệ này, khoảng cách thời gian, không gian gần như được san bằng về trong thế giới di động, mạng Internet. “Lúc trước mong, nhớ chờ đến đêm trăng để đi sim, hẹn hò, chừ thì có điện thoại rồi, zalo, facebook sẵn hết, chuyện trò, hẹn hò thuận lợi hơn, cần chi phải đợi cực khổ. Tục đi sim vì vậy mà mai một dần” - thanh niên Hồ Văn Cao (trú xã Linh Thượng, H. Gio Linh, Quảng Trị) cho biết. Chính vì điều kiện thuận lợi hơn, tìm bạn dễ hơn nên chuyện yêu đương của bạn trẻ diễn ra càng thần tốc với phương châm: yêu là cưới kẻo ế.

Hội thảo tìm giải pháp phòng chống kết hôn sớm tại vùng núi Quảng Trị.

Hội thảo tìm giải pháp phòng chống kết hôn sớm tại vùng núi Quảng Trị.

Trao đổi với ông Lê Văn Quyền - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị được biết, qua khảo sát thực tế tại 24 thôn, bản của 8 xã trên địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa, đồng thời gửi công văn khảo sát đến 33 xã, thị trấn còn lại của vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại và có xu hướng tăng. Điều đáng nói là qua khảo sát đã “bật” được con số chênh lệch so với báo cáo trước đó. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do thôn bản không báo hết lên cấp trên. Như tại Đakrông, theo báo cáo của huyện trong giai đoạn 2011-2015 có 254 trường hợp tảo hôn. Nhưng khi khảo sát lại, chỉ mới tại 4 xã là A Vao, Pa Nang, Tà Rụt, Tà Long đã có 269 trường hợp. Hay tại địa bàn Hướng Hóa, cùng giai đoạn trên, báo cáo huyện cho thấy có 444 trường hợp tảo hôn thực tế trội hơn nhiều. Tính đến gần cuối năm 2016, 16/22 xã, thị trấn của huyện có gần 680 trường hợp. Tính chung cả tỉnh, từ năm 2011 đến giữa năm 2016 có gần 1.400 trường hợp tảo hôn nhưng vẫn chưa đầy đủ bởi 10/41 xã chưa có số liệu cụ thể. Một số địa bàn “nóng” như xã Thuận (H. Hướng Hóa) năm 2012 có 5 trường hợp thì đến năm 2015 “nhảy” lên 34 trường hợp, đến năm 2016 thêm 19 trường hợp. Hay như xã Hướng Lộc (H. Hướng Hóa), xã Húc Nghì (H. Đakrông) năm sau cao hơn năm trước...

Theo quan niệm của người dân tộc thiểu số, kết hôn sớm là điều bình thường, có từ lâu đời. “Cha mẹ hai bên đồng ý là được, với lại nhà neo người, lấy vợ về để thêm người phụ giúp lao động, cải thiện kinh tế gia đình” - anh Hồ Văn Xoay (trú xã Đakrông, H. Đakrông) chia sẻ. Nhưng một số lại nhìn vào cuộc sống chân thực hơn, mang tầm vấn đề “thời sự” hơn. “Gần đây thấy tình trạng học xong kiếm việc làm khó quá, nhiều em không muốn học cao lên, sợ gia đình tốn kém, cực khổ. Mà không đi học thì... lấy chồng chứ biết làm chi nữa” - chị Pỉ Vân (trú xã Đakrông) trăn trở. Bên cạnh đó, nhiều người thừa nhận rằng, trẻ em thời nay phát triển thể chất sớm dẫn đến yêu sớm mà không nhận thức được hết những hệ lụy mà bản thân, gia đình và xã hội phải gánh lấy về lâu dài. Thất học, ảnh hưởng sức khỏe, nghèo khổ... như cái vòng luẩn quẩn không dứt.

Anh Hồ Văn Dừa, cán bộ Hộ tịch - Tư pháp xã Hướng Tân (H. Hướng Hóa) cho hay, việc tuyên truyền vẫn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên để thay đổi nhận thức kết hôn sớm không phải một sớm một chiều. Chị Hồ Thị Liên, cán bộ y tế xã Hướng Hiệp cũng đồng quan điểm này. “Phải kiên trì và tuyên truyền, vận động có chiều sâu chất lượng” - chị Liên nhấn mạnh. Thực tế chỉ ra rằng, do đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn nên chính quyền tập trung cho việc xóa đói giảm nghèo, vấn đề chống “tảo hôn” không được ưu tiên. Hơn nữa, hầu hết trên địa bàn các xã chưa có mô hình truyền thông nào phù hợp, chỉ là các hoạt động mang tính lồng ghép ở thôn bản hoặc nhà trường và thiếu kinh phí để phục vụ cho việc tuyên truyền. Bên cạnh đó, thanh niên là đối tượng tuyên truyền nhưng chính quyền thường tuyên truyền qua các cuộc họp thôn mà thành phần tham gia chủ yếu là đại diện hộ gia đình, những người đã trưởng thành. Do đó, hiệu quả còn thấp.

Đời sống kinh tế của đồng bào miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trung tuần tháng 4-2017, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Dự án Plan tại Quảng Trị tổ chức hội thảo Vận động chính sách hướng đến xây dựng hương ước, quy ước phòng chống kết hôn sớm. Những người làm dự án nhận thức rõ đây không phải là vấn đề dễ, cần sự đồng thuận cao của bà con nhưng tin tưởng đây sẽ là giải pháp quan trọng để nhà nhà “Nói không với tảo hôn”.

Cũng liên quan đến Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”, tỉnh Quảng Trị phấn đấu giảm bình quân 10 đến 15%/năm số cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đến năm 2020 phấn đấu cơ bản ngăn chặn và hạn chế tình trạng trên ở vùng dân tộc thiểu số. Đề cao trách nhiệm và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân. Xây dựng mô hình dòng họ không có tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Trước nhiều giải pháp mà Quảng Trị đang tập trung triển khai, hy vọng sẽ đạt sự chuyển biến cao dù biết cuộc chiến chống tảo hôn sẽ gặp nhiều thách thức, trở ngại. Vì tương lai con em, hãy chung tay đẩy lùi nạn kết hôn sớm, góp phần đưa chất lượng đời sống của đồng bào ngày càng đi lên và phát triển bền vững.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_167207_dai-da-ng-na-n-ta-o-hon-2-.aspx