Đại biểu Quốc hội: Nên dùng quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư sinh lời

Ông Lợi cho rằng, quỹ bảo hiểm xã hội nên tiếp tục thí điểm đầu tư thêm các dự án dài hạn để có lãi suất cao hơn, từ đó có chi phí chi trả cho công tác quản lý quỹ, bộ máy quản lý bảo hiểm xã hội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Quỹ bảo hiểm xã hội được dùng để chi trả cho những đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội khi họ bị mất hoặc giảm khoản thu nhập từ nghề nghiệp hoặc giảm khả năng lao động. Vấn đề đặt ra là phải quản lý số tiền này không thất thoát, lãng phí, không xảy ra mất mát do đầu tư.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng chúng ta nên sử dụng nguồn quỹ này để đầu tư sinh lời, từ đó, chúng ta có chi phí chi trả cho công tác quản lý quỹ, bộ máy quản lý bảo hiểm xã hội.

- Nhiều người lo lắng không biết quỹ bảo hiểm xã hội đang được quản lý, sử dụng ra sao, thưa ông?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Theo quy định hiện hành, quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý theo mô hình tập trung ở Trung ương. Tất cả địa phương hàng tháng phải nộp tiền quỹ về tài khoản Trung ương. Quỹ do Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội quản lý toàn bộ từ chính sách cơ chế, sử dụng nguồn quỹ. Nguồn quỹ chi thế nào, sử dụng, đầu tư vào đâu là do Chủ tịch Hội đồng quỹ quyết định, báo cáo Chính phủ.

Vấn đề đặt ra là phải quản lý số tiền này không thất thoát, lãng phí, không xảy ra mất mát do đầu tư. Khi Quốc hội khóa XIII thông qua Luật bảo hiểm xã hội, có rất nhiều ý kiến đề nghị nên cho phép quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào các dự án trọng điểm quốc gia, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, Quốc hội không đồng ý vì điều đó rủi ro cao, có thể dẫn tới mất quỹ của người lao động. Cuối cùng Quốc hội quyết định chỉ cho quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt (tốp 10 ngân hàng kinh doanh an toàn, tốt nhất) có năng lực tài chính thông qua hình thức cho vay hưởng lãi suất. Cùng đó, quỹ sẽ cho Nhà nước vay theo dạng mua trái phiếu Chính phủ.

Như vậy, việc quản lý quỹ này hoàn toàn chặt chẽ, không có chuyện vỡ quỹ. Nguồn quỹ này sẽ dành để chi trả cho người lao động khi về hưu. Hiện nay, việc chi trả lương hưu thông qua hai nguồn: ngân sách nhà nước chi trả 100% cho những người về hưu trước năm 1995. Còn với những người hưởng lương hưu sau năm 1995 (đủ 20 năm công tác) sẽ do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

- Theo ông, quỹ này có được phép đầu tư để sinh lời ở các kênh khác hay không?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Vấn đề đặt ra là yêu cầu Nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội thông qua Hội đồng quản lý quỹ nhà nước và đảm bảo tuyết đối an toàn quỹ nhưng nếu chỉ cho nhà nước vay qua trái phiếu Chính phủ và cho các ngân hàng vay sẽ sinh lời ít, do lãi suất thấp.

Theo tôi, chúng ta nên đầu tư vào các dự án quy mô nhà nước như thủy điện. Năm 2013, Thủ tướng quyết định thí điểm cho thủy điện Lai Châu vay 6.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm xã hội, thông qua Ngân hàng Công thương Việt Nam, lãi suất thu được cao hơn lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại (10% so với 7%). Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng lại ở thí điểm, chưa cho phép đầu tư rộng rãi.

Để đưa quỹ bảo hiểm xã hội đầu tư vào các dự án trọng điểm, Chính phủ cần trình phương án đầu tư để Quốc hội quyết định. Chính phủ nên tổng kết thí điểm cho vay thủy điện Lai Châu, xem kết quả, hiệu quả thế nào, khả năng thu hồi vốn, sinh lời bao nhiêu. Nếu kết quả tốt, chúng ta tiếp tục thí điểm đầu tư thêm các dự án dài hạn khác như BOT đường bộ… để có lãi suất cao hơn. Từ đó, chúng ta có chi phí chi trả cho công tác quản lý quỹ, bộ máy quản lý bảo hiểm xã hội.

Bởi quỹ này 20 năm sau mới sử dụng chi trả cho người lao động. Vì vậy, bây giờ chúng ta nên dùng nguồn này để đầu tư vào các công trình dài hạn để có lãi suất cao hơn. Chúng ta có chi phí chi trả cho công tác quản lý quỹ, bộ máy quản lý bảo hiểm xã hội.

- Đối với kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản thì sao, thưa ông và giải pháp nào để bảo đảm quỹ này được an toàn?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Tuyệt đối không được đầu tư quỹ vào chứng khoán, bất động sản vì đây là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro, mạo hiểm. Nếu đầu tư, khi thất thoát người lao động sẽ bị vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Bản chất quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ phúc lợi xã hội. Nếu quỹ này do không may trượt giá tăng lên làm cho giá trị thực tế đồng quỹ thấp hơn, Nhà nước phải bù để đảm báo giá trị cho người lao động về hưu không bị tác động trượt giá. Lương hưu không phải để làm giàu mà là đảm bảo an sinh xã hội.

Để tạo sự an tâm cho người lao động, hội đồng quản lý cần công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ với nguyên tắc bảo toàn vốn. Việc giám sát quỹ nên thông qua hình thức cấp thẻ an sinh xã hội để người lao động biết số tiền đóng góp, tỉ lệ sinh lời cũng như mức điều chỉnh tỉ lệ đóng góp ra sao để khi về hưu, mức lương của họ không thấp hơn đời sống thực tế.

- Xin cám ơn ông!

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nen-dung-quy-bao-hiem-xa-hoi-de-dau-tu-sinh-loi/417524.vnp