Đại biểu Quốc hội: Thấy được sự lăn lộn của Thủ tướng

(HQ Online)- Thời gian nhận nhiệm vụ chưa lâu (mới 3 tháng) nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều thành viên Chính phủ (nhiệm kỳ 2011-2016) đã lăn lộn xuống địa phương. Đó là cảm nhận của đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) khi trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng nay 25-7.

Ông Đặng Thuần Phong trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội. Ảnh: T.Bình.

Ông cảm nhận thế nào về dấu ấn của Thủ tướng và các thành viên mới của Chính phủ vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn vào tháng 4 vừa qua?

Thủ tướng Chính phủ nhận nhiệm vụ mới 3 tháng nhưng đã xử lý, chỉ đạo ban hành hàng loạt nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là nỗ lực lớn để khắc phục hạn chế về thể chế, tháo gỡ thủ tục, các rào cản và bức xúc tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp và người dân.

Đó là nỗ lực lớn của Chính phủ nhưng vẫn chưa đủ. Chính phủ mới phải hành động hơn nữa, khi phát hiện vấn đề phải xử lý và giải quyết ngay chứ không phải là bàn tới, bàn lui kéo dài thời gian gây bức xúc lớn trong xã hội.

Có điều đáng mừng tôi nhận thấy là thời gian qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ đã lăn lộn xuống địa phương, khảo sát, xử lý nhanh chóng nhiều vấn đề như: vụ Formosa, gắn kết ban các ban chỉ đạo: Tây Nam bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc tạo cơ chế liên kết vùng cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, tuần này Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, theo ông đâu là thách thức đặt ra với Chính phủ mới?

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhưng nỗ lực nhưng vấn còn những vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt một số nguồn vốn đầu tư chưa được giải ngân nên những tháng còn lại của năm 2016 Chính phủ cần tập trung vào việc này.

Đẩy mạnh giải ngân giúp tăng nguồn cung tiền nhưng cũng dẫn tới khả năng lạm phát. Chính phủ cần phải cân nhắc xử lý vấn đề này. Nếu nguồn vốn được giải ngân từ đầu năm thì có thể hạn chế việc lạm phát. Nhưng tình trạng “đầu năm lo lễ hội, cuối năm lo giải ngân” thì khó.

Theo tôi, nguyên nhân do một số bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ làm chưa tốt vai trò của mình, nên về trách nhiệm cần phê bình nghiêm túc.

Ông kỳ vọng gì ở Chính phủ mới?

Tôi kỳ vọng Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện mục tiêu “Chính phủ hành động”. Để làm tốt, Chính phủ cần nhìn xa trông rộng, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, biết thực tiễn đất nước mình để vượt qua chính mình và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

Chiều nay, 25-7, trong phiên làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ (nhiệm kỳ 2011-2016) Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Theo tờ trình, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV được đề nghị giữ nguyên như cơ cấu Chính phủ như nhiệm kỳ 2011-2016 với 22 bộ, cơ quan ngang bộ (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Sau khi đi vào hoạt động Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ ban hành Nghị định khung quy định cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng giảm bớt trung gian, đầu mối, tăng cường giám sát hoạt động DN nhà nước... Sửa đổi quy chế làm việc, đổi mới phương thức lãnh đạo; tăng cường ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử...

Ngày 26-7, Quốc hội tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dai-bieu-quoc-hoi-thay-duoc-su-lan-lon-cua-thu-tuong.aspx