Đại biểu Quốc hội: Quy trách nhiệm trả nợ công chưa rõ

Sáng nay (16/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trong đó nhiều ý kiến đại biểu cho rằng phạm vi quy định về nợ công và trách nhiệm trả nợ công chưa được làm rõ.

Phạm vi nợ công chưa rõ

Một trong những nội dung các đại biểu quan tâm là phạm vi nợ công cần thống nhất hơn. Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cần thống nhất và ghi rõ ràng về nội dung này, hiện mới quy định nợ công gồm: Nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

“Vậy nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đơn vị sự nghiệp công và tổ chức kinh tế khác của Nhà nước; nợ do Ngân hàng nhà nước (NHNN) phát hành có tính vào nợ công hay không? Và nếu các đơn vị này gặp rủi ro thì là đó nợ gì, điều này cần làm rõ”, đại biểu Tiến đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) băn khoăn, Nhà nước có chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DNNN không vì có những khoản vay bảo lãnh Chính phủ là khoản vay của DNNN.

“Ví dụ, trường hợp thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Chính phủ đã phải bỏ ra một phần tiền để bù đắp, đồng thời chuyển một phần nợ sang Vinalines. Do đó, phải đánh giá lại, việc dùng ngân sách để trả nợ, vì nếu tính vào nợ công sẽ gây rủi ro trong điều hành ngân sách”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng lo ngại về việc nếu DNNN không trả được nợ và có thể phá sản. Nhưng việc DNNN phá sản sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tín nhiệm quốc gia và làm tăng chi phí đi vay, khoản nợ không trả được sẽ thành nợ xấu ngân hàng và dẫn đến Nhà nước phải trả thay. "Vì vậy, cần làm rõ nội dung này”, đại biểu Hàm kiến nghị.

Quy định rõ trách nhiệm trả nợ

Theo ý kiến đa phần đại biểu, dự thảo Luật vẫn chưa quy định rõ về trách nhiệm trả nợ của các cơ quan. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, nếu để 3 cơ quan như hiện nay sẽ hạn chế việc xáo trộn bộ máy, phân định rõ hơn về trách nhiệm trong quản lý nợ. Song theo đại biểu, sự phối hợp này chưa bao giờ thông suốt, bức tranh nợ công bị lắp ghép từ nhiều mảnh, không hoàn chỉnh.

“Không thể chối cãi một đầu mối sẽ tốt hơn 3 đầu mối. Điều này sẽ làm giảm biên chế, tăng tính chuyên nghiệp cho cơ quan tổ chức, tăng niềm tin giảm phiền hà cho người cho vay. Bên cạnh đó, khi đưa quản lý nợ công về một đầu mối sẽ nhanh chóng có bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài. Điều này cũng nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phân tích nợ, giảm rủi ro về nợ đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, giảm chi phí vay”, đại biểu Hàm cho biết.

Về nhận diện rủi ro và xử lý rủi ro nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng cần phải giám sát cả những khoản nợ ngoài phạm vi nợ công vì khi có rủi ro đối với những khoản nợ này sẽ ảnh hưởng đến an toàn nợ công. Ngoài ra, Luật cũng cần quy định rõ hơn về trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong từng bước, từng quy trình quản lý nợ, kể cả trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt chủ trương vay nợ...

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề xuất: "Do đó, trách nhiệm cơ quan quản lý nợ công cần rõ ràng, tuy nhiên luật mới quy định chung chung, nếu không quy định cụ thể thì không cơ quan nào chịu trách nhiệm. Đề nghị quy định cơ quan đi vay về cho vay hoặc bảo lãnh thay phải chịu trách nhiệm trả nợ nếu đơn vị cho vay không trả được nợ”.

Trung Hiếu/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-quy-trach-nhiem-tra-no-cong-chua-ro-20170616105018017.htm