Đại chiến Thổ-Kurd ở Afrin: Tất cả là mưu kế của Nga?

Mỹ bắt đầu lo lắng về một mặt trận mới trên chiến trường Syria và cho rằng, Nga đang thúc đẩy Thổ-Kurd đánh nhau, giành lợi thế cho chính quyền Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt vòng vây Afrin

Theo giới truyền thông, các đơn vị quân tiếp viện của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục kéo đến khu vực biên giới nước này giáp với Syria để chống lại Lực lượng Dân chủ Syria (SDF- Syrian Democratic Forces), mà nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) do Mỹ hậu thuẫn.

Vừa qua, lực lượng đồn trú của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới giáp với Khu tự trị người Kurd ở Afrin đã giao đấu hỏa lực hỏa tiễn và pháo binh với lực lượng người Kurd ở Syria trong những tuần gần đây và giờ đây dường như Ankara đang muốn mở rộng hoạt động.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các đơn vị pháo binh và tăng-thiết giáp mới đến biên giới và đã hứa sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - những người mà họ cho là có liên quan đến “Đảng Lao động người Kurd” (PKK), mà họ coi là “tổ chức khủng bố”.

Cho đến giữa tháng 7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đến 8000 quân tới miền Bắc Syria ở địa bàn tỉnh Aleppo cùng với đó là hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp; đồng thời trang bị thêm xe thiết giáp cho lực lượng Quân đội Syria Tự do liên kết với họ.

Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tăng cường vũ khí trang bị, nhất là pháo tự hành đến khu vực Kilis và siết chặt vòng vây thị trấn Afrin từ bên trong lãnh thổ Syria đã khiến một số nhà quan sát tin rằng, Ankara có ý định bao vây Afrin để chờ cơ hội đánh chiếm khu tự trị này, quét sạch người Kurd khỏi khu vực phía Bắc Syria.

Theo thông tin mà lực lượng vũ trang người Kurd nắm được, trong tháng 7 qua, Ankara đã thiết lập hàng loạt các căn cứ quân sự gần với khu vực Afrin, trong các vùng Marais, Azaz và Tel Cibrin. Ở đây, đã triển khai nhiều binh lính, vũ khí hạng nặng và thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại chiến Thổ-Kurd sẽ có lợi cho Quân đội Syria

Trước đó, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xây dựng các căn cứ quân sự để hỗ trợ cho lực lượng FSA ở các thị trấn Al-Bab, Jarabulus, Sorana và Aktarina. Tất cả điều này chứng tỏ rằng chính quyền Erdogan đang chuẩn bị mở đợt chiến dịch đánh chiếm Afrin với 2 mũi tấn công từ phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và từ phía Bắc tỉnh Aleppo.

Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ hiện đang bắt đầu bày tỏ sự lo ngại về các hành động leo thang quân sự và động thái liên tiếp tăng quân tới giáp khu tự trị Afrin của người Kurd (cả bên phía Thổ Nhĩ Kỳ và trong lãnh thổ Syria ở địa bản tỉnh Aleppo) của chính quyền Ankara.

Nga đang thúc đẩy Thổ-Kurd đánh nhau?

YPG hiện là lực lượng nòng cốt trong liên minh ủng hộ Hoa Kỳ gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chiếm khoảng hơn 30.000 quân, trong tổng số hơn 50.000 quân của Liên minh này, nhưng lại bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, NATO không đồng ý với việc chính quyền Ankara liệt YPG vào danh sách khủng bố, và hiện đang hợp tác với họ như là lực lượng chính để chiếm lại thành phố Raqqa - được coi là thủ phủ không chính thức của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Đặc biệt là những diễn biến tăng quân gần đây nhất được Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là để bảo vệ một vùng lãnh thổ giữa vùng biên giới nước này ở Kilis với Idlib-Syria. Đây được dự đoán là một phần của một thỏa thuận lớn hơn giữa Moscow và Ankara cho một hoạt động chung để giải phóng Idlib.

Chi tiết của hoạt động này chỉ là suy đoán nhưng nó đã được hé lộ trong vài ngày qua, sau những lời phát biểu của đại diện phe đối lập Syria được chính quyền Ankara hậu thuẫn, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ TRT World.

Xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ tăng viện xuống biên giới phía Nam

Theo những đại diện của phe đối lập, họ hiện chỉ đang chờ “hiệu lệnh” của Ankara để đánh chiếm lại sân bay Menagh, thị trấn Tel Rifat và các làng khác từ tay YPG. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng sẽ gửi quân đội của họ đến Idlib để đóng vai trò cầu nối giữa quân đội Syria và các lực lượng đối lập.

Mặc dù Nga có thể không tham gia đầy đủ vào các tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, kể từ khi YPG cũng nhận được sự hỗ trợ nhất định từ Moscow nhưng rõ ràng là Nga không quan tân lắm đến quyền lợi của người Kurd, bởi có thể họ coi đây là một vấn đề ít quan trọng hơn sự xâm nhập của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Idlib (tức Liên minh khủng bố Hay’at Tahrir al-Sham do Jabhat Fateh al-Sham, nguyên là Jabhat al-Nusra).

Thêm vào đó, dường như người Kurd ngày càng có thái độ hiếu chiến hơn với ước mơ độc lập lập quốc gia riêng của họ, có thể Moscow đang tìm cách để cho hai lực lượng - cả hai đều có tham vọng chống lại chính phủ Syria - quyết đấu sinh tử với nhau trong thời gian này.

Moscow có thể rút nhóm quân Nga đang hiện diện ở Afrin về Latakia với lí do không có xung đột giữa Quân đội Syria với người Kurd nên không cần phải giám sát. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể yên tâm hậu thuẫn FSA đánh Afrin mà không phải e dè điều gì.

Nếu cả 2 lực lượng người Kurd và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhóm phiến quân FSA do họ hậu thuẫn đánh lẫn nhau để cùng suy yếu thì người được lợi sẽ chính là Quân đội Syria.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/dai-chien-tho-kurd-o-afrin-tat-ca-la-muu-ke-cua-nga-3340712/